Trung Quốc có thể ồ ạt “giáng đòn” hàng xuất khẩu Australia để trả đũa
(Dân trí) - Trung Quốc được cho là sẽ nhắm mục tiêu tấn công hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Australia nếu Bắc Kinh quyết leo thang căng thẳng với Canberra sau lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc Covid-19.
Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, giới chức Trung Quốc đã soạn danh sách các mặt hàng tiềm năng có thể trở thành mục tiêu để Bắc Kinh thực thi các biện pháp như kiểm tra chất lượng chặt chẽ hơn, điều tra hoặc áp thuế chống bán phá giá, bổ sung thêm các bước hoặc trì hoãn thủ tục thông quan, thậm chí sử dụng truyền thông nhà nước để kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay.
Theo các nguồn tin, các mặt hàng xuất khẩu của Australia có nguy cơ nằm trong mục tiêu “tấn công” của Trung Quốc gồm rượu, hải sản, yến mạch, hoa quả và bơ sữa.
Australia gần đây khiến Trung Quốc “nóng mặt” khi dẫn đầu chiến dịch kêu gọi mở một cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19. Australia đã viết thư gửi các nhà lãnh đạo G20 để kêu gọi sự ủng hộ dành cho ý tưởng này, đồng thời hối thúc một cuộc điều tra quốc tế nhằm vào các khu chợ bán động vật hoang dã.
Nguồn tin cho biết quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra và bất kỳ biện pháp nào được Trung Quốc triển khai cũng sẽ phụ thuộc vào cách Australia phản ứng với việc Bắc Kinh phản đối cuộc điều tra về Covid-19.
Nguồn tin cũng nói rằng, Trung Quốc không có ý định công khai thừa nhận mối liên hệ giữa các động thái thương mại của nước này với việc Australia kêu gọi điều tra quốc tế về Covid-19.
Hiện Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều chưa phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin trên.
Khi căng thẳng giữa hai nước leo thang, giới chức Trung Quốc dọa sẽ tẩy chay hàng hóa nhập khẩu từ Australia. Bắc Kinh tuần trước tuyên bố dừng nhập khẩu thịt từ 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của Australia vì lý do “kỹ thuật”.
Ngày 18/5, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp 80,5% đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia, bắt đầu từ ngày 19/5. Bắc Kinh cáo buộc hành động bán phá giá của Australia gây thiệt hại nghiêm trọng với nền công nghiệp nội địa của Trung Quốc.
Đáp lại, Australia cân nhắc đưa vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) “để các trọng tài phân xử”.
Mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian tuần trước tuyên bố việc dừng nhập khẩu thịt bò từ Australia chỉ “nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng Trung Quốc”, song ông cũng chỉ trích việc Australia theo đuổi cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc.
Ông Zhao phủ nhận hai vấn đề trên có liên quan với nhau, khẳng định với các phóng viên tại Bắc Kinh rằng: “Tôi không nghĩ nên xem hai vấn đề đó là một, hoặc đưa ra những diễn giải sai lầm về chính trị”.
Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia, hai đối tác thương mại lớn, xấu đi trong những năm gần đây. Australia cáo buộc Trung Quốc “can thiệp” vào các hệ thống giáo dục, truyền thông và chính phủ của Australia, từ đó khiến Australia đưa ra luật chống can thiệp nước ngoài vào năm 2018.
Tương tự Mỹ, Australia cũng cấm Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, tham gia xây dựng mạng lưới 5G. Australia quan ngại việc Trung Quốc được cho đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.
Thành Đạt
Theo Bloomberg