Người dân vùng "rốn lũ" phấn khởi ngày khởi công "xóm nhà phao" cứu sinh
(Dân trí) - Công trình “Xóm nhà phao báo Dân trí” với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ của bạn đọc đã được khởi công dành tặng người dân vùng "rốn lũ", huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.
Ngày 21/11, báo Điện tử Dân trí phối hợp với chính quyền huyện Minh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình “Xóm nhà phao báo Dân trí” do bạn đọc, các nhà hảo tâm dành tặng 50 hộ nghèo và cận nghèo tại 2 xã Tân Hóa - Minh Hóa của vùng "rốn lũ", huyện Minh Hoá, Quảng Bình.
Theo nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Điện tử Dân trí, "nước lên thì nhà nổi", một nguyên lí tưởng chừng đơn giản đó của những ngôi nhà phao chống lũ vùng "rốn lũ" Quảng Bình, nhưng nó đã trở thành những chiếc phao cứu sinh cho hàng trăm sinh mạng người dân nơi đây.
Từ ý tưởng đó, công trình “Xóm nhà phao báo Dân trí” đã ra đời với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng, do bạn đọc báo Dân trí, các nhà hảo tâm chung tay đóng góp thông qua chương trình “Bạn đọc Dân trí chung tay ủng hộ miền Trung ruột thịt”. Công trình này gồm 50 căn nhà phao chống lũ, trong đó xã Minh Hóa 35 căn nhà và xã Tân Hóa 15 căn nhà.
Buổi Lễ khởi công có sự tham dự của Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Điện tử Dân trí. Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Bình có bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình; lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, lãnh đạo huyện Minh Hóa, lãnh đạo 2 xã Tân Hóa, Minh Hóa và đông đảo bà con nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Điện tử Dân trí đã bày tỏ sự sẻ chia với người dân và chính quyền các tỉnh miền Trung vừa trải qua những đợt "bão chồng bão, lũ chồng lũ", gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.
Nhằm thực hiện các hoạt động xã hội, báo Dân trí cũng đã huy động và nhận được sự tin yêu của bạn đọc, các nhà hảo tâm, qua đó quyên góp ủng hộ được 6 tỷ đồng để hỗ trợ người dân khắc phục mưa lũ, tái thiết cuộc sống.
Tại các tỉnh miền Trung như: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, báo Điện tử Dân trí đã thay mặt bạn đọc ủng hộ hàng trăm suất quà bằng tiền mặt, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng; Ngoài ra, ủng hộ bằng lương thực, thực phẩm như: gạo, nước mắm, muối, mì tôm...
Riêng tại Quảng Bình, bạn đọc Dân trí cũng đã dành tặng 300 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng để hỗ trợ "nóng" bà con vùng lũ. Tiếp đó, qua khảo sát tại 2 xã Tân Hóa và Minh Hóa, báo Dân trí đã quyết định trích 1,5 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ của bạn đọc để xây dựng nhà phao dành tặng bà con nơi đây.
Nhà báo Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, đến nay, Báo Dân trí đã xây dựng được gần 60 công trình phòng học và cầu Dân trí khắp cả nước. Đây là lần đầu tiên, báo Dân trí triển khai một công trình hướng tới cuộc sống nơi ở ổn định cho người dân.
“Xóm nhà phao là công trình thứ 4 mà bạn đọc báo Dân trí đã tài trợ xây dựng tại Quảng Bình và là công trình thứ 3 tại huyện Minh Hóa. Trước đó, bạn đọc, các đơn vị doanh nghiệp thông qua báo Dân trí cũng đã hỗ trợ xây dựng 1 cây cầu tại xã Trọng Hóa; 1 công trình phòng học tại điểm trường bản Sy, Trường Mầm non xã Trọng Hóa. Ngoài ra, báo Dân trí cũng đã phối hợp xây dựng một công trình "Phòng học Khuyến học và Dân trí" khác tại Trường Mầm non xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch”, nhà báo Phạm Tuấn Anh thông tin.
Về phía huyện Minh Hóa, ông Đinh Duy Luân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết, trong những năm qua, xã Tân Hóa và Minh Hóa cũng đã được các cấp, ban ngành quan tâm, tuy nhiên đến nay, tỷ lệ hộ nghèo tại 2 xã này vẫn còn cao, hơn nữa lại thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, lũ lụt. Theo ông Luân, món quà của bạn đọc báo Điện tử Dân Trí rất quý giá và có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân vùng “rốn lũ” của huyện Minh Hóa.
“Đây là một sự động viên rất kịp thời, rất ý nghĩa đối với đồng bào vùng lũ. Thay mặt chính quyền địa phương, cho phép tôi bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm của lãnh đạo báo Dân trí và bạn đọc của báo. Chúng tôi mong muốn và hy vọng tiếp tục nhận được những tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện về mọi mặt của báo Dân trí, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong thời gian tới, để huyện Minh Hóa nói chung và xã Tân Hóa, Minh Hóa nói riêng tiếp tục vươn lên, từng bước thoát nghèo”, ông Luân bày tỏ.
Nhân dịp lễ Khởi công xây dựng công trình “Xóm nhà phao Báo Dân trí”, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Điện tử Dân trí cũng đã dành tặng 30 suất quà cho 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Minh Hóa.
Ngay sau lễ khởi công, Nhà báo Phạm Tuấn Anh và bà Phạm Thị Hân cùng đoàn đại biểu cũng đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác triển khai xây dựng nhà phao dành tặng các hộ dân tại thôn 3, Kim Bảng, xã Minh Hóa.
Khác với vẻ thất thần, mệt mỏi những ngày lũ vừa rút, các hộ dân được tài trợ nhà phao tại thôn này đang hết sức phấn khởi, vui mừng khi niềm mơ ước bấy lâu nay của họ đã trở thành hiện thực.
Anh Trương Việt Hùng vui mừng chia sẻ: "Nhà phao là niềm mơ ước của gia đình tôi và bà con ở xã Minh Hóa bây lâu nay, nhờ sự giúp đỡ của bạn đọc báo Dân trí, các nhà hảo tâm mà bà con chúng tôi mới có được những căn nhà phao để đảm bảo tính mạng và tài sản khi có mưa lũ, không phải lo lắng chạy lũ như trước đây nữa".
Theo dự kiến, công trình “Xóm nhà phao báo Dân trí” sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 12/2020. Nhà phao sẽ có diện tích khoảng 15m2, có thể trú được cùng lúc 6 – 8 người cùng nhiều tài sản, vật nuôi khi có lũ, theo thiết kế của chính quyền địa phương và nguyện vọng của người dân.
Mái nhà và vách nhà phao làm bằng tôn lạnh, có cửa sổ để thoát hiểm và cột định hướng cao từ 6 - 8m được cố định với mặt đất. Khi lũ về, những căn nhà phao sẽ nổi lên trên mặt nước, khi lũ rút, nhà sẽ trở về vị trí ban đầu.
Tân Hóa và Minh Hóa là 2 xã nghèo của huyện Minh Hóa và là xã nằm trọn trong vùng “rốn lũ”. Bà con nơi đây thường xuyên phải trải qua những trận lũ kinh hoàng. Những mái nhà lại chìm nổi trong biển nước mênh mông, những cảnh người cheo leo nơi nóc tủ, cành cây... chờ cho tai ương trôi qua.
Trong trận lũ vào tháng 10 vừa qua, xã Tân Hóa và xã Minh Hóa ngập sâu từ 5 đến 8m, hàng trăm hộ dân tại 2 xã này, đặc biệt là tại xã Minh Hóa, nơi chưa có nhà phao, bà con nhân dân phải bỏ nhà chạy lũ, biết bao tài sản, vật nuôi bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ.
Cũng bởi lẽ đó, với vùng “rốn lũ” của huyện Minh Hóa, nhà phao từ lâu đã được xem là phao cứu sinh, người dân có thể trụ bám, an tâm sinh sống, chủ động ứng phó khi có lũ về.