1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Anh lên tiếng sau khi Lithuania kêu gọi lập liên minh hải quân ở Biển Đen

Đức Hoàng

(Dân trí) - Anh đã lên tiếng sau khi Lithuania kêu gọi lập ra một liên minh hải quân ở Biển Đen để đảm bảo an toàn cho tàu chở ngũ cốc của Ukraine khi chúng rời khu vực này.

Anh lên tiếng sau khi Lithuania kêu gọi lập liên minh hải quân ở Biển Đen - 1

Một cảng ở Odessa, Ukraine tại Biển Đen (Ảnh minh họa: RT).

Theo Guardian, chính phủ Anh ngày 24/5 cáo buộc Nga đang phong tỏa Odessa ở khu vực Biển Đen và ngăn Ukraine xuất khẩu ngũ cốc ra thế giới bên ngoài. Anh tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác tích cực với đối tác quốc tế để tìm cách nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Tuy nhiên, Anh khẳng định họ chưa có bất cứ kế hoạch nào để triển khai chiến hạm tới Biển Đen để hộ tống tàu chở ngũ cốc của Ukraine di chuyển qua khu vực này. 

Phát biểu của Anh đến trong bối cảnh hôm 23/5, khi gặp Ngoại trưởng Anh Liz Truss, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis kêu gọi thành lập một liên minh hải quân quốc tế để đảm bảo an toàn cho tàu chở ngũ cốc Ukraine có thể rời các cảng ở Biển Đen.

Trước đó, Nga đã bác bỏ thông tin rằng họ phong tỏa hàng hải Ukraine ở Biển Đen, cho rằng các thông tin này chỉ là "suy đoán". Nga cáo buộc Ukraine tự gây ra vấn đề về vận tải hàng hóa khi cài mìn ở các cảng biển của Kiev.

Theo ông Landsbergis, một liên minh "của các quốc gia có hải quân hùng mạnh và sẵn lòng gia nhập" là cần thiết để bảo vệ tuyến vận tải hàng hóa ở Biển Đen.

Nhà ngoại giao này cho rằng, hoạt động hộ tống hải quân này không nên có sự tham gia của NATO. Ông nói với Guardian rằng: "Đây sẽ là một sứ mệnh nhân đạo phi quân sự và không thể so sánh với việc lập vùng cấm bay".

Không chỉ Anh mà nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu ngũ cốc, ví dụ như Ai Cập, có thể tham gia liên minh này, theo ông Landsbergis.

Bộ trưởng Lithuania nói rằng, ông tin "trong nỗ lực này, tàu hoặc máy bay quân sự hoặc cả hai sẽ được sử dụng để đảm bảo rằng nguồn cung cấp ngũ cốc có thể rời Odessa một cách an toàn và đến eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) mà không có sự can thiệp của Nga".

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng việc thực hiện một kế hoạch như vậy sẽ cần phải rà phá bom mìn trước ở một số khu vực và cần có sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kiểm soát lối duy nhất vào Biển Đen. Ankara, bên đang duy trì quan hệ tốt với Nga và Ukraine, có thể coi đây là động thái làm leo thang căng thẳng.

Theo Guardian, bà Truss dường như đã đồng ý về mặt nguyên tắc với đề xuất của ông Landsbergis. Tuy nhiên, Anh đã khẳng định họ chưa có kế hoạch đưa tàu chiến tới Biển Đen. 

Với việc Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, xung đột giữa hai nước láng giềng đã khiến thế giới đứng trước bờ vực của "nạn đói và sự tan rã của hệ thống lương thực toàn cầu", theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov đã đồng ý với những lo ngại của ông Guterres, trong khi nhấn mạnh Nga "không phải là nguồn gốc của vấn đề đang gây ra mối đe dọa về nạn đói trên thế giới. Nguồn gốc của vấn đề này là những người đã áp đặt các biện pháp trừng phạt, và chính các biện pháp trừng phạt".

Theo ông Peskov, Ukraine có thể dùng tàu hỏa để xuất khẩu ngũ cốc. Ba Lan dùng tàu đưa vũ khí tới Ukraine và không ai ngăn cản Ukraine xuất khẩu ngũ cốc ra bên ngoài trên cùng đoàn tàu đó.

Theo RT, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine