1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

60 người đã chết do biểu tình ở Myanmar, Trung Quốc kêu gọi giảm căng thẳng

Minh Phương

(Dân trí) - Trung Quốc kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng ở Myanmar trong bối cảnh quân đội Myanmar bị cáo buộc dùng bạo lực chống lại người biểu tình phản đối đảo chính và hơn 60 người đã thiệt mạng.

60 người đã chết do biểu tình ở Myanmar, Trung Quốc kêu gọi giảm căng thẳng - 1

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cho biết, Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với các bên liên quan để hạ nhiệt tình hình ở Myanmar (Ảnh: AFP).

"Bây giờ là lúc giảm căng thẳng. Đã đến lúc sử dụng các biện pháp ngoại giao, đối thoại", ông Zhang Jun, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, kêu gọi hôm 10/3.
Kêu gọi được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí ra tuyên bố chung lên án bạo lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa ở Myanmar. Ông Zhang cho biết, Trung Quốc đã tham gia tích cực vào quá trình thảo luận tuyên bố chung này.

"Việc các thành viên trong Hội đồng Bảo an đưa ra một tiếng nói chung rất quan trọng. Chúng tôi hy vọng rằng thông điệp mà Hội đồng Bảo an đưa ra sẽ góp phần xoa dịu tình hình ở Myanmar", Đại sứ Zhang nói.

Ông cũng nhấn mạnh: "Cộng đồng quốc tế nên tạo môi trường thuận lợi cho các bên liên quan ở Myanmar giải quyết các bất đồng trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Chính sách hữu nghị của Trung Quốc với Myanmar dành cho tất cả người dân Myanmar. Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với các bên liên quan và đóng vai trò tích cực nhằm hạ nhiệt tình hình hiện nay".

Trung Quốc được cho là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Myanmar. Hồi đầu tháng, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình ở Myanmar để giúp khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.

"Chúng tôi hối thúc Trung Quốc đóng vai trò tích cực, dùng ảnh hưởng của họ với quân đội Myanmar để chấm dứt cuộc đảo chính ở đây", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói hôm 4/3. Ông Price cũng cho biết, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều cuộc trao đổi về tình hình Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2 của quân đội Myanmar.

Bắc Kinh có mối quan hệ hữu nghị với cả quân đội và chính quyền dân sự Myanmar. Tháng trước, Trung Quốc đã ngăn Hội đồng Bảo an ra tuyên bố lên án đảo chính ở Myanmar với lý do coi đây là "việc nội bộ" của Myanmar. 

Myanmar tiếp tục căng thẳng sau cuộc chính biến ngày 1/2. Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính chưa có dấu hiệu lắng xuống bất chấp hơn 60 người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh, và khoảng 1.800 người bị bắt giữ.

Quân đội Myanmar được cho là đã thuê một cựu sĩ quan tình báo Israel làm nhiệm vụ vận động hành lang để "giải thích tình hình" ở Myanmar với hy vọng cải thiện quan hệ với phương Tây trước sức ép của các lệnh trừng phạt.

Lãnh đạo quân đội Myanmar nói rằng, việc chuyển giao quyền lực là "không thể tránh khỏi" sau khi cáo buộc đảng cầm quyền của nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi gian lận bầu cử - một cáo buộc đã bị bác bỏ. Quân đội Myanmar cũng cam kết tiến hành một cuộc bầu cử mới và trao lại quyền lực cho đảng giành chiến thắng. Tuy nhiên, đến nay, họ chưa ấn định thời gian cho một cuộc bầu cử như vậy.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar