1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba Lan kêu gọi NATO tăng cường quốc phòng đối phó Nga

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 18/3 cho biết, NATO phải khẩn trương tăng chi tiêu quốc phòng để đảm bảo nước này không trở thành mục tiêu tấn công tiếp theo của Nga.

Ba Lan kêu gọi NATO tăng cường quốc phòng đối phó Nga - 1

Các loại vũ khí trang bị hiện đại đã và sẽ đưa vào biên chế của quân đội Ba Lan (Ảnh minh họa: Armed Forces Zone).

"Chuông báo động đang reo"

Phát biểu với CNBC, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhắc lại lời kêu gọi các thành viên NATO tăng đóng góp quân sự của họ lên 3%, trong bối cảnh có nhiều báo cáo mới cho rằng Moscow có thể sẵn sàng nhắm vào liên minh này trong vòng 2 đến 3 năm tới.

Ông Duda cảnh báo rằng có bằng chứng mới cho thấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tăng gấp đôi việc chuyển hướng sang nền kinh tế chiến tranh nhằm có thể tấn công NATO vào năm 2026 hoặc 2027. Nhận định này của ông được đưa ra sau khi xuất hiện báo cáo tình báo của Đan Mạch từ tháng 2 cho thấy Moscow có thể tiến hành một cuộc tấn công vũ trang vào NATO trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Ngược lại, trong thông điệp liên bang hôm 29/2, Tổng thống Putin một lần nữa bác bỏ suy đoán của Mỹ và các đồng minh rằng Nga có thể nhắm mục tiêu vào các quốc gia NATO.

Tổng thống Duda nói với CNBC hôm 18/3: "Chuông báo động đang reo lên". Do đó, theo ông, việc tăng cường đầu tư quân sự của liên minh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Ông nói: "Chúng tôi có 2 hoặc 3 năm để có thể tăng cường nỗ lực, dự trữ đạn dược và sản xuất vũ khí nhằm tối đa hóa an ninh châu Âu, sẵn sàng và đảm bảo cuộc tấn công không xảy ra".

"Tất cả những điều này cần phải được thực hiện để không phải tham gia vào một cuộc chiến. Vấn đề là tạo ra một biện pháp răn đe để đảm bảo chúng ta không bị tấn công. Đây chính là vấn đề vì không ai trong chúng ta muốn chiến tranh", ông nói thêm.

Ba Lan kêu gọi NATO tăng cường quốc phòng đối phó Nga - 2

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (Ảnh: Getty).

Ba Lan tăng cường tiềm lực quốc phòng

Tổng thống Ba Lan, quốc gia có chung đường biên giới trên đất liền với Ukraine, đã dẫn đầu các lời kêu gọi cung cấp vũ khí cho Kiev kể từ khi cuộc xung đột toàn diện Nga - Ukraine nổ ra.

Ba Lan cũng đã tăng cường khả năng quốc phòng, tăng chi tiêu quốc phòng vào năm 2023 lên gần 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - thậm chí còn cao hơn cả Mỹ về tỷ lệ phần trăm.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cảnh báo rằng, việc Hạ viện Mỹ không thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine có thể khiến "hàng nghìn sinh mạng" gặp nguy hiểm và càng củng cố thêm cuộc tấn công của Nga ở Ukraine và hơn thế nữa. Ông nói, "mỗi USD" quyên góp cho Ukraine đều cản trở chiến thắng của Nga.

"Sự gây hấn này của Nga phải được ngăn chặn bằng mọi giá. Nếu không ngăn chặn thì nó sẽ tràn ra và khi đó tôi sợ tiền Mỹ không đủ ngăn Nga, lính Mỹ sẽ phải vào cuộc và không ai muốn điều đó cả", ông nói thêm.

Đầu tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak xác nhận kế hoạch mở rộng lực lượng vũ trang lên 220.000 người vào cuối năm 2024, với lý do lo ngại về an ninh khu vực. "Quyết định này củng cố phản ứng của chúng tôi trước các mối đe dọa hiện tại", ông nói.

Hiện quân đội Ba Lan có khoảng 200.000 quân nhân, trong đó có 148.000 quân nhân chuyên nghiệp. Sự gia tăng theo kế hoạch này phù hợp với cam kết của chính phủ về tăng cường chi tiêu quốc phòng. Ngân sách năm 2024 do Tổng thống Andrzej Duda phê duyệt phân bổ 3,1% GDP cho quốc phòng, lên tới 29,4 tỷ USD.

Theo "Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu 2024" do Global Firepower thống kê và bình chọn, Ba Lan đứng thứ 21 thế giới (Mỹ đứng thứ nhất và Nga đứng thứ 2) trong tổng số 145 quốc gia được liệt kê trong danh sách.

Kho vũ khí của quân đội Ba Lan bao gồm: 468 máy bay, trong đó có 59 tiêm kích và 34 máy bay cường kích; 215 trực thăng và 30 trực thăng vũ trang; 612 xe tăng; 13.956 xe thiết giáp; 525 pháo tự hành; 211 pháo phản lực bắn loạt. Số vũ khí ở trong trạng thái sẵn sàng hoạt động đạt khoảng 70-80% tổng trang bị.

Vào tháng 9/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan khi đó là ông Mariusz Blaszczak tuyên bố nước này sẽ có quân đội trên bộ mạnh nhất châu Âu vào năm 2026.

Ông nói trong cuộc họp báo ở thành phố Torun phía bắc miền trung Ba Lan: "Trong vòng hai năm, Quân đội Ba Lan sẽ có quân đội trên bộ mạnh nhất và một trong những thành phần quan trọng nhất của quân đội trên bộ sẽ là pháo tên lửa".

Theo đó, Warsaw đã ký với Mỹ các thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD để mua 350 xe tăng M1 Abrams và 96 trực thăng tấn công AH-64E Apache trị giá 12 tỷ USD, đưa nước này trở thành quốc gia sở hữu nhiều trực thăng Apache nhất ngoài Mỹ.

Ba Lan cũng đã ký một thỏa thuận khung với chính phủ Mỹ về việc cung cấp 486 bệ phóng pháo - tên lửa tầm xa HIMARS, việc giao hàng bắt đầu vào cuối năm 2025. Việc tích hợp các bệ phóng HIMARS của Mỹ với các hệ thống của Ba Lan sẽ diễn ra trong vòng 2 năm tới.

Năm 2022, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã ký một thỏa thuận với Hàn Quốc, theo đó Ba Lan sẽ nhận được 288 tổ hợp pháo phản lực K239 Chunmoo, 48 máy bay chiến đấu FA-50, 180 xe tăng K2 Black Panther và một số lượng lớn pháo tự hành K9.

Ba Lan là thành viên chính thức của NATO từ năm 1999.

Theo CNBC, Global Firepower, defence24
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine