1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ấn Độ-Australia "nắm tay nhau thật chặt" trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động

Ấn Độ và Australia đồng ý hợp tác để duy trì “trật tự dựa trên các quy tắc” và có một sự gần như đồng thuận trong việc xác định mối đe dọa đối với trật tự này.

 
Ấn Độ-Australia nắm tay nhau thật chặt trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động - 1

Thủ tướng Australia Scott Morrison từng đăng một tweet với hình ảnh selfie cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Hai ông sẽ có cuộc gặp cấp cao trực tuyến vào ngày 4/6 tới.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Australia Scott Morrison sẽ có cuộc gặp cấp cao trực tuyến đầu tiên vào ngày 4/6 tới. Trong cuộc điện đàm gần đây nhất ngày 6/4, hai bên đều nhấn mạnh tới “tầm quan trọng ngày càng lớn” của mối quan hệ song phương, nền tảng để củng cố hợp tác giữa hai quốc gia.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, nhu cầu thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ và Australia được cho là bắt nguồn từ những quan ngại địa chính trị, từ sự lệ thuộc vào Mỹ trên khía cạnh an ninh cho tới mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Theo The Interpreter, sự trỗi dậy và những hành động quyết đoán của Trung Quốc đã trở thành một mối quan ngại cho cả Ấn Độ và Australia.

Trong khi Ấn Độ lo ngại về các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và sự hiện diện ngày càng tăng của nước này ở Ấn Độ Dương, Australia lo ngại về căng thẳng gia tăng trong quan hệ Trung-Mỹ và nguy cơ không mong muốn là phải lựa chọn giữa hoặc đồng minh hoặc đối tác thương mại hàng đầu. Cả Ấn Độ và Australia đều không muốn xa lánh Trung Quốc, nhưng cả hai cũng đều không muốn thấy sự xuất hiện của một trật tự do Trung Quốc lãnh đạo ở châu Á.

“Bộ Tứ mở rộng”

Trong nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), New Delhi là quốc gia duy nhất không phải là đồng minh của Washington và ủng hộ cho một trật tự đa cực công bằng và dựa trên sự hợp tác chứ không phải là sự thống trị. Dựa trên quan điểm này, mối quan hệ đối tác chiến lược của Ấn Độ với các nước trong nhóm đang tăng trưởng vững chắc và phản ánh sự hội tụ ngày càng tăng giữa các tầm nhìn chiến lược của các nước thành viên.

Với quan điểm của Ấn Độ, mặc dù nghiêng về Mỹ về mặt chiến lược và tham gia vào một mạng lưới các Đối thoại 2+2, Đối thoại 3 bên và Bộ Tứ, Ấn Độ sẽ phải chịu gánh nặng của thách thức an ninh kép, cả trên biển và trên lục địa, chủ yếu phải dựa trên thực lực của chính mình, trong khi đó Australia có thể tin tưởng về sự an toàn của mình trong liên minh với Mỹ.

Hiện cả Ấn Độ và Australia đều muốn thúc đẩy phiên bản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “toàn diện” và ủng hộ các sáng kiến ngoại giao như việc Mỹ thúc đẩy nhóm “Bộ Tứ mở rộng” với sự tham gia của Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand bên cạnh 4 thành viên ban đầu. Cơ chế mở rộng này được cho là sẽ giúp cả New Delhi và Canberra củng cố mối quan hệ cân bằng với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh 2 cường quốc đang tịnh tiến một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới.

Hội tụ chiến lược

Ấn Độ và Australia đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược kể từ năm 2009, và mối quan hệ chiến lược song phương này đã luôn phát triển ổn định cho đến nay. Hai nước đã có sự trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao kể từ năm 2014. Một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược là việc thông qua dự luật chuyển giao hạt nhân dân sự sang Ấn Độ của Lưỡng viện Australia vào tháng 11/2016.

Đều có vị trí thuận lợi trong việc đối phó với các thách thức trong khu vực Ấn Độ Dương, hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức an ninh khu vực lấy Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) làm trung tâm, nỗ lực củng cố vai trò của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) với tư cách là diễn đàn chính cho việc tham khảo ý kiến giữa các nhà lãnh đạo trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

New Delhi và Canberra cũng có thể tập trung vào việc hợp tác có mục tiêu tại một số diễn đàn đa phương mà cả hai đều là thành viên bao gồm Khối Thịnh vượng chung, Hiệp hội các Quốc gia Vành đai Ấn Độ Dương, Diễn đàn Khu vực ASEAN (AFR) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Ở phía Đông Ấn Độ Dương, Ấn Độ và Australia có thể hợp tác trong việc định hình một kiến trúc khu vực trong Vịnh Bengal, nơi đang nổi lên như là một khu vực cạnh tranh kinh tế và chiến lược trong khu vực, và cũng là nơi Trung Quốc phát triển các hành lang kết nối giữa các tỉnh phía Tây Trung Quốc với Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Những hành lang này có khả năng tạo ra những thách thức an ninh ngày càng tăng cho Ấn Độ và Australia trong tương lai.

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện cũng được xem là không gian thử nghiệm cho cách ứng xử ngoại giao của Ấn Độ và Australia. Canberra đang thúc đẩy cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc dịch viêm đường hô hấp Covid-19 còn New Delhi đang nắm giữ một trong ba vị trí hàng đầu tại WHO, và được cho là sẽ có lập trường cụ thể về việc thúc đẩy tiến trình điều tra sắp tới.

