Kết thúc xung đột Israel - Hezbollah
Ai mới thực sự là người chiến thắng?
(Dân trí) - Khi một cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết rõ ràng, thì phần thắng thuộc về ai luôn nằm trong mắt của người đánh giá. Chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên sau khi lệnh ngừng bắn ở Libăng có hiệu lực, tất cả mọi bên, từ Thủ tướng Israel Olmert, Tổng thống Mỹ Bush đến thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah và các nhà lãnh đạo Iran cùng Syria đều tuyên bố chiến thắng.
Để đánh giá chính xác được ai là người chiến thắng, cần phải nhìn lại kết cục của cuộc chiến so vơi mục tiêu ban đầu mà các bên đưa ra, so sánh vị trí của họ sau hơn một tháng giao tranh với trước thời điểm Hezbollah bắt giữ hai binh lính Israel vào ngày 12/7.
Đánh giá lệnh ngừng bắn
Cuộc chiến do vụ bắt giữ binh lính Israel của Hezbollah châm ngòi đã khiến hàng trăm người Libăng bị giết hại, mà hầu hết đều là thường dân. Ngoài ra, gần 1 triệu người mất nhà cửa, kinh tế Libăng bị tàn phá.
Cuộc chiến cũng làm 118 lính và 39 thường dân Israel thiệt mạng. Rocket của Hezbollah đã nã xuống các thành phố Israel cho đến những giờ phút cuối của lệnh ngừng bắn, khiến 1 triệu người Israel phải sống gần trọn 1 tháng trong hầm trú ẩn. Và khi tiếng súng đã lắng xuống, hai binh lính Israel bị bắt vẫn chưa được thả.
Số phận của họ chắc chắn sẽ được định đoạt, có thể là qua đàm phán giữa Israel và chính phủ Libăng (đại diện cho Hezbollah). Và có thể sẽ có một cuộc trao đổi tù binh. Tuy nhiên, số phận của hai binh sỹ này lại không quyết định đến lệnh ngừng bắn. Chỉ trong vài ngày tới, quân đội Libăng (15.000 quân) sẽ bắt đầu tiến về miền nam, sau đó sẽ được lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ (cũng 15.000 quân) hỗ trợ tiếp quản vùng đất mà Israel để lại.
Hezbollah đã đồng ý ngừng tấn công vào Israel. Nhưng những vấn đề như số phận của các tù binh, vùng đất tranh cãi Sheba Farms và vấn đề giải giáp vũ khí của Hezbollah tất cả đều vẫn còn để ngỏ.
Israel muốn gì và được gì?
Mỹ từng ca ngợi mục đích của Israel, xem Hezbollah chính là lực lượng uỷ nhiệm của Iran và Syria. Mới đầu Mỹ trì hoãn lệnh ngừng bắn để cho Israel thêm thời gian “thanh toán” Hezbollah. Bush còn lớn tiếng nói rằng một lệnh ngừng bắn thật sự phải giải quyết được cội rễ của cuộc xung đột - tức ông ám chỉ đến việc Hezbollah phải giải giáp vũ khí. Bush cùng Ngoại trưởng Rice chỉ ra rằng, một lệnh ngừng bắn như thế sẽ không cho phép tạo ra “khoảng trống” ở miền nam Libăng để Hezbollah có thể trở lại.
Tuy nhiên, chẳng những Hezbollah vẫn sống sót bình an mà còn có khả năng gây tổn thương khá lớn về quân sự cũng như dân sự cho Israel ngay trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Quan trọng hơn, chủ đề ngăn cản Hezbollah “trở lại” vẫn còn, bởi vì lực lượng này chưa bao giờ bị đánh đuổi khỏi nam Libăng. Hầu hết chiến binh của Hezbollah vẫn còn sống bất chấp sự có mặt có khoảng 20.000 lính Israel ngay trong “sào huyệt” của họ.
Ngoài mục đích giải giáp Hezbollah, Israel còn có một mục đích thiết thực hơn, đó là loại bỏ mối đe doạ về tên lửa ở biên giới phía bắc nước này. Nhưng kết cục thì có thể nhìn thấy rõ: Hezbollah vẫn nã rocket cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến. Liệu khả năng của Hezbollah đã thực sự mất đi, hay lực lượng này chỉ tạm thời “giấu mình” vẫn còn là điều nhiều người phải băn khoăn.
Ai sẽ giải giáp Hezbollah?
