Ấn Độ đưa vũ khí có thể làm "thay đổi cuộc chơi" tới gần Trung Quốc
(Dân trí) - Ấn Độ gần đây đã triển khai các vũ khí do Mỹ sản xuất dọc biên giới với Trung Quốc, với một loại khí tài được New Delhi mô tả là có thể làm "thay đổi cuộc chơi".
Bloomberg đưa tin, Ấn Độ đã điều động các vũ khí của Mỹ sản xuất tới khu vực giáp với Trung Quốc, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền giữa 2 bên ở khu vực Himalaya vẫn chưa thể tháo gỡ.
Tại khu vực đông bắc, Ấn Độ đưa thêm vũ khí tới cao nguyên Tawang tiếp giáp với Bhutan và Tây Tạng. Giờ đây, trực thăng Chinook do Mỹ sản xuất, các hệ thống lựu pháo, súng trường, cũng như tên lửa do Ấn Độ chế tạo được điều động tăng cường tới khu vực giáp với đông Tây Tạng. Các vũ khí trên được mua sắm trong vài năm qua khi quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ được củng cố.
Trung tướng Manoj Pande, Tư lệnh Lục quân miền Đông, cho biết các hệ thống thiết giáp, pháo binh và yểm trợ trên không đang được tích hợp giúp lực lượng Ấn Độ "nhanh nhẹn, tinh nhuệ để có thể triển khai nhanh hơn".
Trong thời gian qua, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có các động thái củng cố lực lượng ở biên giới sau cuộc đụng độ tồi tệ nhất trong hàng thập niên dẫn tới cái chết của 24 quân nhân ở cả 2 bên vào giữa năm ngoái. Dù đã ngồi vào bàn đàm phán nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được việc rút khỏi một số khu vực điểm nóng.
Chuyên gia Rajeswari Pillai Rajagopalan từ Quỹ Nghiên cứu Quan sát ở New Delhi, cho rằng việc Ấn Độ triển khai vũ khí tới khu vực trên cho thấy họ dường như không hài lòng với những gì đang diễn ra trên bàn đàm phán với Trung Quốc.
Khu vực mà Ấn Độ triển khai thêm khí tài có ý nghĩa quan trọng với họ trong mục tiêu phòng vệ, vì nó có đường biên kéo dài về phía đông tới Myanmar, và hành lang hẹp đi qua Bhutan, Nepal và Bangladesh - nơi có các đường ống dẫn khí đốt và đường sắt nối miền trung Ấn Độ với khu vực đông bắc.
Vũ khí "thay đổi cuộc chơi"
Một lữ đoàn hàng không của Quân đội Ấn Độ mới được thành lập, có trụ sở cách Tawang khoảng 300 km về phía nam, là một thành phần quan trọng của kế hoạch mới.
Đơn vị này hiện được trang bị trực thăng Chinook, có thể vận chuyển nhanh chóng các loại pháo hạng nhẹ do Mỹ sản xuất và quân đội băng qua các ngọn núi. Ngoài ra, lực lượng này cũng sở hữu các phương tiện không người lái của Israel sản xuất có thể theo dõi đường đi nước bước của đối thủ ở khu vực.
"Chinook là vũ khí thay đổi cuộc chơi. Chúng mang tới khả năng cơ động cao hơn bao giờ hết. Quân nhân và hỏa lực có thể được vận chuyển từ sườn núi này qua sườn núi khác nhanh chóng", Thiếu tá Kartik, một phi công trong lữ đoàn mới thành lập, cho biết.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang đào đường hầm 2 làn ở vị trí cao 4.000 m so với mực nước biển và chạy xuyên qua một con đèo hiểm trở. Hiện để tới được khu vực biên giới tranh chấp, các phương tiện sẽ phải đi một con đường uốn khúc dài 317 km.
Tuy nhiên, đường hầm mới sẽ giúp việc di chuyển cắt ngắn đi nhiều giờ đồng hồ, cho phép việc chuyển quân diễn ra nhanh hơn và kín đáo hơn. Nó dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm tới.