1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Azerbaijan đề xuất nguyên tắc để thiết lập quan hệ với Armenia

Đức Hoàng

(Dân trí) - Phía Azerbaijan đã nêu ra các nguyên tắc cơ bản mà Baku đã đề xuất để có thể thiết lập quan hệ với nước láng giềng Armenia, hơn một năm sau khi xung đột giữa 2 nước khép lại tại vùng Nagorno-Karabakh.

Azerbaijan đề xuất nguyên tắc để thiết lập quan hệ với Armenia - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Azerbaijan Leyla Abdullayeva (Ảnh: APA).

Trả lời câu hỏi của báo chí về các nguyên tắc cơ bản được trình bày với phía Armenia về việc thiết lập quan hệ giữa hai nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Azerbaijan Leyla Abdullayeva cho biết: "Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya, Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã nói về những nỗ lực xây dựng hòa bình của Azerbaijan trong thời kỳ hậu xung đột".

Tuy nhiên, bà Abdullayeva cho hay, dù Azerbaijan đã thực hiện nhiều động thái nhằm hướng tới bình thường hóa quan hệ với Armenia và Baku đã đưa ra những tuyên bố cấp cao nhất về việc sẵn sàng ký kết thỏa thuận hòa bình với bên còn lại, phía Yerevan vẫn chưa đưa ra phản ứng nào trong thời gian qua.

Azerbaijan đã công bố các nguyên tắc cơ bản để thiết lập quan hệ giữa hai nước, được các bên hòa giải đệ trình lên Armenia vài ngày trước. Đó là những nguyên tắc cơ bản trong bình thường hóa quan hệ giữa hai nước:

- Các bên công nhận tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bất khả xâm phạm của biên giới được quốc tế công nhận và độc lập chính trị của nhau;

- Sự xác nhận của các bên về việc không có yêu sách lãnh thổ chống lại nhau và chấp nhận các nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý là không đưa ra yêu sách như vậy trong tương lai;

- Nghĩa vụ kiềm chế việc phá hoại an ninh của nhau trong các mối quan hệ với các quốc gia khác, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, và theo bất kỳ cách nào khác không phù hợp với Mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc;

- Phân định biên giới, thiết lập quan hệ ngoại giao;

- Mở cửa giao thông vận tải và thông tin liên lạc, xây dựng các kênh thông tin liên lạc khác nếu thích hợp, và thiết lập hợp tác trong các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

"Chúng tôi muốn lưu ý rằng hai nước có thể ký kết một thỏa thuận hòa bình song phương trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên bằng cách tiến hành các cuộc đàm phán sâu, thực chất và hướng tới kết quả", bà Abdullayeva nói.

Tháng 11/2020, với trung gian là Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký một thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột ở vùng Nagorno-Karabakh (Azerbaijan hiện định danh là Karabakh), lãnh thổ được cộng đồng quốc tế công nhận là của Azerbaijan, nhưng có nhiều cư dân là người gốc Amernia.

Sau 6 tuần giao tranh, nhờ giành được lợi thế trên chiến trường, Azerbaijan đã đàm phán giành lại được quyền kiểm soát một phần vùng Nagorno-Karabakh và 7 khu vực lân cận mà Baku cáo buộc lực lượng quân đội Armenia đã hiện diện trái phép trong hàng chục năm.

Sau khi xung đột khép lại, Azerbaijan nhiều lần phát đi thông điệp mong muốn hợp tác với các nước, trong đó có Armenia hướng tới mục tiêu các bên đều phát triển thịnh vượng và sống trong hòa bình. 

Theo Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam