1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

5 lý do khiến Tổng thống Trump sa thải Ngoại trưởng Tillerson

(Dân trí) - Sự bất đồng về việc dời đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem hay hội đàm với Triều Tiên và nhiều chính sách đối ngoại khác được cho là lý do khiến Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mất chức.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Ngoại trưởng Mỹ vừa bị sa thải Rex Tillerson (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Ngoại trưởng Mỹ vừa bị sa thải Rex Tillerson (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/3 bất ngờ thông báo Giám đốc CIA Mike Pompeo sẽ thay thế ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng Mỹ. “Mike Pompeo, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), sẽ trở thành Ngoại trưởng mới của chúng ta. Ông ấy sẽ đảm nhiệm một công việc tuyệt vời! Cảm ơn Rex Tillerson vì sự cống hiến của ông ấy. Gina Haspel sẽ trở thành Giám đốc CIA mới và là người phụ nữ đầu tiên được chọn vào vị trí này. Chúc mừng tất cả!”, Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter.

Việc sa thải ông Tillerson có thể coi là động thái điều chỉnh nhân sự quan trọng nhất từ trước đến nay của ông Trump kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm ngoái.

Động thái của ông Trump được coi là khá bất ngờ bởi chính ông Tillerson cũng chỉ biết mình bị sa thải sau khi đọc dòng tweet của Tổng thống Trump và hoàn toàn không hiểu tại sao mình bị sa thải.

Giới quan sát cho rằng, chính những mâu thuẫn chồng chất về chính sách đối ngoại với Tổng thống Trump là nguyên nhân khiến ông Tillerson mất chức.

Tạp chí Newsweek đã nêu ra 5 lý do khiến ông Tillerson nhanh chóng phải rời Nhà Trắng.

Thứ nhất, ông Tillerson đã tỏ ra bất nhất khi thẳng thừng cáo buộc Nga nhiều khả năng đứng sau vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal nghi bị đầu độc ở Anh. Trong khi đó, Nhà Trắng tỏ ra thận trọng thay vì quy trách nhiệm cho Nga.

Các chuyên gia cho rằng, sự bất nhất này có thể là “giọt nước tràn ly” khiến Tổng thống Trump quyết định sa thải vị ngoại trưởng xuất thân từ kinh doanh và từng có quan hệ làm ăn với Nga.

Thứ hai, hồi tháng 10 năm ngoái, ông Trump đã thách "đọ" IQ với Ngoại trưởng Tillerson sau khi có tin tức nói rằng ông Tillerson gọi ông Trump là "khờ" với đề xuất tăng kho vũ khí hạt nhân.

Thứ ba, ông Trump và Tillerson tỏ ra bất đồng quan điểm về chính sách với Triều Tiên. Mùa hè năm ngoái khi nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên "khẩu chiến", Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố Mỹ muốn "giải quyết vấn đề thông qua đối thoại" trong khi Nhà Trắng tuyên bố để ngỏ mọi phương án và không loại trừ phương án quân sự.

Tuần trước, khi bình luận về cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Tillerson nói Washington sẽ tập trung vào "đối thoại" hơn là "đàm phán". Tuy nhiên, Tổng thống Trump tuyên bố rõ ràng rằng ông muốn một thỏa thuận về giải trừ hạt nhân với Triều Tiên.

Thứ tư, ông Trump không đồng tình với chính sách của Ngoại trưởng Tillerson về việc liệu Mỹ có nên hòa giải căng thẳng giữa Ả rập Xê út và Qatar hay không. Họ cũng bất đồng về việc Mỹ có nên rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hay không.

Thứ năm, ông Tillerson chắc hẳn đã khiến Tổng thống Trump phật lòng vì đánh giá hành động của ông chủ Nhà Trắng là "thiếu chuyên nghiệp" khi ông Trump chỉ trích Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions "thiếu lập trường" về cuộc điều tra cựu ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Minh Phương

Theo Atlantic, Newsweek