Niềm vui vỡ òa của gia đình cháu bé bị câm điếc
(Dân trí) - "Bố mẹ câm điếc, Khang sinh ra cũng câm điếc. Tôi không nghĩ một ngày nào đó cháu có thể nghe và nói được. Các bác sĩ, các nhà hảo tâm, Báo Dân trí đã cho cháu một phép màu", bà nội bé Khang xúc động.
Sau gần một năm, chúng tôi trở lại gia đình bé Võ Minh Khang (SN 2020), ở xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh - nhân vật trong bài viết "Bố mẹ câm điếc cầu xin giúp đỡ con trai 1 tuổi được làm người bình thường". Cảm nhận đầu tiên là sự thay đổi rõ nét của bé. Khang nay nhanh nhẹn, năng động hơn bởi cháu bé đã có thể nghe được, nói được.
"Lúc hoàn cảnh của cháu được đăng trên Báo Dân trí, mỗi ngày có hàng chục bạn đọc, nhà hảo tâm gọi điện về động viên, chia sẻ với gia đình. Có người thì cho sữa, có người cho tiền. Tổng gia đình nhận số tiền gia đình nhận được từ Báo Dân trí và nhà hảo tâm ủng hộ trực tiếp là hơn 400 triệu đồng", bà Bùi Thị Tương (SN 1958), bà nội của cháu bé cho biết.
Xuân Quý Mão 2023 có lẽ là năm vui nhất, hạnh phúc nhất từ trước đến nay trong gia đình của bé Khang. Bởi ước mơ cho Khang có cơ hội được nghe, được nói là khát khao lớn nhất của bố mẹ, ông bà và những người thân nay đã thành hiện thực.
Nhờ số tiền các nhà hảo tâm, bạn đọc Báo Dân trí giúp đỡ, gia đình vay mượn thêm để có được hơn 700 triệu đồng. Tháng 7/2022 bé Khang được đưa ra Hà Nội để các bác sĩ phẫu thuật cấy ốc tai điện tử. Sau đó, bé Khang tiếp tục được cho theo một lớp học tập vật lý trị liệu, huấn luyện ngôn ngữ và tập nói để hòa nhập với cuộc sống.
"Sau 5 tháng, bé Khang đã bập bẹ nói những tiếng đầu tiên. Lúc cháu bập bẹ nói "ông ơi", tôi không tin nổi đó là sự thật. Dù đang phải tiếp tục tập nói, tập nghe, nhưng nó đã mở ra một tương lai mới cho cháu. Tôi hạnh phúc lắm", ông Võ Chí Thanh (ông nội của bé Khang), xúc động nói.
Vợ chồng anh Võ Quốc Hẹn (SN 1993) và chị Bùi Thị Mai (SN 1993), ở xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đều bị câm điếc bẩm sinh. Họ cưới nhau vào năm 2019 và một năm sau sinh được con trai là bé Võ Minh Khang.
Do cả 2 vợ chồng đều bị câm điếc bẩm sinh, nên khi chị Mai mang bầu rồi hạ sinh bé Khang, người thân, bạn bè ai cũng mừng. Bé Khang sinh ra không có biểu hiện gì khác thường. Thế nhưng, niềm vui ấy nhanh chóng bị dập tắt, khi bé Khang càng lớn thì người thân thấy có nhiều dấu hiện khác thường.
Lúc Khang được 4 tháng tuổi, các bác sĩ cho biết cháu bị điếc sâu. Các bác sĩ cũng cho biết bé Khang có cơ hội nghe được và nói được khi cấy ốc tai điện tử. Tuy nhiên, chi phí cấy ốc tai điện tử lên đến hơn 700 triệu đồng.
Do bị câm điếc, nên vợ chồng anh Hẹn cũng không có việc làm ổn định, ai thuê gì thì làm nấy. Bản thân anh cũng không được nhanh nhẹn, hoạt bát. Những khoản tiền làm công cũng chỉ đủ lo bữa cơm, bữa cháo qua ngày. Vậy nên số tiền hơn 700 triệu đồng để điều trị cho bé Khang là quá sức đối với họ.
"Bố mẹ câm điếc, Khang sinh ra cũng câm điếc. Tôi không nghĩ một ngày nào đó cháu có thể nghe và nói được. Các bác sĩ, các nhà hảo tâm, Báo Dân trí đã cho cháu một phép màu", bà nội bé Khang xúc động.
Ông Lê Sỹ Thái, Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện vui mừng cho biết, khi bé Khang được cấy ốc tai điện tử thành công, ai cũng vui mừng. Hoàn cảnh gia đình anh Hẹn rất khó khăn, địa phương cũng chỉ hỗ trợ được phần nhỏ, rất may có cộng đồng nhà hảo tâm, Báo Dân trí.
"Nếu không có các nhà hảo tâm, bạn đọc Báo Dân trí và sự giúp đỡ của các y bác sĩ thì "phép màu" sẽ không đến với bé Khang. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các nhà hảo tâm, bạn đọc và Báo Dân trí đã luôn đồng hành với những mảnh đời thiếu may mắn. Năm mới Quý Mão, tôi mong rằng Báo Dân trí tiếp tục là cầu nối hiệu quả giữa những mảnh đời thiếu may mắn với các mạnh thường quân", ông Lê Sỹ Thái nói.