1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ai sẽ buồn khi Tổng thống Bush ra đi?

(Dân trí) - Trong khi vụ ném giày ở Iraq có thể biểu trưng cho quan điểm của thế giới về một vị tổng thống được xem như là tồi tệ nhất lịch sử Hoa Kỳ, thì ở một số nơi, người ta vẫn nhớ đến vị Tổng thống thứ 43 của Mỹ George Bush.

Khi rời nhiệm sở với tỷ lệ “thất sủng” tại quê nhà cao tới mức kỷ lục, 73% (theo một cuộc thăm dò do ABC News/Washington Post thực hiện vào tháng 10), Tổng thống Bush có lẽ vẫn còn chút niềm an ủi khi không phải tất cả người nước ngoài đều có cùng chia sẻ với người dân trong nước Mỹ.

Theo một số cuộc điều tra, tỷ lệ ủng hộ ông ở châu Phi vào khoảng 80%. Và ở Kosovo, có cả một con phố mang tên Bush để cảm ơn cho sự ủng hộ của ông đối với tuyên bố độc lập của vùng đất này.

“Nhìn chung, mọi người ở Mỹ vẫn cho rằng ông Bush đã khiến người dân trên toàn thế giới ghét người Mỹ”, Peter Berkowitz, thuộc Viện bảo thủ Hoover cho biết. “Tuy nhiên, bức tranh đó cũng không hẳn đã rõ ràng trắng đen”.

Mối quan hệ với Isreal

Trong những ngày cuối cùng trên cương vị là Tổng thống Mỹ, ông Bush một lần nữa chứng tỏ sự ủng hộ trước sau như một đối với Israel khi nước này đem quân tấn công Gaza.

Giới phân tích Mỹ nhận thấy, không phải ngẫu nhiên Israel đem quân vào Gaza trong thời điểm chỉ ít ngày trước khi ông Bush rời đi. Theo họ, Israel biết rõ tổng thống Mỹ hiện tại sẽ ủng hộ cho hành động của họ, nhưng không biết chắc chính quyền của ông Obama sẽ phản ứng ra sao.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Israel luôn bền chặt, nhưng một số người cho rằng mối quan hệ đó bền chặt hơn dưới thời Tổng thống Bush. Vì vậy, dựa vào cách thức giải quyết vấn đề Trung Đông của ông Obama, tổng thống sắp mãn nhiệm có thể sẽ được đề cao, ca ngợi nhiều hơn ở Israel một khi ông rời Nhà Trắng.

“Israel có lẽ là nơi duy nhất trên trái đất ông Bush có thể nhận được sự đón chào nồng nhiệt”, Berkowitz, người có mặt ở Israel trong thời điểm ông Bush tới thăm nước này vào tháng 5 năm ngoái để tham dự lễ quốc khánh lần thứ 60 của Israel. Khi đó, nhiều người đã đứng dậy, nhiệt liệt hoan hô ông Bush.

“Israel cảm thấy ông ấy hiểu sâu sắc những thách thức của họ. Nhưng quan điểm của chúng tôi là ông ấy cũng hiểu những khó khăn, thách thức của người Palestine. Rốt cuộc, ông ấy là Tổng thống Mỹ đầu tiên kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine”.

Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người Palestine sẽ không nhớ tới ông Bush vì lời kêu gọi đó, đặc biệt là khi hình ảnh cuối cùng của họ về chính quyền ông Bush được định hình bằng cuộc tấn công của Israel và Gaza.

Thất vọng lớn

Chỉ ở ngay phía bắc Israel và lãnh thổ của người Palestine, Li-băng là một nước vẫn còn cảm kích đối với ông Bush, mặc dù thất vọng vẫn phảng phất đâu đó.

Sự ủng hộ của chính quyền Bush đối với các đảng phái thân phương Tây của Li-băng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Minister Rafik Hariri vào năm 2005 được nhớ tới.

Cuộc “Cách mạng cây tuyết tùng” (theo cách gọi của Washington ) hay phong trào độc lập Intifada (đối với người Li-băng) là do ông Bush gây dựng. Đây được xem như là kết quả thành công nhất của “chương trình tự do” của Tổng thống Bush suốt 8 năm qua.

Các chịnh trị gia dân chủ, thân phương Tây Syria đã lên nắm quyền trong các cuộc bầu cử lập pháp, thành lập chính phủ đầu tiên trong vòng 3 thập kỷ qua.

Nhưng thất vọng cay đắng đến vào mùa hè năm 2006, khi Israel và các chiến binh Hezbollah của Li-băng giao chiến nhau trong một cuộc chiến ngắn nhưng vô cùng ác liệt. Nhiều thường dân đã bị chết, trong khi Washington trong suốt nhiều ngày vẫn không đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn nào.

Những đám đông hạnh phúc ở châu Phi

Ai sẽ buồn khi Tổng thống Bush ra đi? - 1
Châu Phi nổi lên là lục địa lớn nhất trên thế giới có vẻ như nhớ ông Bush nhất khi ông mãn nhiệm. Khi tới thăm lục địa đen vào tháng 2 vừa qua, đi đâu ông Bush cũng được người dân đón chào nồng nhiệt.

Các cuộc thăm dò của tổ chức Pew cho biết tỷ lệ ủng hộ ông lên tới 80%, thậm chí cả ở các nước với đa số dân là người Hồi giáo. Tại Darfur, thậm chí còn có nhiều em bé được đạt tên là George Bush.

Tại châu Phi, ông Bush được nhớ đến là “một nhà kiến tạo hòa bình đóng vai trò then chốt trong việc chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 20 năm giữa bắc Phi, nơi phần đa là người Ả rập, và nam Phi”, Andrew Natsios, thuộc Viện Hudson cho biết.

“Chính quyền Bush là chính quyền đầu tiên lên tiếng về sự tàn bạo ở Darfur, tổ chức chiến dịch cứu trợ nhân đạo quy mô lớn để cứu người dân ở những trại tị nạn và kêu gọi lực lượng quốc tế gửi binh lính gìn giữ hòa bình tới đây”, ông cho biết.

Khi Tổng thống Bush tới Tanzania vào tháng 2, Tổng thống Jakaya Kikwete đã hết lời ca ngợi ông: “Mỗi người có thể có đánh giá khác nhau về ngài, chính quyền và di sản của ngài. Nhưng chúng tôi, ở Tanzania, nếu nói cho chúng tôi và cho người châu Phi, chúng tôi biết chắc rằng, ngài Tổng thống và chính quyền của ngài là những người bạn tốt của đất nước chúng tôi, là bạn tốt của châu Phi”.

"Được kẻ thù nhớ đến"

Điều thực sự làm tỷ lệ ủng hộ ông Bush tăng cao ở châu Phi là quyết định tăng viện trợ và các chương trình y tế, sức khỏe cho châu lục này của ông. Viện trợ nước ngoài dưới chính quyền Bush đã tăng gấp đôi và cho châu Phi tăng từ 1,3 tỷ USD năm 2001 lên 5 tỷ USD vào năm 2008.

Ngoài hàng tỷ đô la viện trợ, còn có các chương trình hỗ trợ nhằm chống lại bệnh sốt rét, HIV/Aids và phần thưởng cho những người quản lý tốt được đánh giá là thành công lớn.

Kori Schake, thành viên của Hội đồng an ninh trong nhiệm kỳ đầu của ông Bush cho rằng, sẽ có nhiều nước khác nhớ đến Tổng thống Bush, như Colombia, nước đang hi vọng ký được hiệp định thương mại tự do với Washington; hay những cường quốc đang lên như Ấn Độ, nước đã ký được thỏa thuận hợp tác hạt nhân gây tranh cãi với Mỹ, ngoài Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Những nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine, Gruzia, những nước đang hi vọng gia nhập được NATO, cũng có thể sẽ “thương khóc” cho sự chấm dứt của “triều đại” Bush.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều nhận định rằng ông Bush có được nhớ đến hay không còn phụ thuộc vào việc Barack Obama sẽ làm gì khi lên nắm quyền.

Cuối cùng, theo cách nào đó, các lãnh đạo như Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad có thể sẽ nhớ người đàn ông mà họ đã “ghét cay ghét đắng” khi họ phải bắt đầu lại tất cả với người kế nhiệm của Bush, người mà cả thế giới muốn yêu quý.

Phan Anh
Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm