Anh, Mỹ mổ xẻ tiêm kích "sát thủ trên không" của Nga rơi tại Ukraine
(Dân trí) - Các nhà khoa học Anh và Mỹ đang xem xét những chiếc Su-35 của Nga mà Ukraine tuyên bố bắn rơi trong chiến sự kéo dài 5 tháng qua với Moscow.
Ukraine trong thời gian qua đã thông tin, cũng như đăng tải video và hình ảnh về việc bắn rơi 2 chiếc Su-35 của Nga, gồm 1 chiếc vào tháng 4 ở Kharkov và 1 chiếc vào tháng 6 ở Kakhovka, Kherson.
Theo Eurasian Times, các nguồn tin nói rằng, các mảnh vỡ của "sát thủ trên không" Su-35 - một trong những tiêm kích tối tân nhất kho vũ khí của Nga - đã được chuyển tới các cơ sở bí mật ở Anh và Mỹ. Tại đây, các nhà khoa học và kỹ sư hàng không vũ trụ phương Tây được xem đang mổ xẻ dòng tiêm kích này.
Câu hỏi được đặt ra là nếu tiêm kích bị bắn rơi thì liệu phương Tây có thu thập được manh mối gì với những mảnh vỡ bị bốc cháy hay không?
Theo các chuyên gia, với một vũ khí bị cháy, hầu hết các vi điện tử và bảng mạch bên trong hệ thống điện tử hàng không, máy tính, hệ thống tác chiến điện tử (EW), radar, hệ thống kiểm soát chuyến bay (FCS) sẽ khó còn nguyên vẹn vì cấu tạo tinh vi và kích thước tương đối nhỏ. Ngoài ra, hàng triệu dòng ngôn ngữ lập trình gần như không thể khôi phục trừ khi chúng kết nối vào hệ thống của nhà sản xuất.
Mặc dù vậy, theo nguồn tin, các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Anh (DSTL) tại Porton Down dường như đã phát hiện ra một số thông tin về hệ thống nhằm mục tiêu trên chiếc Su-35. Điều này có nghĩa là, từ xác của chiếc tiêm kích, giới khoa học phương Tây vẫn có thể phát hiện ra những chi tiết mật của Nga.
Ví dụ, từ hệ thống nhắm mục tiêu trên Su-35, các nhà khoa học có thể tìm hiểu về hệ thống cảm biến và quang học của máy bay phản lực Nga, từ đó phát hiện ra những thông tin hữu ích về các hệ thống không đối đất của Moscow cũng như đặc tính và chiến thuật khi triển khai chúng.
Là những cường quốc về công nghệ quân sự, Anh và Mỹ có thể sở hữu khả năng phân tích và xem xét kỹ lưỡng vũ khí hiện đại của Nga. Trước đó, giới chuyên gia từng cảnh báo, những vũ khí của Nga bị Ukraine thu giữ trong chiến dịch quân sự của Moscow ở nước láng giềng, có thể trở thành "mỏ vàng" cho giới tình báo Mỹ.
Với ngay cả những thiết bị tưởng như vô hại như radio, nếu còn nguyên vẹn, có thể chứa các thông tin quan trọng như cách thức mã hóa thông tin của Nga. Nếu đối thủ của Nga nắm được điều này, họ có thể ứng dụng nó vào công nghệ làm nhiễu hoặc nghe lén Nga trong tương lai.
Mặt khác, việc phương Tây đưa vũ khí hiện đại tới Ukraine trong thời gian qua cũng làm gia tăng rủi ro họ bị lộ bí mật quân sự vào tay đối thủ.
Trong khi đó, tại Ukraine, các chuyên gia phương Tây nhận định, Nga hiện vẫn chưa triển khai hết năng lực quân sự của nước này. Họ cho rằng, vì Nga hiểu NATO đang theo dõi sát sao cách tác chiến nên Moscow dường như chủ trương thực hiện một cuộc chiến kéo dài và đạt được các mục tiêu một cách chậm rãi.