Trong khi đó, Australia – vướng vào các tranh cãi và chỉ trích với Bắc Kinh – đang tìm đường lùi để bảo vệ ngành xuất khẩu thịt bò và lúa mạch sang Trung Quốc. Điều này thực tế là cơ hội để Ấn Độ và Australia tìm kiếm những chiến lược chung nhằm tháo gỡ khó khăn.

Vẫn còn khác biệt

Giới phân tích an ninh của Australia nhìn chung ủng hộ sự tham gia với Ấn Độ, nhưng một số người vẫn nghi ngờ về năng lực của quốc gia Nam Á này, viện ra các lý do như thách thức nội địa mà New Delhi đang đối mặt cũng như thực tế quốc gia này chưa có sự đầu tư đúng mực trong lĩnh vực an ninh.

Hơn nữa, Ấn Độ còn bị xem là có nhiều ràng buộc trong các vấn đề an ninh với Trung Quốc và Pakistan ở Nam Á và không thể đóng vai trò quan trọng ở Ấn Độ Dương. Đôi khi, các vấn đề an ninh của Ấn Độ với các nước láng giềng đã trở thành một vấn đề khó chịu trong quan hệ giữa Australia và Ấn Độ.

Quan điểm của Ấn Độ lại cho rằng có sự thiếu đồng thuận chính trị về các vấn đề chính sách đối ngoại giữa hai đảng chính trị lớn ở Australia, sự ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến thương mại của Australia, và Australia có những hạn chế về năng lực so với các đối tác khác của Ấn Độ trong nhóm Bộ Tứ là Mỹ và Nhật Bản.

Trang mạng The Interpreter đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược mà Ấn Độ có với Australia dường như cũng không so sánh được cả về bề rộng và chiều sâu với mối quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và hai nước Mỹ và Nhật Bản.

Ấn Độ và Australia đồng ý hợp tác để duy trì “trật tự dựa trên các quy tắc” và có một sự gần như đồng thuận trong việc xác định mối đe dọa đối với trật tự này.

Bên cạnh đó, có những khác biệt trong tầm nhìn chiến lược của hai nước. Trong khi Ấn Độ ủng hộ sự xuất hiện của một trật tự đa cực bao gồm và bảo vệ lợi ích của tất cả các bên liên quan, Australia cam kết liên minh an ninh với Mỹ mà nước này coi là cường quốc hàng đầu và thống trị trong khu vực.

Có hai vấn đề gây ra tranh luận đáng kể giữa các chuyên gia chiến lược và an ninh tại Australia, đó là sự tham gia của Australia trong tập trận Malabar và sự tham gia của Ấn Độ trong Bộ Tứ. Chuỗi các cuộc tập trận AUSINDEX giữa Australia và Ấn Độ trong nhiều năm đã tăng lên về độ phức tạp và hải quân hai nước tỏ ra rất hài lòng về những tiến bộ đạt được.

Điều này rất tốt cho tương lai. Hai nước không nên hạ thấp tầm quan trọng của những cuộc tập trận này bằng cách so sánh chúng với các cuộc tập trận Malabar đã được tổ chức thường xuyên từ năm 1992.

Ấn Độ-Australia nắm tay nhau thật chặt trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động - 2

Trực thăng Chetak của Hải quân Ấn Độ cất cánh từ HMAS Parramatta trong khuôn khổ tập trận song phương AUSINDEX 2019, ở Vịnh Bengal. (Nguồn: Lực lượng phòng vệ Australia)

Giáo sư Swaran Singh - Chủ tịch Trung tâm Chính trị Quốc tế, Tổ chức và Giải trừ quân bị, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) mới đây có bài phân tích trên Asia Times về quan hệ Ấn Độ-Australia ngay trước thềm Thượng đỉnh song phương trực tuyến lần đầu tiên giữa Thủ tướng hai nước vào 4/6 tới.

Nhìn chung, mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Australia đã đạt được đà phát triển trong những năm gần đây. Cả hai nước đều kỳ vọng mỗi nước sẽ đóng vai trò lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ấn Độ hoan nghênh Australia tham gia ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương và Vịnh Bengal, đồng thời coi Australia là đối tác chiến lược quan trọng trong nỗ lực đạt được sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Trung Quốc và Mỹ sẽ chứng kiến Ấn Độ và Australia ngày càng xích lại gần nhau. Tất cả các Thủ tướng Australia - từ bà Julia Gillard, ông Tony Abbott cho tới ông Malcolm Turnbull đều đã thăm Ấn Độ, và ông Morrison cũng đã dự kiến chuyến công du New Delhi vào hồi tháng 1 năm nay. Chuyến đi sau đó phải hủy bỏ vì nạn cháy rừng và dịch Covid-19.

Lựa chọn nhau làm đối tác để tiến hành hội nghị thượng đỉnh song phương trực tuyến đầu tiên, cả Ấn Độ và Australia rõ ràng đều đã đưa mục tiêu thúc đẩy hợp tác song phương lên ưu tiên hàng đầu.

Báo Pioneer (Ấn Độ) ngày 1/6 đưa tin, sau nhiều năm đàm phán, Ấn Độ và Australia dự kiến sẽ ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc tiếp cận cơ sở quân sự lẫn nhau nhằm hỗ trợ hậu cần tại Thượng đỉnh trực tuyến lần đầu tiên giữa Thủ tướng Narendra Modi và người đồng cấp Scott Morrison vào ngày 4/6.

Theo Hồng Phúc

Thế giới & Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm