Phụ huynh chuẩn bị mì tôm, cháo gói ăn Tết cùng con trong bệnh viện
(Dân trí) - Không thể về quê, nhiều em nhỏ ở Khoa ung bướu - huyết học (Bệnh viện Nhi Đồng 2) phải ở lại bệnh viện, cha mẹ các em phải dự trữ mì tôm, cháo gói vì lo cửa hàng bán thức ăn đóng cửa nghỉ Tết.
Những ngày qua, nhìn dòng người hối hả, ngược xuôi về quê, nhiều người làm cha, mẹ của những đứa trẻ "không tóc" chỉ biết lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt, nắm chặt bàn tay con nhỏ trên giường bệnh...
Ngày cuối cùng của năm cũ, sắp bước qua năm mới Giáp Thìn 2024, bên trong dãy hành lang ở Khoa ung bướu - huyết học của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), tiếng cười nói, rộn ràng của ngày thường bỗng ít hơn vì nhiều người đang hối hả chuẩn bị đồ đạc cho con để lên xe về quê đón Tết.
Nhưng cũng không ít những người cha, người mẹ với ánh mắt buồn bã vì năm nay sẽ phải cùng con đón Tết trong bệnh viện.
Không khí Tết len lỏi qua những dãy hành lang, góc phòng bệnh của những đứa trẻ tại Khoa ung bướu Bệnh viện Nhi Đồng 2. Đây là nơi điều trị cho khoảng 150 em nhỏ đang mắc các căn bệnh hiểm nghèo, ung thư.
Sáng 30 Tết, không ít người đang dọn đồ đạc, chuẩn bị hành lý để đưa con lên xe về quê đón Tết sau khi kết thúc liệu trình vào thuốc.
Bên cạnh đó, cũng không ít những trường hợp bắt buộc phải ở lại bệnh viện để điều trị vì đang trong giai đoạn truyền thuốc, hóa trị.
Nằm khóc quằn quại trên giường bệnh số 63 vì những cơn đau do căn bệnh ung thư máu quái ác, bé Hồ Đức Kiệt (3 tuổi, quê Đắk Lắk) gọi: "Mẹ ơi, mẹ ơi... con đau, con đau", vừa nói xong thì Kiệt nôn hết phần cháo vừa được mẹ đút ăn ra ngoài.
"Cứ mỗi lần vào thuốc là bé đau như vậy, do tác dụng của thuốc nên bé hay bị nôn, không ăn được nhiều. Thương con nhưng không biết làm gì hơn", chị Lê Thị Thanh Hải, mẹ bé Kiệt nghẹn ngào.
Chị Hải cho biết, vì cháu mới vào viện được 2 tuần, đang trong quá trình vào thuốc đợt một, nên bác sĩ bắt buộc ở lại viện ít nhất 2 tháng để vào thuốc. Vậy nên năm nay chị và con phải đón Tết ở bệnh viện.
Điều dưỡng trưởng Hồ Thị Kim Hằng, Khoa ung bướu - huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết với những trường hợp mới nhập viện và đang vào toa thuốc đầu tiên, ít nhất phải ở lại 2 tháng để điều trị liên tục, sau đó được nghỉ khoảng 1 tuần để vào thuốc lần 2.
"Những em đang vào thuốc đợt này, bắt buộc phải ở lại, không thể về quê đón Tết được, cũng thương các con lắm, nhưng không thể làm khác được", điều dưỡng Kim Hằng cho hay.
Chị Hải chia sẻ, những ngày ở lại đón Tết trong bệnh viện, không biết bên ngoài có bán cơm hay không, và con cũng không thể ăn được cơm ngoài, nên chị phải mua dự trữ trước mì tôm, cháo gói để cho cháu và mẹ cùng ăn trong mấy ngày Tết.
"Những năm trước con ở nhà thì có đầy đủ, nhưng nay con ốm, một bữa ăn đàng hoàng cho con cũng không có, con phải ăn cháo, ăn mì tôm cho qua Tết, thương con lắm", chị Hải khóc nghẹn.
Nằm cách đó vài giường bệnh là hai cha con anh Trần Thanh Tùng (quê Bình Định), con anh Tùng nằm điều trị ở Khoa ung bướu gần 1 tháng nay, nhưng đang trong thời gian vào thuốc toa 1 nên không thể về quê đón Tết.
Anh Tùng cho biết, ở bệnh viện việc ăn uống phải đi mua bên ngoài, nhưng mấy ngày Tết hàng quán đóng nhiều, không biết có mua được đồ ăn cho con hay không, nên anh cũng dự trữ thêm mì tôm để ăn tạm.
"Hôm qua có một số mạnh thường quân tới phát cháo gói cho các con, tôi cũng xuống xin một ít để sẵn. Con cũng không ăn được cơm ngoài nhiều, nên Tết này chắc chỉ ăn cháo gói thôi. Đường xá ở đây cũng không quen, tiền cũng không có nhiều nên tôi không sắm sửa gì cho con được cả", anh Tùng chia sẻ.
Để con đỡ buồn, anh treo chú gấu bông và ít đồ chơi của con lên đầu giường để con có chút không khí Tết.
"30 Tết rồi, nhưng vẫn chưa biết được về quê hay không, vẫn phải chờ bác sĩ khám lại cho cháu. Nếu bác sĩ cho về, tôi cũng không biết còn xe khách để về nhà hay không nữa, Tết này buồn lắm", cha của bé Gia Khang nói.
Trước giờ giao thừa, nhưng nhiều người vẫn đi nhận cháo gói từ các mạnh thường quân để mang về cho con ăn tạm những ngày Tết tại Khoa ung bướu Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Nhiều người thân của các bệnh nhi cũng túc trực, đón Tết tại bệnh viện cùng các con.
Theo điều dưỡng trưởng Hồ Thị Kim Hằng, Khoa ung bướu Bệnh viện Nhi Đồng 2, những ngày bình thường toàn Khoa có khoảng 150 bé được điều trị ở đây. Ngoài những trường hợp đảm bảo sức khỏe và có thể về nhà một thời gian ngắn, thì hiện có khoảng 80 bé là phải ở lại Khoa để điều trị xuyên Tết, không thể về quê dịp này.