1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ "thất thủ" vì Covid-19, thế giới bất an

Minh Phương

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng Covid-19 ở đất nước tỷ dân được coi là "công xưởng sản xuất vắc xin" toàn cầu là vấn đề đau đầu của thế giới.

Ấn Độ thất thủ vì Covid-19, thế giới bất an - 1

Ấn Độ đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có (Ảnh: Reuters).

Khủng hoảng của Ấn Độ và hậu quả với thế giới

Sau nửa năm gần như kiểm soát được đại dịch Covid-19, Ấn Độ hiện phải đối mặt với làn sóng bùng phát mạnh chưa từng có. Kể từ đầu tháng này, số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ bất ngờ tăng mạnh trùng với thời điểm diễn ra các lễ hội các cuộc vận động chính trị. Liên tiếp 5 ngày qua, Ấn Độ đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục toàn cầu, khoảng 350.000 ca/ngày.

Đây không chỉ là cuộc khủng hoảng của Ấn Độ, mà còn với cả thế giới. Sự lây lan không kiểm soát ở đất nước tỷ dân làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm mới. Biến chủng nguy hiểm phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ (hay còn gọi là "biến chủng kép") thực tế đã bắt đầu xuất hiện ở một số quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Anh. Khi giới khoa học vẫn đang nghiên cứu xác định mức độ nguy hiểm của nó, thêm nhiều biến thể khác tiếp tục xuất hiện.

Một hệ lụy khác nữa đó là sự gián đoạn nguồn cung vắc xin. Ấn Độ là quốc gia sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới. Nước này từng hy vọng trở thành "tủ thuốc của thế giới" giữa đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát mạnh trở lại, chính phủ Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu vắc xin. Trong nửa đầu tháng 4, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 1,2 triệu liều vắc xin, so với 64 triệu liều trong 3 tháng đầu năm.

Sai lầm của Ấn Độ

Ấn Độ thất thủ vì Covid-19, thế giới bất an - 2
Ấn Độ có thể sẽ đạt đỉnh dịch vào giữa tháng 5 tới (Ảnh: Reuters).

Với đặc thù các thành phố đông đúc, hệ thống y tế thiếu thốn, Ấn Độ không phải là nơi có thể dễ dàng đẩy lùi Covid-19. Tuy nhiên, một số địa phương của Ấn Độ từng khá thành công trong việc làm chậm đà lây lan của virus. Số người chết trong làn sóng Covid-19 đầu tiên ở Ấn Độ thấp một cách bất ngờ.

Tuyên bố chiến thắng quá sớm dẫn đến tâm lý chủ quan khiến tình hình Covid-19 nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 1 năm nay tuyên bố: "Chúng ta không chỉ giải quyết được vấn đề của mình mà còn giúp thế giới đối phó đại dịch". Chỉ hai tháng sau, số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ bắt đầu tăng trở lại. Mặc dù vậy, các cuộc vận động chính trị quy mô lớn kéo dài hàng tuần lễ vẫn diễn ra và gần như bỏ qua các quy định phòng dịch. Những chiến dịch vận động như vậy góp phần làm dịch lây lan nhanh và cũng khiến chính quyền xao nhãng chống dịch.

Đó là lý do tại sao xảy ra nghịch lý "công xưởng vắc xin" của thế giới chỉ đáp ứng được vắc xin cho 3% dân số. Hiện chưa đến 10% dân số Ấn Độ đã tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Con số này có thể cao hơn nhiều nước khác, nhưng với một nước sản xuất vắc xin lớn như Ấn Độ, họ có thể làm tốt hơn.

Để khắc phục, hôm 13/4, chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt nhanh chương trình nhập khẩu vắc xin đã được các nước giàu phê duyệt. Chính phủ Ấn Độ cũng phân bổ 400 triệu USD cho Viện Huyết thanh nhằm thúc đẩy sản xuất vắc xin. Ngoài ra, Ấn Độ mở rộng đối tượng được tiêm chủng vắc xin, cho phép bất cứ ai trên 18 tuổi đều đủ tiêu chuẩn tiêm chủng, bắt đầu từ tháng sau.

Tuy vậy, chính sách nhập khẩu vắc xin vào thời điểm này không có nhiều tác dụng vì hầu hết các nước đều khan hiếm nguồn cung. Một số bang của Ấn Độ hiện đã cạn kiệt vắc xin. Mỗi ngày Ấn Độ chỉ tiêm chủng được cho khoảng 3 triệu người, nghĩa là chỉ cao hơn không đáng kể so với số ca mắc mới thực tế mỗi ngày. Hơn nữa, chỉ bằng tăng nguồn cung vắc xin vào lúc này cũng khó ngăn chặn được đà lây lan nghiêm trọng hiện nay của Covid-19.

Điều mà Ấn Độ cần lúc này là thắt chặt các biện pháp phòng dịch như yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng, cấm các sự kiện tập trung đông người, hủy các lễ hội. "Nếu Ấn Độ không kiểm soát được làn sóng Covid-19 thứ hai này, cả thế giới sẽ phải trả giá", báo The Economist cảnh báo.