8 tàu ngầm hạt nhân Australia sẽ dùng công nghệ "cực kỳ nhạy cảm" từ Mỹ
(Dân trí) - Mỹ quyết định chia sẻ công nghệ "cực kỳ nhạy cảm" cho đồng minh Australia để đóng đội tàu ngầm hạt nhân gồm 8 chiếc, hứa hẹn mang đến dàn khí tài có thể thay đổi cuộc chơi ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ngày 15/9, Mỹ, Australia và Anh chính thức công bố thỏa thuận hợp tác an ninh AUKUS nhằm mở đường cho việc Washington và London sẽ hỗ trợ nỗ lực đóng 8 tàu ngầm hạt nhân cho Canberra.
Như vậy, Australia là quốc gia thứ 2 trong lịch sử sau Anh (năm 1958) được Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà giới chức Washington mô tả là "cực kỳ nhạy cảm". Australia cũng sẽ trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân dù không phải là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như 6 nước còn lại gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ.
Uy lực của tàu ngầm năng lượng hạt nhân
Tàu ngầm hạt nhân được cấp năng lượng bằng một hoặc nhiều hơn các lò phản ứng hạt nhân theo cơ chế phân tách các nguyên tử. Nhiệt lượng thu được từ quá trình này sau đó được sử dụng để tạo hơi nước cho các tuabin nhằm tạo ra điện năng cho cả động cơ và hệ thống máy tính bên trong tàu.
Điểm làm nên sự khác biệt của tàu ngầm năng lượng hạt nhân là nó có tầm hoạt động không giới hạn, nếu so với các tàu ngầm thông thường chạy bằng diesel/điện. Lò phản ứng trên tàu ngầm hạt nhân sẽ không cần tiếp liệu trong suốt vòng đời 25 năm. Vì vậy, quân đội một nước sở hữu tàu ngầm năng lượng hạt nhân sẽ chỉ cần đảm bảo con tàu được cung cấp đầy đủ lương thực và nhu yếu phẩm cho các thủy thủ.
Lò phản ứng hạt nhân cũng cho phép tàu ngầm hoạt động ở tốc độ cao trong thời gian dài hơn. Điều này khác với các tàu ngầm thường phải lựa chọn giữa việc đạt tốc độ cao trong thời gian ngắn, hoặc di chuyển vài ngày với tốc độ chậm hơn, do giới hạn về nhiên liệu.
Tàu ngầm hạt nhân cũng không cần phải nổi lên nhiều lần như tàu ngầm diesel/điện, cho phép nó hoạt động với khả năng tàng hình tối đa và đảm bảo tốc độ trong suốt thời gian vận hành.
Tuy nhiên, tàu ngầm hạt nhân cũng có những bất lợi nhất định, như chi phí đóng đắt đỏ hơn rất nhiều so với tàu ngầm thường. Tàu ngầm hạt nhân cũng cần làm mát liên tục lò phản ứng, vì nó để lại dấu vết nhiệt lớn hơn tàu ngầm thường - yếu tố có thể khiến nó dễ bị đối phương phát hiện. Ngoài ra, việc bảo dưỡng tàu ngầm hạt nhân cũng rất phức tạp.
Đội tàu ngầm tương lai của Australia
Theo giới quan sát, việc Australia được Mỹ chia sẻ công nghệ nhạy cảm cho thấy các tàu ngầm hạt nhân của Canberra có thể sẽ giống như với các phiên bản mới nhất của Mỹ và Anh.
Đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Anh và Mỹ có 2 loại là tàu ngầm tấn công và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo với 2 mục tiêu tác chiến khác nhau. Các chuyên gia quân sự dự đoán, Australia dường như nghiêng về việc phát triển đội tàu ngầm tấn công.
"Tàu ngầm tấn công được thiết kế để tìm và diệt tàu ngầm đối thủ, tàu nổi, được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, thực hiện các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát, hỗ trợ hiệp đồng tác chiến, hoạt động chống mìn", hải quân Mỹ mô tả về đội tàu ngầm tấn công của nước này.
Tên lửa Tomahawk có giá khoảng 1,5 triệu USD/quả. Nó được mệnh danh là "sứ giả chiến tranh" với đầu đạn chứa hơn 450 kg chất nổ, cho phép nó thực hiện những "cú đấm thép" vào mục tiêu trên đất liền cách hơn 1.600 km.
Sau khi thông báo về AUKUS, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng tiết lộ rằng Australia sẽ mua các tên lửa hành trình Tomahawk tầm xa từ Mỹ.
Với uy lực của dòng tên lửa này, Australia dường như muốn bảo vệ chắc chắn vùng lãnh hải phía bắc nước này khỏi mọi mối đe dọa, cũng như hợp tác với Mỹ trong các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tại Thái Bình Dương, một trong những tàu ngầm uy lực nhất Mỹ đang triển khai là USS Ohio. Ngoài tầm hoạt động "không có giới hạn" do chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu Ohio có thể mang tối đa 154 tên lửa hành trình Tomahawk, nhiều hơn 50% so với tàu khu trục tên lửa dẫn đường. Các tàu lớp Ohio được đánh giá là khí tài có thể "thay đổi cuộc chơi" tại khu vực.