1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Di sản sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Bush

(Dân trí) - Hai cuộc chiến tranh chưa kết thúc, nền kinh tế rơi vào suy thoái trầm trọng, thâm hụt ngân sách trên 1 nghìn tỷ USD và hình ảnh của nước Mỹ ở nước ngoài suy giảm nghiêm trọng là di sản mà ông Bush để lại sau 8 năm cầm quyền.

Di sản sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Bush  - 1
Ông Bush nháy mắt trong lần đọc thông điệp liên bang cuối cùng hồi đầu năm 2008
 
Kể từ Herbert Hoover rời Nhà Trắng và để lại cho Franklin Roosevelt cuộc đại suy thoái vào những năm 1930, chưa một tổng thống Mỹ nào để lại cho người kế nhiệm nhiều vấn đề gây nản lòng như George W. Bush "tặng" cho Barack Obama khi Tổng thống đắc cử nhậm chức vào ngày 20/1.

Trong khi Bush và các đồng minh trung thành nói lịch sử sẽ có đánh giá công bằng về di sản của ông, thì các chính trị gia lại đang tranh luận rằng liệu Bush có nằm trong số những tổng thống tệ nhất trong lịch sử, đặt Bush vào cùng nhóm với các Tổng thống Herbert Hoover, Warren Harding và James Buchanan. Một số học giả chuyên nghiên cứu về các tổng thống nói rằng, còn quá sớm để đưa ra bản phán quyết, trong khi nhiều người đã có những nhận định của riêng họ.

Kết thúc 8 năm cầm quyền giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất xảy ra trong vòng 80 năm, ông Bush sẽ ra đi với tỷ lệ ủng hộ thuộc hàng thấp nhất trong lịch sử hiện đại - dưới 30%.

Sự ủng hộ rộng rãi mà Bush giành được sau các vụ tấn công khủng  bố 11/9/2001 đã qua lâu rồi và giảm dần do cuộc chiến không được lòng dân tại Iraq, sự đối phó chậm chạp với công tác cứu trợ nạn nhân bão lụt Katrina và cuộc khủng hoảng trên phố Wall đã lan sang cả nền kinh tế.

Ở trong nước, tỷ lệ thất nghiệp ở vào mức cao nhất trong 16 năm qua, thị trường cho vay thế chấp lâm vào cảnh khốn đốn và các khoản tiết kiệm của người dân đang trôi mất theo cuộc khủng hoảng tài chính.

Xét trên phương diện tích cực, thành tựu nổi bật của Tổng thống Bush ở trong nước có thể là một điều gì đó đã không xảy ra - một cuộc tấn công khủng bố khác trên đất Mỹ. "Chúng ta đã không có một cuộc tấn công nào khác trong 7 năm qua", phát ngôn viên nhà trắng Dana Perino nói.

Di sản ngoại giao

Ở nước ngoài, di sản ngoại giao của Tổng thống Bush sẽ phụ thuộc phần lớn vào Iraq. Ông Obama sẽ thừa hưởng cuộc chiến tại Iraq để đi đến đích cuối cùng là đưa ra một chiến dịch rút quân và sửa chữa những tổn hại về uy tín của nước Mỹ. Ông Bush bay tới Baghdad hồi tháng trước với hi vọng “khoe” những thành tựu về an ninh tại đó. Nhưng thay vì đó, chuyến đi đã bị phủ bóng bởi vụ ném giày của một phóng viên Iraq. 

Tổng thống Bush cũng rời Tòa Bạch Ốc và để lại những nhiệm vụ chính sách ngoại giao dang dở khác. Cuộc tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran có thể là một trong những thách thức lớn nhất với Obama, người đã cam kết về các cuộc đối thoại trực tiếp với Tehran để thay thế chính sách cô lập ngoại giao của người tiền nhiệm.

