Cá chép, hoa cúng, vàng mã ảm đạm trong ngày đưa ông Táo về trời
(Dân trí) - So với mọi năm, sức tiêu thụ các mặt hàng đồ cúng trong ngày 23 Tết ở Cần Thơ khá trầm lắng, tiểu thương vẫn đông nhưng người đi chợ mua sắm giảm đi một nửa.
Sáng 23 tháng Chạp, ghi nhận tại chợ Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) không khí mua sắm kém sôi động dù còn khoảng một tuần nữa là đến năm mới Giáp Thìn 2024.
Tại các gian hàng, để tiết kiệm, người đi chợ dò giá nhiều chỗ, mặc cả rồi mới quyết định mua hàng.
Cá chép, hoa cúng, xôi chè và vàng mã là các mặt hàng đắt khách nhất trong ngày đưa ông Táo về trời cũng không hút khách như mọi năm. Giá cả nhóm mặt hàng này không tăng hoặc có tăng chỉ lên giá vài nghìn đồng/sản phẩm.
Anh Hoàng Thiện (40 tuổi, quê Hậu Giang) cho biết, nhiều năm buôn bán tại chợ Cái Răng, trước ngày đưa ông Táo về trời, anh đều nhập cá chép về bán cho người dân để thả theo tập tục. Cá chép được bán theo con hoặc đóng gói trong túi, giá 40.000 đồng/túi/3 con, cá chép lớn giá 100.000 đồng/kg.
"Năm nay bán chậm, từ Rằm đến giờ ế lắm nên tôi nhập ít đi phân nửa. Mua ở chợ đầu mối mười mấy kilogam nhưng sáng giờ chỉ mới bán được vài túi cá chép", anh Thiện nói.
Theo tiểu thương, thả cá chép dịp ngày 23 Tết là phong tục của người miền Bắc, trong miền Nam thường đốt cá chép bằng giấy vàng mã nên sức tiêu thụ mặt hàng cá chép sống không sôi động như các vùng miền khác.
Khu vực bán hoa tươi cúng Tết được đánh giá là "xôm tụ" nhất. Giá thành các mặt hàng này dao động từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng/bó. Dù cận Tết nhưng giá cả hoa cúng không tăng để giữ chân khách hàng.
Bà Lê Ngọc Lương, tiểu thương có thâm niên kinh doanh tại chợ Cái Răng hơn 50 năm cho biết, ngày 23 Tết người dân thường mua các loại hoa như vạn thọ, cúc, huệ...
"Mấy ngày trước chợ bán chậm lắm, khách vắng hoe. Đến bữa nay, ngày Tết ông Công, ông Táo chợ đông đúc hơn, mong rằng vài ngày tới khách đi chợ nhiều hơn để người bán hàng như chúng tôi có lợi nhuận, ăn cái Tết sung túc", bà Lương bày tỏ.
Chị Lê Thị Mai Châu, Trưởng ban Quản lý chợ Cái Răng cho biết, chợ có khoảng 500 tiểu thương, tuy thị trường ế ẩm nhưng tiểu thương vẫn không bỏ sạp. So với mọi năm, không khí mua sắm, người dân đi chợ trong ngày 23 Tết không náo nhiệt bằng, sức mua giảm phân nửa.
"Phần lớn tiểu thương đều than khó, người bán thì nhiều mà khách mua chẳng thấy. Với tình hình này ban quản lý chợ có phương án chậm thu tiền lô cho tiểu thương, có thể dời đến qua Tết mới thu phí", chị Châu nói.
Theo chị Châu, thường lệ, 28 Tết chợ sẽ có thêm các mặt hàng đặc trưng như hoa chậu các loại, dưa chưng... khi đó sức tiêu thụ mạnh hơn thời điểm này.
Người dân sửa soạn mâm cỗ cúng đưa ông Táo về trời. Tùy kinh tế mỗi gia đình, mâm cỗ miền Tây thường có chè trôi nước, bánh mứt, vàng mã cúng ông Táo...