4 tỉnh ở Ukraine có thể trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga
(Dân trí) - Nghị sĩ Nga cho biết 4 tỉnh của Ukraine có thể tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga trong mùa hè tới.
Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, hôm 1/6 cho biết 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia có thể tổ chức trưng cầu dân ý vào mùa hè này để quyết định việc có sáp nhập vào Nga hay không.
"Tôi không muốn suy đoán, nhưng tôi cho rằng các hoạt động tổ chức trưng cầu dân ý ở những khu vực đó có thể diễn ra rất sớm, khả năng cao là vào mùa hè này. Và chúng có thể diễn ra đồng thời", ông Slutsky nói.
"Tôi không loại trừ khả năng này có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 7", nghị sĩ cấp cao của Nga nói thêm, đồng thời nhấn mạnh việc tổ chức trưng cầu dân ý tại các khu vực ở Nga là điều "hợp lý".
Ông Slutsky cho biết, quyết định sáp nhập vào Nga nên do chính người dân của các vùng lãnh thổ đó quyết định.
"Mong muốn đó (sáp nhập vào Nga) không còn là bí mật ở Donbass (gồm Lugansk và Donetsk), Kherson và Zaporizhzhia. Mong muốn đó khá mạnh mẽ", ông Slutsky nhấn mạnh.
Nhà lập pháp Nga tuyên bố, đảng của ông, cũng như các lực lượng chính trị khác ở Nga, sẽ "nỗ lực mạnh mẽ để tái thiết" 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở Donbass, cũng như các vùng lãnh thổ được giải phóng khác tại Ukraine.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết người dân ở các khu vực như Kherson, Zaporizhzhia và Donbass phải tự quyết định tương lai của mình và Moscow không nghi ngờ gì về việc họ sẽ đưa ra "quyết định tốt nhất".
Phó lãnh đạo chính quyền quân sự - dân sự vùng Kherson Kirill Stremousov hôm 31/5 tuyên bố Kherson dự định sẽ "gia nhập và trở thành một phần chính thức của Liên bang Nga trong tương lai gần". Trước đó, quan chức này tuyên bố, Kherson sẽ chuyển sang áp dụng luật pháp Nga hoàn toàn ngay trong năm 2022.
Điện Kremlin nhấn mạnh, "đây là vấn đề cần được các luật sư, chuyên gia pháp lý xem xét, đánh giá rõ ràng, kỹ lưỡng" và việc sáp nhập sẽ do chính quyền và người dân ở đây quyết định.
Ông Stremousov cũng cho biết, chính quyền Kherson sẽ đề nghị Moscow lập một căn cứ quân sự ở vùng lãnh thổ này nhằm đảm bảo an ninh. Ngoài ra, từ ngày 23/5, tại Kherson, đồng rúp sẽ được sử dụng song song với đồng hryvnia.
Nga giành quyền kiểm soát Kherson từ tháng 3/2022. Cuối tháng 4, truyền thông khu vực xác nhận quân đội Nga chính thức tiếp quản tòa nhà thị chính Kherson. Chính quyền quân - dân sự được thiết lập tại Kherson sau khi Nga kiểm soát toàn bộ địa phương này.
Tại Donbass, Nga hồi tháng 2 đã công nhận độc lập của cả Donetsk và Lugansk, đồng thời yêu cầu Ukraine cũng công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ này.
Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, Denis Pushilin, tuyên bố có thể cân nhắc sáp nhập vào Nga. Trong khi đó, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, Leonid Pasechnik, cũng xác nhận khu vực này có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc trở thành một phần của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo "bất kỳ kế hoạch nào nhằm thành lập "Cộng hòa Nhân dân Kherson" cũng sẽ không thành công". Ông Zelensky tuyên bố Nga sẽ phải hứng chịu lệnh trừng phạt nặng nề nếu tiến hành sáp nhập khu vực này.
Giới chức Ukraine cảnh báo các cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga sẽ không có cơ sở pháp lý và đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở phía Nam Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý. Động thái này của Nga vấp phải sự phản đối của Ukraine và phương Tây, khiến Moscow phải hứng chịu làn sóng trừng phạt suốt nhiều năm qua.