Hồ sơ mã số 5397

25/11/2024

Nước mắt người đàn bà khiếm thị trong ngôi nhà 14 người chung 1 chỗ vệ sinh

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 1984, ở Ba Đình, Hà Nội) chạy thận hơn 11 năm, 2 mắt hỏng hẳn. Nay bệnh thêm trầm trọng, chị ước kéo dài sự sống chờ các con lớn thêm, ước có cái nhà vệ sinh cho đỡ khổ.

Giọt nước mắt người phụ nữ khiếm thị, trong ngôi nhà 3 thế hệ - 14 người, chung 1 nhà vệ sinh (Video: Mạnh Mường).

Người đàn bà khiếm thị vừa chạy thận, vừa chạy xe ôm, "đến khi 2 mắt không nhìn thấy nữa thì mới chịu"

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 1984), anh Nguyễn Văn Hiệu (SN 1981) và 2 con đang ở căn phòng chật chội, trong ngôi nhà chừng 30m2, nơi mà cả 4 gia đình - 3 thế hệ - 14 người cùng sinh sống, tại ngõ 34/79, phố Đội Cấn, Ba Đình.

Nếu không đến đây, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh này, chắc không thể tưởng tượng nổi những khó khăn, vất vả, cả những nỗi đau mà gia đình họ đang đối mặt.

Bà Ngô Thị Thành, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 2 (Đội Cấn, Ba Đình) vừa nói, vừa rơi nước mắt:

"Tôi làm việc ở đây rất lâu rồi, hoàn cảnh gia đình này khó khăn nhất tổ. Vợ ốm, quanh năm đi chạy thận, không làm được việc gì, mắt thì hỏng; chồng công việc bấp bênh; 2 cháu nhỏ đang đi học".

Ngồi trong căn phòng tối tăm, chật chội ở gác 3 được bố mẹ chồng chia cho, chị Thu dốc lòng kể nhiều chuyện xoay quanh cuộc sống, cả tình yêu đẹp với ông xã, những đau đớn, bất lực do bệnh tật gây ra và còn đó là cả những mong ước mỏi mòn…

Nước mắt người đàn bà khiếm thị trong ngôi nhà 14 người chung 1 chỗ vệ sinh - 1

Chị Thu ngồi trong căn phòng tối tăm, chật chội ở gác 3 (Ảnh: Mạnh Mường).

Chị Thu phải chạy thận từ 2013 đến nay. Bản thân bị hỏng 2 mắt, chị đang là hội viên Hội Người mù quận Ba Đình; anh Nguyễn Văn Hiệu làm thợ sửa điện nước, thu nhập không ổn định.

Chị Thu cho biết, từ năm 13 tuổi đã bị tiểu đường nên việc ăn uống, kiêng khem rất khổ sở. Khi mang bầu cháu thứ hai thì chị Thu suy thận độ 2. Sinh con xong, bác sĩ chuyển chị sang chạy thận luôn từ cuối năm 2013.

"Để đẻ được 2 bé thực sự rất vất vả. Thời điểm em sinh bé đầu tiên 2010 thì cả thận và mắt đều kém dần. Sau sinh 1 tháng thì tự nhiên bên trong mắt phải của em cứ thấy điểm đỏ (mặc dù bên ngoài không phát hiện ra), thời gian sau thì hóa đen luôn. Em đi khám, các bác sĩ có nói là em bị xuất huyết đáy mắt, khuyên em đi chữa laser hết mấy chục triệu.

Em mới đẻ xong, không việc làm, không lương, nhà em thực sự không đủ điều kiện đi khám, chữa. Lúc đấy, một bên mắt vẫn nhìn thấy nên em cứ để đấy thôi nhưng vài năm sau mắt mù hẳn. 5 năm trở lại đây thì nó lây sang mắt còn lại. Đi khám bác sĩ bảo bệnh y hệt…vì chạy thận rồi nên cũng không can thiệp được nữa…", chị Thu dốc lòng tâm sự.

Nước mắt người đàn bà khiếm thị trong ngôi nhà 14 người chung 1 chỗ vệ sinh - 2

Từ lúc mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe suy yếu rõ rệt, cân nặng chị Thu từ hơn 50kg, xuống còn 37kg (Ảnh: Mạnh Mường).

Cuộc sống khó khăn, bệnh tật triền miên, bên cạnh khoản trợ cấp eo hẹp, chị Thu đã cố xoay xở đủ cách để có thêm thu nhập. Chị lựa chọn chạy xe ôm công nghệ cho chủ động thời gian. Mỗi ngày chị dậy rất sớm để chuẩn bị cho các con đi học, sau đó tranh thủ chạy xe ôm, đầu giờ chiều nhanh chóng vào bệnh viện chạy thận.

Tuy nhiên, chạy xe không được bao lâu thì mắt còn lại của chị Thu mờ hẳn, không thể tự đi xe được nữa. Hiện tại, chị Thu phải nhờ người thân đưa đi chạy thận 3 lần/tuần.

Chị Thu đang sống dựa hoàn toàn vào tiền trợ cấp 1,3 triệu/tháng dành cho người khuyết tật đặc biệt nặng. Mọi chi phí sinh hoạt gia đình, cho con ăn học và cả tiền chạy thận cho vợ đều trông hết vào khoản thu nhập bấp bênh của anh Hiệu.

Nước mắt người đàn bà khiếm thị trong ngôi nhà 14 người chung 1 chỗ vệ sinh - 3

Chị Thu chạy thận hơn 11 năm, đã quá quen với bệnh viện (Ảnh: Mạnh Mường).

"Em chạy xe ôm công nghệ đến khi 2 mắt không nhìn thấy nữa thì mới chịu. Giờ em không làm được gì nữa, mỗi tháng riêng chạy thận đã hết gần 3 triệu rồi. Mọi chi tiêu trong nhà, tiền chữa bệnh cho em và tiền ăn học của 2 con đều phải trông hết vào lương của chồng thôi", chị Thu nặng nề chia sẻ.

Mong ước tối thiểu có nhà vệ sinh riêng, nghĩ nhiều đôi khi trầm cảm

Ốm đau, bệnh tật là vậy nhưng điều khiến chị Nguyễn Thị Hoài Thu xót xa, ám ảnh, khủng khiếp nhất mỗi khi nhắc đến, đó là phải xếp hàng trong chính ngôi nhà mình để chờ đến lượt được đi vệ sinh. Chị nói, "nhiều khi nghĩ đến thấy rất trầm cảm. Trong nhà phát sinh những lục đục từ việc nhỏ nhặt như chuyện đi vệ sinh".

Nước mắt người đàn bà khiếm thị trong ngôi nhà 14 người chung 1 chỗ vệ sinh - 4

Chị Thu cơ thể gầy gò, ốm yếu, tay nổi cục do quá trình chạy thận, lọc máu (Ảnh: Mạnh Mường).

Bà Phạm Thị Nga (SN 1948, mẹ chồng chị Thu) kể, vợ chồng bà tích cóp mãi, năm 1986 mua được chỗ này. 2 vợ chồng nhặt nhạnh dần, xin tôn, mua gạch vụn rồi ra tận Hồ Tây kéo từng xe đất, gom từng xe vôi…mãi đến năm 1990 mới xây nhà được căn nhà nhỏ. Nay con cái đều khó khăn, có mỗi cô con gái út theo chồng, còn 3 người con trai lập gia đình riêng vẫn ở đây cả.

Nhà rộng chừng 30m2, gia đình cơi nới dần để đủ cho 14 người cùng sinh sống. Vợ chồng bà Nga ở góc nhỏ, ẩm thấp, tối tăm như chiếc hang, gần gầm cầu thang, mỗi lúc vào ra phải nghiêng người lách qua; lên một đoạn là 2 phòng của 2 người con trai lớn của bà Nga, mỗi phòng có 4 người ở. Còn vợ chồng chị Thu và 2 con sống ở phòng áp mái.

Nước mắt người đàn bà khiếm thị trong ngôi nhà 14 người chung 1 chỗ vệ sinh - 5

Bà Nga chỉ cho phóng viên Dân trí từng căn phòng nhỏ, nơi các con, cháu bà sống chen chúc, chật chội (Ảnh: Mạnh Mường).

"Khi 1 mắt không nhìn thấy, em vẫn ổn, nhưng tới lúc cả 2 mắt không còn nhìn thấy gì nữa thì em thực sự sốc. Phải làm quen với bóng tối, hình ảnh chồng và các con, tất cả người thân cứ mờ dần, hàng ngày nghe nhưng không thấy được... Đó là một loại cảm giác đau lòng không sao tả nổi", giọng chị Thu nghẹn ngào, xót xa.

