1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Anh hùng dân tộc” phía sau chương trình hạt nhân Triều Tiên

(Dân trí) - Vào năm 2009, Triều Tiên đã công bố đoạn video ca ngợi một vị anh hùng dân tộc và các chuyên gia sau đó phát hiện ra rằng đây chính là “trái tim” của chương trình hạt nhân và tên lửa bí mật mà Bình Nhưỡng dày công xây dựng từ nhiều năm nay.

Công nghệ CNC được ca ngợi trong sự kiện được tổ chức ở Bình Nhưỡng năm 2011 (Ảnh: Reuters)
Công nghệ CNC được ca ngợi trong sự kiện được tổ chức ở Bình Nhưỡng năm 2011 (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, vị anh hùng dân tộc được Triều Tiên ca ngợi trong đoạn video năm 2009 là các máy móc được vận hành bằng hệ thống máy tính, hay gọi tắt là CNC.

Các sự kiện ăn mừng công nghệ CNC thường được tổ chức rất rầm rộ tại Triều Tiên. Năm 2010, hàng trăm vũ công đã biểu diễn ca khúc ca ngợi CNC tại lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Năm 2012, đoạn video minh họa cho ca khúc về CNC với hình ảnh tên lửa tầm xa Triều Tiên cũng đã được phổ biến rộng rãi tại mọi quán hát karaoke ở nước này.

Là những cỗ máy với kích cỡ lớn, dạng hộp và có màu xám, CNC đã sử dụng các chương trình được cài đặt sẵn để sản xuất nhiều linh kiện phức tạp cho tất cả các dòng sản phẩm, từ ô tô, điện thoại di động, đồ nội thất cho tới quần áo. Chúng có thể đảm bảo độ chính xác mà các máy móc do con người điều khiển bằng tay sẽ không thể làm được.

Tại Triều Tiên, nhờ sự kết hợp giữa công nghệ do nước này tự phát triển với kỹ thuật học hỏi từ nước ngoài, các cỗ máy CNC đang đóng vai trò quan trọng trong chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. CNC cho phép Triều Tiên chế tạo bom hạt nhân và tên lửa mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ từ công nghệ cũng như việc nhập khẩu từ bên ngoài.

Các chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho rằng CNC đã giúp chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đẩy mạnh các vụ thử hạt nhân và tên lửa dù cộng đồng quốc tế áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm ngăn các nước xuất khẩu trang thiết bị nhạy cảm cho Triều Tiên.

“Các máy ly tâm và tên lửa mới của Triều Tiên đều phụ thuộc vào các linh kiện do các máy CNC chế tạo. CNC là công nghệ quan trọng giúp Triều Tiên sản xuất tên lửa và vũ khí hạt nhân”, chuyên gia Jeffrey Lewis, lãnh đạo Chương trình Chống phổ biến vũ khí Đông Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Middlebury tại California, Mỹ, nhận định.

Kể từ năm 1996, các máy CNC đã được đưa vào nội dung của Thỏa thuận Wassenaar - một cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế nhằm ngăn chặn việc phát triển loại thiết bị này cả với mục đích dân sự và quân sự. Tuy nhiên, Triều Tiên đã không tham gia ký kết thỏa thuận này.

Công nghệ đột phá

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm nhà máy cơ khí 18/1 ở Bình Nhưỡng năm 2016 (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm nhà máy cơ khí 18/1 ở Bình Nhưỡng năm 2016 (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên được cho là bắt đầu phát triển các cỗ máy CNC từ đầu thập niên 1990 và đây là một phần trong kế hoạch phát triển chương trình vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa phức tạp của Bình Nhưỡng. Triều Tiên có thể đã học cách chế tạo CNC nhờ việc tháo dỡ các máy móc do nước này nhập về từ Liên Xô.

