Ấn Độ thêm 323.000 ca mắc mới, Mỹ dốc sức trợ giúp
(Dân trí) - Mỹ và các quốc gia đang chạy đua để hỗ trợ Ấn Độ đối phó cuộc khủng hoảng Covid-19 khi số ca tử vong tại nước này vượt 200.000 người.
Theo thông báo của chính quyền Ấn Độ ngày 27/4, nước này đã ghi nhận thêm 323.144 ca mắc Covid-19 mới, thấp hơn mức kỷ lục được thiết lập một ngày trước đó. Tính đến hôm qua, Ấn Độ ghi nhận 6 ngày liên tiếp có số ca mắc Covid-19 trên 300.000 người/ngày.
Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ tăng thêm 2.771 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên hơn 201.000 người. Các chuyên gia y tế cảnh báo con số trên thực tế thậm chí còn cao hơn số liệu được công bố chính thức.
Các quan chức cấp cao của Mỹ ngày 27/4 đã cam kết hỗ trợ cho Ấn Độ trong việc giúp nước này đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất thế giới hiện nay. Washington cảnh báo Ấn Độ vẫn đang ở "tuyến đầu" của cuộc khủng hoảng dịch bệnh và việc vượt qua nó sẽ mất một khoảng thời gian nhất định.
Theo Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Kurt Campbell, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc điện đàm hôm 26/4 rằng: "Các bạn hãy cho tôi biết những gì các bạn cần và chúng tôi sẽ làm điều đó".
Tại sự kiện do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Ấn và Phòng Thương mại Mỹ tổ chức, Điều phối viên của Nhà Trắng cho biết rằng Washington cam kết hỗ trợ quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
"Tất cả chúng ta phải nhận ra rằng, đây không phải là một thách thức mà chỉ có thể giải quyết trong vài ngày tới", ông Campbell cho biết.
Ông Campbell nhận định, việc giải quyết cuộc khủng hoảng là điều quan trọng không chỉ đối với người dân Ấn Độ mà còn đối với Mỹ, do vai trò thiết yếu của Ấn Độ với tư cách là nhà cung cấp vắc xin toàn cầu.
Ấn Độ hiện là tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu khi làn sóng dịch bệnh thứ hai đã khiến số ca nhiễm tại nước này lên tới gần 18 triệu người.
Ngày 27/4, các nguồn cung vật tư y tế quan trọng bắt đầu đến với đất nước 1,3 tỷ dân. Mỹ và các quốc gia khác cam kết viện trợ y tế khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình trạng khẩn cấp ở Ấn Độ.
Jeremy Konyndyk, cố vấn Covid-19 toàn cầu cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), cho biết cơ quan này lo ngại về tình hình ở các nước trong cùng khu vực với Ấn Độ và mong muốn hỗ trợ cả năng lực của Ấn Độ trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh cũng như khu vực rộng lớn hơn.
Ông Konyndyk cho biết Mỹ đang cung cấp một số nguyên liệu thô cần thiết cho Viện Huyết thanh của Ấn Độ để cho phép họ mở rộng quy mô sản xuất vắc xin AstraZeneca tại đó.
Ngoài Mỹ, các quốc gia gồm Anh và Đức đã cam kết hỗ trợ Ấn Độ, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang nỗ lực để cung cấp 4.000 máy tạo ôxy cho Ấn Độ.
Hai nguồn tin chính phủ Ấn Độ nói với Reuters rằng New Delhi dự kiến sẽ nhận phần lớn nhất trong số 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca Covid-19 mà Mỹ sẽ chia sẻ trên toàn cầu.
Ngày 26/4, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết một thỏa thuận giữa Mỹ và 3 đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thân cận nhất của Washington để sản xuất một tỷ liều vắc xin Covid-19 ở Ấn Độ vào cuối năm 2022 và cung cấp cho các nước châu Á khác "vẫn đang được thực hiện", bất chấp tình hình khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Nam Á.