1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

21 bang tại Mỹ đâm đơn kiện Tổng thống Biden

Đức Hoàng

(Dân trí) - Liên minh tổng chưởng lý từ 21 bang của Mỹ đã kiện Tổng thống Joe Biden vì quyết định thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL, dự kiến đưa dầu từ Canada sang Mỹ khi hoàn thành.

21 bang tại Mỹ đâm đơn kiện Tổng thống Biden - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Theo The Hill, nhóm tổng chưởng lý đã nộp đơn kiện ông Biden hôm 17/3. Hai bang Texas và Montana dẫn đầu vụ kiện.

Trong đơn kiện, họ cho rằng việc thu hồi giấy phép của một dự án xuyên biên giới dẫn dầu từ Canada sang Mỹ là "quy định thương mại liên bang quốc tế" và quốc hội mới là bên được phép quyết định, còn động thái của ông Biden đã vượt thẩm quyền. Đơn kiện cáo buộc quyết định của ông Biden là tùy tiện và thất thường.

Một số bang trong lá đơn kiện có thống đốc theo đảng Dân chủ, bao gồm Kentucky và Kansas, nhưng toàn bộ 21 bang đều có tổng chưởng lý theo đảng Cộng hòa.

"Hành động của bị đơn có thể khiến các bang và chính phủ địa phương mất đi thu nhập hàng triệu USD. Tuy nhiên, họ lại không đưa ra được lý giải hợp lý cho việc vì sao họ lại làm vậy. Họ không đưa ra được bất cứ lý do nào", đơn kiện viết.

Phe Cộng hòa nhiều lần phàn nàn về động thái của ông Biden trong ngày đầu tiên nhậm chức khi ông ký sắc lệnh hủy đường ống dẫn dầu Keystone XL, trong khi các nhà hoạt động vì môi trường lại hoan nghênh động thái này.

Trong một tuyên bố về vụ kiện, Tổng chưởng lý Montana Austin Knudsen đã gọi hành động của ông Biden là thể hiện mình "tử tế trước các nhà tài trợ giàu có của ông ở khu vực duyên hải. Quyền điều chỉnh thương mại nước ngoài và giữa các tiểu bang thuộc về quốc hội - không phải Tổng thống. Đây là một ví dụ khác về việc Joe Biden vượt qua vai trò được quy định trong hiến pháp để gây tổn hại cho người dân Motana".

Giải thích về quyết định của mình, ông Biden cho rằng đường ống dẫn dầu gây ra ảnh hưởng không tốt tới lợi ích quốc gia Mỹ và việc duy trì Keystone XL là "không phù hợp với yêu cầu về kinh tế và khí hậu của chính quyền tôi". Đường ống này dự kiến dài hơn 1.900 km.

Những người phản đối dự án cho rằng Mỹ không nên nhập khẩu dầu được khai thác từ cát dầu chứa nhiều nguyên tố carbon. Các bộ lạc bản địa ở khu vực đường ống đi qua cũng phản đối dự án, cáo buộc chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump phớt lờ các quyền lợi của họ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ lại cho rằng, dự án sẽ mang lại công việc và lợi nhuận cho người Mỹ.

Cựu Tổng thống Trump là người ủng hộ dự án xây đường ống khi ông cấp phép cho Keystone XL ngay trong những tháng đầu của nhiệm kỳ.