Máy CNC đầu tiên do Triều Tiên sản xuất được “trình làng” vào năm 1995. Theo bài viết được đăng trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận đảng Lao động Triều Tiên, cố lãnh đạo Kim Jong-il đã đặt tên cho cỗ máy đầu tiên này là “Ryonha”. Đây cũng là lần đầu tiên truyền thông Triều Tiên nhắc tới công nghệ CNC.

Tới năm 2009, CNC đã trở thành trụ cột trong chương trình tuyên truyền của Triều Tiên khi nước này khởi động chiến dịch thúc đẩy công nghiệp nội địa. Vào thời điểm đó, các chuyên gia kiểm soát vũ khí đã bắt đầu lo ngại khi cố lãnh đạo Kim Jong-il có chuyến thị sát tới một nhà máy - nơi các máy CNC được cho là sản xuất các ống nhôm dùng cho máy ly tâm hạt nhân.

“Vào thời điểm năm 2010, Triều Tiên đã có thể chế tạo được nhiều loại máy CNC khác nhau”, Kim Heung-gwang, người từng giảng dạy tại Đại học Công nghệ máy tính Hamhung ở Bình Nhưỡng trước khi đào tẩu sang Hàn Quốc, cho biết.

Tuy nhiên, mãi tới năm 2013, Tập đoàn liên doanh cơ khí Ryonha Triều Tiên, nơi sản xuất các máy CNC, mới bị liệt vào danh sách trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với cáo buộc hỗ trợ cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Sau đó, tháng 8/2013, giới chức tình báo Mỹ tiết lộ rằng Triều Tiên đã đủ năng lực để tự chế tạo động cơ tên lửa.

Theo tính toán của ông Kim Heung-gwang, Triều Tiên hiện có khoảng 15.000 máy CNC. Con số này được đưa ra dựa trên các bản tin và hình ảnh trên truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng như các cuộc phỏng vấn với hàng chục người đào tẩu từng là các nhà khoa học, giáo sư hay công nhân nhà máy ở Triều Tiên.

Sản xuất hàng loạt

Ông Kim Jong-un tới thăm Viện Vật liệu hóa học thuộc Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, thị sát quy trình chế tạo các đầu đạn cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hồi tháng 8 (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un tới thăm Viện Vật liệu hóa học thuộc Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, thị sát quy trình chế tạo các đầu đạn cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hồi tháng 8 (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên từng ca ngợi các máy móc do nước này sản xuất nội địa là thành tựu đỉnh cao vì đã thể hiện đúng hệ tư tưởng “Juche” vốn đề cao tinh thần tự lực cánh sinh.

Tháng 8/2016, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã công bố các bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm một nhà máy vận hành bằng các máy CNC có gắn logo của hãng cơ khí ABB ABB.UL của Thụy Sĩ - một trong những quốc gia đi đầu trong thị trường CNC. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các máy CNC này được đưa về Triều Tiên bao giờ và bằng cách nào.

Trong khi đó, ABB khẳng định hãng này tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt thương mại đối với Triều Tiên và không chuyển giao các thiết bị CNC tới nước này.

“Chúng tôi không loại trừ khả năng là các máy móc của chúng tôi đã được bán lại cho Triều Tiên mà chúng tôi không hay biết hoặc chưa có sự cho phép của chúng tôi”, đại diện ABB cho biết.

Trong thông báo mới được công bố năm nay, một ủy ban của Liên Hợp Quốc chuyên giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên cho biết công ty máy CNC Tengzhou Keyongda của Trung Quốc chính là bên cung cấp các máy CNC mới cho Triều Tiên. Mặc dù vậy, đại diện bộ phận kinh doanh của Tengzhou Keyongda khẳng định công ty này đã dừng bán máy CNC cho Triều Tiên từ 4 năm trước và hiện không còn giao thương với Bình Nhưỡng.

Theo chuyên gia Lee Choon-geun tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ ở Hàn Quốc, bất chấp các lệnh trừng phạt, các máy CNC vẫn đang được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sản xuất tại Triều Tiên và các máy này có thể được chuyển đến Triều Tiên thông qua Nga hoặc Trung Quốc.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm