1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

ASEAN trong vòng xoáy quyền lực Mỹ-Trung

"Việc Mỹ đang cố gắng xây dựng hình ảnh “bá chủ nhân từ” đã giúp nước này có được quyền lực mềm, một sự hấp dẫn tự nhiên, qua đó cân bằng lại “sức mạnh cứng” của Trung Quốc ở Đông Nam Á", theo TS. Lê Hồng Hiệp.

LTS: Ngày 15/2 (theo giờ Mỹ) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo các nước ASEAN bắt đầu cuộc họp lịch sử cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, miền Nam California.

Tại đây, ông Obama cùng các vị đứng đầu 10 nước ASEAN sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế, an ninh hàng hải.... và các vấn đề quan trọng khác.

Khu nghỉ dưỡng Sunnylands cũng là nơi ông Obama từng tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2013 trong một chuyến thăm không chính thức.

* Thưa ông Lê Hồng Hiệp, giới quan sát nhận định Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Sunnylands có tính lịch sử. Thực ra, đây là thượng đỉnh lần thứ tư. Vậy theo ông điều gì khiến cuộc nhóm họp lần này mang tính lịch sử?

Ông Lê Hồng Hiệp: Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN được tổ chức trong hai ngày 15-16/2 tại Sunnylands (California) mang ý nghĩa lịch sử, bởi lẽ đây là lần đầu tiên một hội nghị như vậy được tổ chức ngay trên đất Mỹ chứ không phải tại các nước Đông Nam Á như các lần trước đây.

Ngoài ra, do được tổ chức trên đất Mỹ nên đây cũng là lần đầu tiên cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức thành một sự kiện riêng lẻ, chứ không phải bên lề các sự kiện khác do ASEAN chủ trì như trong các lần trước.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần này cũng cho thấy Mỹ rất coi trọng vai trò của các nước ASEAN. Cụ thể, trước khi cuộc họp lần này diễn ra, Mỹ và ASEAN đã ký Hiệp định thành lập quan hệ đối tác chiến lược tại Kuala Lumpur hồi tháng 11/2015.

Mỹ cũng là một trong những cường quốc đầu tiên cử đại sứ thường trực bên cạnh ASEAN, và tổng thống Obama là vị tổng thống Mỹ đến thăm nhiều nước Đông Nam Á nhất trong nhiệm kỳ của mình. Đến nay ông đã thăm 7 nước, và trong thời gian tới con số này sẽ tăng lên 9 khi ông sẽ tới thăm Việt Nam và Lào trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Trong thời gian qua, Mỹ cũng đã đón nhiều lãnh đạo Đông Nam Á sang thăm, trong đó gần đây nhất có TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Có thể nói cuộc họp thượng đỉnh lần này tại Sunnylands là đỉnh cao mới của sự thắt chặt quan hệ Mỹ - ASEAN, đánh dấu sự gần gũi chưa từng có trong quan hệ giữa Mỹ với toàn khối ASEAN cũng như các quốc gia thành viên.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Obama tại một hội nghị cấp cao ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Obama tại một hội nghị cấp cao ASEAN.

* Được biết Mỹ và ASEAN đã quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào cuối năm ngoái. Theo ông, cuộc họp Thượng đỉnh lần này sẽ mang ý nghĩa như thế nào cho mối quan hệ này?

Ông Lê Hồng Hiệp: Việc Mỹ và ASEAN nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược là một bước phát triển quan trọng trong quan hệ song phương, hứa hẹn vượt ra ngoài tính biểu tượng để tạo nên những nền tảng pháp lý giúp quan hệ hai bên phát triển thực chất và vững chắc.

Đây không phải lần đầu tiên ASEAN ký một hiệp định đối tác chiến lược với một cường quốc bên ngoài, nhưng trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành chính sách tái cân bằng sang khu vực, đây có thể coi là một sự hưởng ứng tích cực của ASEAN đối với chính sách này, và vì vậy cũng có thể coi là một thành công đối với Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Sunnylands chính là hoạt động lớn đầu tiên để cụ thể hóa hiệp định này.

Ngoài ra, địa điểm cuộc họp ở Sunnylands, nơi Tổng thống Obama từng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng mang ý nghĩa biểu tượng nhất định, khi nó hàm ý rằng Mỹ coi quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN không kém phần quan trọng so với quan hệ của Mỹ với Trung Quốc.

* Các nước trong khu vực ASEAN có các mô hình chính trị rất khác nhau, văn hóa khác nhau, bên cạnh đó cũng còn nhiều bất đồng.... Trong bối cảnh như vậy, Mỹ nên ứng xử thế nào cho cân bằng?

Ông Lê Hồng Hiệp: ASEAN là một cộng đồng các quốc gia đa dạng, vì vậy việc tồn tại những bất đồng nhất định giữa các nước là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng là các nước này đã đồng ý cùng nhau hợp tác thông qua một khuôn khổ chung, đó là ASEAN. ASEAN giúp các nước kìm hãm các bất đồng, đồng thời nâng cao vị thế đàm phán của tất cả thành viên trong tương quan với các cường quốc hùng mạnh hơn bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, để duy trì được ảnh hưởng và vị thế của mình ở khu vực, Mỹ cần một mặt làm việc với ASEAN trong vai trò một tổ chức khu vực, vừa cần tập trung phát triển quan hệ với từng quốc gia thành viên, kể cả những nước có quan hệ chưa thực sự tốt như kỳ vọng với Mỹ.

Thời gian qua, Mỹ đã thực hiện được chính sách này. Ngoài các quốc gia có quan hệ tốt, Mỹ đã đặc biệt tìm cách cải thiện quan hệ với những nước như Myanmar, Campuchia, Lào...là những nước còn nhiều trở ngại trong quan hệ với Mỹ.

Thời gian tới, quan hệ giữa Mỹ với đồng minh truyền thống Thái Lan nhiều khả năng cũng sẽ được cải thiện khi Thái Lan quay lại nền chính trị dân chủ, hoặc trước mắt Mỹ sẽ bớt chỉ trích chính quyền quân sự của nước này. Một khi Mỹ có quan hệ tốt với tất cả các nước trong khối thì vô hình trung khoảng cách giữa các quốc gia này khi xem xét các chính sách mà Mỹ ủng hộ sẽ giảm đi.

* Gần đây an ninh tại khu vực này ngày càng phức tạp cùng với sự can dự mạnh mẽ hơn của các nước lớn. Theo ông, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng nên làm thế nào để giữ chính sách cân bằng, không bị rơi vào vòng xoáy cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc?

Ông Lê Hồng Hiệp: Chính trị thế giới luôn là một sân chơi cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc. Đông Nam Á là nơi hiện diện lợi ích của các cường quốc này, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, nên sự can dự, lôi kéo ảnh hưởng của các cường quốc này là không thể tránh khỏi.

Sự cạnh tranh ảnh hưởng này một mặt giúp các nước ASEAN nâng cao được vị thế và sức mạnh mặc cả của mình, có thể lợi dụng sự cạnh tranh đó để thu về các lợi ích kinh tế hoặc chiến lược. Nhưng mặt khác, họ cũng có thể đối diện với khả năng bị lôi kéo vào cuộc đối đầu giữa các nước lớn, bị suy yếu quyền tự chủ, trở thành nạn nhân của cuộc cạnh tranh quyền lực giữa những người khổng lồ.

Để tránh rơi vào cái bẫy này, các quốc gia trong khu vực cần giữ được sự cân bằng, độc lập, và chủ động trong chính sách của mình với hai cường quốc.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ Barack Obama (thứ năm từ trái qua) tại Hội nghị ASEAN - Mỹ lần thứ 2
Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ Barack Obama (thứ năm từ trái qua) tại Hội nghị ASEAN - Mỹ lần thứ 2

Ngoài ra, họ cũng cần can dự với cả hai cường quốc thông qua các cơ chế lấy ASEAN làm trung tâm. Các nước ASEAN đã nhấn mạnh nhiều lần là họ không muốn phải lựa chọn một trong hai bên, bởi họ cần cả hai. Bản thân các cường quốc bên ngoài cũng hiểu điều này, và bất chấp các nỗ lực, họ cũng khó có thể buộc các nước trong khu vực nghiêng hẳn về phía mình.

Tuy nhiên, cán cân ảnh hưởng vẫn có thể dịch chuyển ít nhiều trong phạm vi nhất định, phụ thuộc vào cảm nhận của các quốc gia đối với các lợi ích và mối đe dọa mà mỗi cường quốc mang lại cho mình. Trên khía cạnh này, hiện nay Mỹ dường như đang có lợi thế hơn so với Trung Quốc.

* Như ông biết đấy, Trung Quốc luôn sử dụng con bài kinh tế để mua sân sau, lôi kéo đồng minh.... điều này đang được chứng minh là hiệu quả. Trong khi đó, Mỹ lại thiên về vấn đề hỗ trợ an ninh. Ông bình luận thế nào về cán cân cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung trong khu vực ASEAN hiện nay?

Ông Lê Hồng Hiệp: Trung Quốc hiện đang sử dụng củ cà rốt kinh tế để mua ảnh hưởng chính trị, trong khi Mỹ không sẵn có những công cụ như vậy để mời chào các nước trong khu vực.

Cho đến lúc này, Trung Quốc đã đạt được những thành công nhất định với chính sách này khi có một vài quốc gia trong khu vực có xu hướng nghiêng về Trung Quốc. Các quốc gia này rất thực dụng, họ muốn tận dụng sự “hào phóng” của Trung Quốc để phục vụ mục đích phát triển của mình. Không ai trách họ được, vì đó là cách họ định nghĩa lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, cách làm này của Trung Quốc có thể không bền vững. Thứ nhất, nguồn lực kinh tài của Trung Quốc sẽ bị kéo dãn và dần cạn kiệt, nhất là nếu họ không giải quyết được các vấn đề kinh tế trong nước. Thứ hai, lợi ích kinh tế có thể quan trọng, nhưng nó sẽ không thể quan trọng bằng lợi ích chiến lược.

Trong khi các biện pháp kinh tài có thể mang lại cho họ những ảnh hưởng nhất thời, thì trong dài hạn, những ảnh hưởng đó có thể bị tiêu trừ nếu các nước này cảm nhận Trung Quốc như một mối đe dọa về mặt chiến lược. Sự gia tăng nghi ngờ của các nước đối với Trung Quốc do các hành động của quốc gia này trên Biển Đông là một ví dụ điển hình.

Gần đây, một vài nước trong khu vực từng nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc cũng đã có những bước điều chỉnh, dần thoát khỏi thế phụ thuộc vào Bắc Kinh, thậm chí nghiêng ít nhiều sang Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ mặc dù không có sẵn tiền để hào phóng ban tặng, Mỹ lại có sức hấp dẫn riêng ở những khía cạnh khác. Đó là thị trường rộng lớn, nguồn đầu tư tư nhân khổng lồ (ví dụ, đầu tư của Mỹ vào ASEAN gấp cả chục lần so với đầu tư của Trung Quốc), hay nguồn công nghệ hiện đại, tiên tiến, là những thứ mà các nước trong khu vực đều cần.

Hơn nữa, Mỹ duy trì được “tư thế đạo đức” của mình là quốc gia giúp đảm bảo hòa bình, ổn định và trật tự khu vực trong nhiều thập niên qua, và bản thân Mỹ cũng không bị coi là một mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh các quốc gia trong khu vực. Nói cách khác, việc Mỹ cố gắng xây dựng hình ảnh “bá chủ nhân từ” đã giúp nước này có được quyền lực mềm, một sự hấp dẫn tự nhiên, qua đó cân bằng lại “sức mạnh cứng” của Trung Quốc ở khu vực.

* Ai cũng biết TPP được xem là vũ khí kinh tế của Washington nhằm đối chọi với Bắc Kinh tại khu vực ASEAN. Theo ông, TPP liệu có tạo ra bàn đạp để người Mỹ có thể đấu lại với Trung Quốc đang hừng hực tham vọng không?

Ông Lê Hồng Hiệp: TPP là một sáng kiến kinh tế, nhưng ẩn sau đó là một mục đích chiến lược quan trọng. TPP bổ sung cho chính sách tái cân bằng về mặt quân sự của Washington, qua đó tạo thành một chiến lược hai gọng kìm, từng bước thắt chặt các mối quan hệ toàn diện của Mỹ với các nước trong khu vực, giúp Mỹ giành được thế chủ động trong việc ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tầm quan trọng của TPP đến đâu còn tùy thuộc vào việc nó được thực thi như thế nào trong thời gian tới. Ngoài ra, nếu TPP tiếp nhận thêm các quốc gia khác trong khi tiếp tục loại trừ Trung Quốc thì trọng tâm chiến lược của nó sẽ càng được thể hiện rõ.

Tuy nhiên, bản thân một mình TPP không đủ để giúp Mỹ ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.

Khác với Liên Xô trước đây, vốn cơ bản là một nước tự “ngăn chặn” mình khi theo đuổi một mô hình kinh tế kế hoạch hóa cơ bản khép kín, Trung Quốc là một nền kinh tế mở, có sự hội nhập sâu rộng, trong đó có thông qua các cơ chế bên ngoài TPP. Vì vậy, bất chấp TPP, Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục phát triển nếu họ giải quyết được các vấn đề nội tại của mình.

Nói cách khác, TPP chỉ là một công cụ trong túi công cụ chiến lược của Mỹ. Mỹ sẽ sử dụng nó một cách khôn ngoan, kết hợp với các công cụ khác, nhất là về mặt quân sự và chiến lược, để có thể đối phó với các tham vọng của Trung Quốc.

Từ những đặc điểm trên, có thể nói cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung là cuộc cạnh tranh trường kỳ và thú vị, mang nhiều tính chất chưa từng có trong lịch sử đối đầu giữa các cường quốc từ trước tới nay. Cuộc cạnh tranh này xứng đáng nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của của các nhà hoạch định chính sách khu vực và Việt Nam, hiện tại cũng như trong tương lai.

* Cảm ơn ông Lê Hồng Hiệp đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Theo Thu Hà (thực hiện từ Sunnylands - California, Mỹ)

(TS. Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên khách mời Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) và là Giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH&NV TPHCM).

Vietnamnet