Rõ ràng là Hezbollah tự nguyện tuân theo lệnh ngừng bắn. Nhưng lực lượng này đã làm được rất nhiều trong khuôn khổ của họ. Họ không chỉ thẳng thừng từ chối đàm phán giải giáp mà còn có vẻ như đang tiến tới một thoả thuận với chính phủ Libăng, theo đó Hezbollah sẽ không “khoe” vũ khí của mình ở miền nam nữa và sẽ sống một cách “ẩn dật”. Tính đến thời điểm hiện tại, cả Israel lẫn quân đội Libăng và lực lượng LHQ đều có vẻ như không có ý định buộc nhóm này phải giải giáp vũ khí.
Israel cũng không có hứng thú gì khi để lực lượng của mình ở nam Libăng, nơi họ biết sẽ phải chịu tổn thất lớn hơn nếu bị phiến quân tấn công theo kiểu du kích. Thay vì đi tìm kiếm kho đạn dược, hầm trú ẩn của Hezbollah thì Israel lại yêu cầu quân đội của họ cố gắng tránh bị tấn công trực tiếp. Thay vì truy quét lực lượng Hezbollah ở nam sông Litani, Israel lại trông chờ vào lực lượng quân đội Libăng và lực lượng quốc tế. Quân đội Libăng sẽ có mặt ở miền nam trước. Họ sẽ chính thức tiếp quản các vùng đất lính Israel để lại. Nhưng từ xưa, quân đội Libăng luôn luôn hoà hợp với Hezbollah và một nửa quân số của họ là người lai Shiite. Rõ ràng là họ sẽ không cố buộc Hezbollah phải giải giáp vũ khí. Pháp, nước dẫn đầu lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế tới nam Libăng với 5.000 quân, chắc chắn cũng thế.
Sẽ lại chiến đấu?
Mặc dù Hezbollah sẽ phải từ bỏ quyền kiểm soát vùng biên giới và cũng gánh chịu tổn thất về người cũng như đã bắn đi mất khá nhiều tên lửa, nhưng họ vẫn sống, và có thể chờ đợi một ngày khác vùng lên. Chính phủ Libăng cũng có vẻ như không muốn đối đầu với vấn đề giải giáp Hezbollah. Đó là chưa kể lực lượng này đang ngày càng một lớn mạnh hơn bao giờ hết về chính trị ở Libăng, đặc biệt là trong cộng đồng người Shiite. Buộc Hezbollah giải giáp có thể sẽ gây ra một cuộc nội chiến tàn khốc khác.
Hơn thế, Hezbollah dường như cũng không muốn có nội chiến và không muốn chính phủ mà họ đang giành được nhiều ảnh hưởng phải đổ vỡ. Lực lượng này thực sự hoan nghênh một cuộc trì hoãn để hàn gắn quan hệ với thành trì đổ nát của mình, bằng cách tập trung vào công cuộc tái thiết và các chương trình phúc lợi xã hội, và dĩ nhiên, để chuẩn bị cho một cuộc chiến tiếp theo.
Vấn đề đối với Olmert và Mỹ
Có lẽ vẫn còn là nhẹ khi nói tuyên bố chiến thắng của Olmert không hoàn toàn trùng khít với quan điểm của người Israel. Tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống thấp, mây đen đang che phủ tương lai lâu dài của chính phủ ông. Rõ ràng là bài diễn tập chứng tỏ sức mạnh của quân đội Israel đã cho một kết quả trái ngược. Hezbollah đã lôi kéo được nhiều kẻ thù của Israel từ dải Gaza cho đến Tehran.
Ngoài ra, trái với mong đợi của Israel, các cuộc không kích của nước này xuống Libăng còn gây ra sự phản đối kịch liệt chính trong lòng những tổ chức vốn từng phản đối Hezbollah ở Libăng. Và cơn giận giữ không chỉ trực tiếp hướng vào Israel mà còn vào cả Mỹ. Về mặt ngoại giao, Mỹ phải trả giá cho sự ủng hộ dành cho chiến dịch quân sự của Israel và công cuộc tái thiết Iraq của họ có thể gặp thêm nhiều khó khăn.
Như vậy, kết cục của 34 ngày xung đột ở Libăng có vai trò quá nhỏ trong việc thay đổi địa thế chiến lược căn bản cho Libăng và cho khu vực. Khó có thể xem lệnh ngừng bắn mới đạt được như một bước tiến đầu tiên hướng tới một nền hòa bình toàn diện ở khu vực. Hiện tại, nó chỉ như một khoảng lặng mà thôi.
PV
Theo Time