Tại Afghanistan - nơi những người chỉ trích nói rằng ông Bush đã lơ là vì quá tập trung vào Iraq - Taliban đang mạnh trở lại và trùm khủng bố Osama bin Laden vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Tổng thống Bush cũng nỗ lực để trở thành nhân vật trung gian cho kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng theo quan điểm của hầu hết các nhà phân tích, nỗ lực ấy đến quá muộn và chưa đủ. Chính quyền Tổng thống Bush cũng để lại cuộc khủng hoảng tại Gaza lại cho người kế nhiệm Obama. Obama đã cam kết dành ưu tiên cho vấn đề hòa bình Trung Đông nhưng ông sẽ phải đối mặt với những ngờ vực của thế giới Ảrập về sự thiên vị của Mỹ đối với Israel.

Ngoài các vấn đề nóng tại Trung Đông, ông Obama sẽ thừa kế một vấn đề khác từ Bush - làm gì với những nghi phạm khủng bố đang bị giam giữ ở nhà tù Vịnh Guantanamo. Trung tâm giam giữ của quân đội Mỹ ở đó là tâm điểm chỉ trích của thế giới. Tổng thống đắc cử Barack Obama đã thề sẽ đóng cửa nhà tù.

Ông Bush cũng bị chỉ trích, đặc biệt ở châu Âu, vì quan điểm phản đối việc áp dụng các biện pháp hạn chế khí thải nhà kính nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu - lập trường cho thấy sự kiêu căng của Mỹ mà ông Obama giờ đây phải thay đổi.

Nhưng mặt khác, Tổng thống Bush cũng được ca ngợi vì những nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, Trung Quốc và chiến đấu với đại dịch AIDS ở châu Phi.

Di sản kinh tế

Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ - bắt đầu sau 6 năm ông lãnh đạo nền kinh tế thịnh vượng mà bất cứ tổng thống nào cũng thèm muốn - có thể làm mờ di sản của ông Bush.

Cuộc khủng hoảng tài chính khiến chính quyền Bush phải viện tới các biện pháp can thiệp của chính phủ, từng bị ghét cay ghét đắng vì ông ủng hộ thị trường tự do. Và khi cuộc khủng hoảng lan ra toàn cầu, những chỉ trích về chủ nghĩa tư bản “buông thả” kiểu Mỹ càng gia tăng, làm nảy sinh những nghi vấn về vị thế thống trị của Mỹ trong tương lai.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc ông Bush ủng hộ thị trường tự do đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, mặc dù họ cũng đồng tình là còn có nhiều nguyên nhân khác. Nhưng cuộc khủng hoảng nổ ra trong thời gian cầm quyền của ông nên Bush phải hứng chịu sự chỉ trích.

Các đại biểu đảng Cộng hòa của ông Bush đã thấy cử tri Mỹ bày tỏ tiếng nói. Chiến thắng vang dội của Barack Obama trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái trước John Mccain được xem là lời khước từ đối với các chính sách của Bush. “Nếu không có Bush, tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên có thể đã không thắng cử vào thời điểm này”, Stephen Wayne, chính trị học tại đại học Georgetown nói.

Ý thức được rằng thời gian không còn nhiều, ông Bush đã tận dụng những tuần cuối cùng để cố gắng “đánh bóng” di sản của ông. Ông đã đồng ý tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn trước khi mãn nhiệm hơn bất kỳ một tổng thống nào gần đây, thực hiện hàng loạt bài phát biểu về chính sách và tổ chức một cuộc họp báo chia tay.

Qua tất cả những sự kiện đó, ông Bush đã bảo vệ mạnh mẽ các quyết định gây tranh cãi, nhưng cũng thừa nhận sự thất vọng của ông khi không tìm thấy vũ khí hủy diệt nào tại Iraq và về xì-căng-đan lạm dụng tù nhân tại trại giam Abu Ghraib từng khiến cả thế giới bị sốc.

Bush nói lịch sử sẽ đánh giá công bằng di sản của ông, có thể là sau khi ông qua đời. Bush nói ông sẽ được minh oan một ngày nào đó giống như Harry Truman, người rời nhiệm sở với một trong những tỉ lệ ủng hộ thấp nhất nhưng giờ đây lại được ngưỡng mộ.

VTH
Theo Reuters