Niềm an ủi và là động lực lớn nhất để chị Thu cố gắng mỗi ngày đó chính là tình yêu thương, san sẻ của gia đình, chồng và các con. Chị kể về anh Hiệu với tâm thế đầy phấn khởi, tự hào: "Chồng em yêu thương vợ con, đi làm cả ngày rồi về nhà, hôm nào em khỏe thì vào bếp nấu nướng, còn không thì anh sẽ tự làm hết".

Khi anh Hiệu nói: "Công việc vất vả nhưng dù sao cũng là cuộc sống, em chỉ mong sức khỏe của vợ em ổn định thêm thời gian dài nữa để các con trưởng thành hơn" thì chị Thu ngồi kề bên mắt đã ngấn lệ.

Nước mắt người đàn bà khiếm thị trong ngôi nhà 14 người chung 1 chỗ vệ sinh - 6

Ông Nguyễn Văn Hưng (SN 1948, chồng bà Nga) biểu hiện chậm chạp, dù có ai vào ra cũng chẳng nói, chẳng rằng (Ảnh: Mạnh Mường).

Lời của người đàn bà khiếm thị, nghe sao xót xa: "Không ai mong muốn là mình không nhìn thấy, nhưng hoàn cảnh này thì phải chịu thôi. Em không mong cầu gì, chỉ cần hàng ngày còn thở, còn được nghe thấy tiếng chồng và các con".

Chị Thu nói, không hề lo lắng cho bản thân mà chỉ thấy thương chồng, con. Chị lo nhất khi 2 con còn quá nhỏ, phải dở dang học hành.

Theo chia sẻ của gia đình và chính quyền địa phương, dẫu hoàn cảnh khó khăn, điều kiện học tập hạn chế nhưng 2 con của chị Thu học rất tốt. Đặc biệt, cháu Nguyễn Thanh Trúc (lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Trãi) là học sinh xuất sắc nhiều năm liền. Năm học này, cháu đạt giải khuyến khích môn toán tại kỳ thi Olympic các môn văn hóa cấp THCS quận Ba Đình.

Nước mắt người đàn bà khiếm thị trong ngôi nhà 14 người chung 1 chỗ vệ sinh - 7

Bà Phạm Thị Nga (SN 1948) ngày ngày đi gom đồng nát, kiếm thêm tiền để nuôi chồng. Đồ đạc nhặt nhạnh mang về, bà để sát căn phòng nhỏ của chị Thu (Ảnh: Mạnh Mường).

"Nhờ mọi người, ban ngành, đoàn thể giúp cho con dâu tôi được chữa bệnh, cho các cháu được đi học. Nếu quá cùng, các cháu phải nghỉ học thì chúng tôi nhịn đói cho các cháu được tiếp tục học", lời bà Nga nói khiến những người có mặt không cầm được nước mắt.

Bà Nguyễn Thị Kim Khanh, Chủ tịch Hội người mù quận Ba Đình, Hà Nội: "Đây là hội viên có hoàn cảnh hết sức khó khăn của hội chúng tôi. Rất mong bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm giúp đỡ em Thu và các con của em Thu để các cháu được tiếp bước đến trường".

Bà Ngô Thị Thành, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 2 bày tỏ: "Chúng tôi ở đây, xuân thu nhị kỳ thăm hỏi được 200-300 nghìn đồng mang tính động viên thôi. Nếu được mọi người hỗ trợ, xây cho gia đình căn nhà tình nghĩa thì phúc đức quá…".

Nước mắt người đàn bà khiếm thị trong ngôi nhà 14 người chung 1 chỗ vệ sinh - 8

Bà Ngô Thị Thành, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 2 xúc động chia sẻ (Ảnh: Mạnh Mường).

Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu

Địa chỉ: Số 12, ngõ 34/79 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Số điện thoại: 0917223884

Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.

Cập nhật số tiền quyên góp MS 5397

Số liệu đang được cập nhập

Đang hoạt động

Thông tin quyên góp
Nhân ái

Đồng hành cùng hoàn cảnh

Báo Dân trí

Số tiền đã nhận được

-

Lượt quyên góp

-

Ủng hộ đồng bào vùng bão lũ

HỒ SƠ MÃ SỐ 240500: Ủng hộ đồng bào vùng bão lũ

Số tiền đã nhận được Dân trí tổng hợp và thống kê số liệu từ 01/01/2025.

-

Lượt quyên góp

-

* Dữ liệu đang được cập nhật

Đã dừng
Hoàn cảnh khác