1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số: 5397

Người phụ nữ khiếm thị mơ ước thoát cảnh 14 người chung 1 nhà vệ sinh

Thế Hưng

(Dân trí) - Chị Thu chạy thận đã 11 năm, 2 mắt hỏng hẳn, nhưng nỗi đau bệnh tật không khiến chị khổ tâm bằng những áp lực khi sống cảnh 14 người chen chúc trong ngôi nhà 30m2.

Sáng ngày 17/1, đại diện báo Dân trí đã đến thăm, trao bảng biểu trưng số tiền 114.448.951 đồng do bạn đọc và các nhà hảo tâm ủng hộ tới gia đình chị Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 1984, ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội).

Toàn bộ số tiền đã được báo Dân trí chuyển tới số tài khoản ngân hàng của chị Nguyễn Thị Hoài Thu.

Trân trọng đón nhận số tiền do bạn đọc giúp đỡ, gia đình chị Thu gửi lời cảm ơn chân thành tới các nhà hảo tâm và bạn đọc đã chung tay ủng hộ.

"Em xin chân thành cảm ơn các nhà hảo tâm, bạn đọc đã thương và ủng hộ, giúp đỡ gia đình em trong lúc khó khăn", chị Thu nói.

Người phụ nữ khiếm thị mơ ước thoát cảnh 14 người chung 1 nhà vệ sinh - 1

Đại diện báo Dân trí cùng lãnh đạo Hội người mù quận Ba Đình và đại diện tổ dân phố số 2 phường Đội Cấn trao biển biểu trưng số tiền bạn đọc ủng hộ tới gia đình chị Thu (Ảnh: Thế Hưng).

Chị Thu là nhân vật trong bài viết "Nước mắt người đàn bà khiếm thị trong ngôi nhà 14 người chung 1 chỗ vệ sinh", đăng trên báo Dân trí ngày 25/11/2024.

Theo đó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 1984), anh Nguyễn Văn Hiệu (SN 1981) và 2 con đang ở căn phòng chật chội, trong ngôi nhà chừng 30m2, nơi mà cả 4 gia đình 3 thế hệ gồm 14 người cùng sinh sống.

Từ năm 13 tuổi, chị Thu đã bị tiểu đường nên việc ăn uống, kiêng khem rất khổ sở. Khi mang bầu con thứ hai thì chị suy thận độ 2 và phải chuyển sang chạy thận từ cuối năm 2013. Hiện tại, 2 mắt của chị đã không nhìn thấy.

"Khi 1 mắt không nhìn thấy, em vẫn ổn, nhưng tới lúc cả 2 mắt không còn nhìn thấy gì nữa thì em thực sự sốc. Phải làm quen với bóng tối, hình ảnh chồng và các con, tất cả người thân cứ mờ dần, hàng ngày nghe nhưng không thấy được... Đó là một loại cảm giác đau lòng không sao tả nổi", giọng chị Thu nghẹn ngào, xót xa.

Ốm đau, bệnh tật là vậy nhưng điều khiến chị Nguyễn Thị Hoài Thu xót xa, ám ảnh, khủng khiếp nhất mỗi khi nhắc đến, đó là phải xếp hàng trong chính ngôi nhà mình để chờ đến lượt được đi vệ sinh. Chị nói, "nhiều khi nghĩ đến thấy rất trầm cảm. Trong nhà phát sinh những lục đục từ việc nhỏ nhặt như chuyện đi vệ sinh".

Theo bà Phạm Thị Nga (SN 1948, mẹ chồng chị Thu), ngôi nhà được xây từ năm 1990 nhưng chỉ cơi nới tạm bợ để ở do thiếu thốn về kinh tế. Vợ chồng bà ở góc nhỏ, ẩm thấp, tối tăm như chiếc hang, gần gầm cầu thang, mỗi lúc vào ra phải nghiêng người lách qua; lên một đoạn là 2 phòng của 2 người con trai lớn, mỗi phòng có 4 người ở. Vợ chồng Thu và 2 con sống ở phòng áp mái.

Cảnh đời éo le, mong ước mãnh liệt của chị Thu là có thể mua được một căn nhà ở xã hội.

"Tôi ước ao có thể được hỗ trợ để sớm mua được căn nhà ở xã hội. Nhà dù ở gần hay xa cũng được, miễn có môi trường tốt để vợ chồng nuôi dạy con tốt hơn. Ở đó, không phải sống cảnh chen chúc, 14 người xếp hàng chờ nhau đi vệ sinh, khổ cực trăm bề…", chị Thu nghẹn lời.

Bà Nguyễn Thị Kim Khanh, Chủ tịch Hội người mù quận Ba Đình trân trọng sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, bạn đọc Dân trí tới nữ hội viên có hoàn cảnh hết sức éo le. Đồng thời, bà Khanh cũng mong muốn các tổ chức, cá nhân giúp đỡ thêm cho gia đình chị Thu.

Ông Đỗ Mạnh Ràng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 phường Đội Cấn bày tỏ lòng cảm ơn tới bạn đọc và hy vọng, chị Thu sẽ được các tổ chức, cá nhân hảo tâm quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa.