1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

“Phủ kín” nhà phao cho người dân vùng rốn lũ

Tiến Thành

(Dân trí) - Trong trận lũ vừa qua, nhà phao tại Tân Hóa đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên địa phương này vẫn còn khoảng 50 hộ vùng ngập sâu chưa có nhà phao để thoát khỏi nỗi lo âu, thấp thỏm khi mưa lũ.

Từ những hiệu quả thấy rõ của nhà phao qua các trận lũ, chính quyền các cấp tại Quảng Bình cũng như người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa đang dần biến nhà phao trở thành căn nhà thứ 2 không thể thiếu của mỗi hộ gia đình.

Theo bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, nhà phao ở xã Tân Hóa là mô hình chống lũ hết sức hiệu quả, đảm bảo tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân. Họ không cần phải chạy lũ mà bình yên trong các căn nhà cứ nổi lên theo mức nước.

“Phủ kín” nhà phao cho người dân vùng rốn lũ - 1

Nhà phao giúp người dân Tân Hóa an toàn trong trận lũ lịch sử.

Trong những năm qua, với sự giúp đỡ của các ban, ngành, địa phương cũng như các đơn vị tài trợ, gần như các hộ dân vùng ngập sâu tại xã Tân Hóa đều đã có nhà phao để tránh lũ. Mới đây, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã xây dựng thêm 60 căn nhà phao cho người dân Tân Hóa.

Trao đổi với Dân trí, ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, tính đến nay xã Tân Hóa đã có gần 540 căn nhà phao, trong đó có rất nhiều nhà phao được chính quyền và các đơn vị tài trợ hoàn toàn hoặc hỗ trợ một nửa kinh phí xây dựng.

“Phủ kín” nhà phao cho người dân vùng rốn lũ - 2

Hiện Tân Hóa đang có khoảng 540 nhà phao.

Tuy nhiên Tân Hóa hiện còn khoảng 50 hộ dân vùng ngập sâu vẫn chưa có nhà phao; đang cấp thiết cần được hỗ trợ xây dựng để tránh lũ, bởi xã này nằm ở vùng trũng, lũ lụt liên miên.

Các cấp chính quyền tại Quảng Bình cũng sẽ tiếp tục vận động các đơn vị tài trợ để giúp những hộ dân này có được nhà phao với mục tiêu “phủ” nhà phao cho vùng “rốn lũ”. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng nghiên cứu các giải pháp, trong đó có việc nhân rộng mô hình nhà phao cho các địa phương phù hợp, giúp người dân được an toàn mỗi khi lũ về.

“Phủ kín” nhà phao cho người dân vùng rốn lũ - 3

Nhà phao là nơi cư trú cho cả gia đình từ 8 đến 10 người và còn chứa thêm được các vật dụng thiết yếu và các tài sản quý như tivi, xe máy, lương thực...

Trong những ngày qua, mưa lũ đã nhấn chìm cả trăm ngàn căn nhà tại Quảng Bình, đặc biệt tại huyện Lệ Thủy, lũ đã vượt mốc lịch sử năm 1979. Khắp các vùng quê, nước ngập đến mái nhà, người dân đã phải dỡ mái ngói chui ra ngoài gọi cứu trợ. Lực lượng chức năng và nhiều người dân có thuyền, bè tại Quảng Bình đã nỗ lực di dời hàng chục ngàn hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Thế nhưng điều đó hiện không xảy ra tại vùng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Mặc dù trận lũ những ngày qua đã vượt mốc lũ lịch sử năm 2010 tại địa phương này, hàng trăm căn nhà ngập sâu, thậm chí chìm hẳn trong nước, thế nhưng bà con nơi đây không phải di dời nhờ vào những căn nhà phao chống lũ.

“Phủ kín” nhà phao cho người dân vùng rốn lũ - 4

Những căn nhà nổi đều có cột định vị, nước lên nhà lên, khi lũ rút nhà lại về vị trí cũ. 

Quay trở lại với câu chuyện tránh lũ của người dân xã Tân Hóa, địa phương này  được ví như một "túi đựng nước" khổng lồ, do địa hình ở đây trũng thấp, vây quanh là những dãy núi cao.

Chính vì vậy, trong những ngày mưa liên tục, với lượng mưa lớn, nước ở đây cứ dâng cao khiến cho các nhà dân đều bị ngập sâu. Đã có nhiều giải pháp đưa ra để giải quyết tình trạng ngập sâu ở Tân Hoá, trong đó các nhà khoa học, chính quyền đã nghĩ đến phương án nổ mìn, phá hang để tạo lối thoát nước cho xã Tân Hoá. Tuy nhiên các phương án đều không khả thi.

“Phủ kín” nhà phao cho người dân vùng rốn lũ - 5

Lũ rút, người dân Tân Hóa lại dọn dẹp đồ đạc chuyển từ nhà phao về nhà chính.

Từ những kinh nghiệm đúc kết, từ trước năm 2010, người dân Tân Hóa đã dùng bè để chống chọi lũ nhưng chỉ làm thô sơ, nhưng cũng từ đó xuất hiện nhiều ý kiến nên làm nhà phao chống lũ tại Tân Hóa.

Anh Thái Xuân Lực là người đầu tiên ở xã Tân Hóa làm được nhà phao. Anh cho biết thời điểm vợ chồng anh quyết định làm nhà phao, nhiều người lo không an toàn, gia đình còn can ngăn vì sợ tốn kém mà không hiệu quả.

“Phủ kín” nhà phao cho người dân vùng rốn lũ - 6

Tân Hóa sau cơn lũ, hiện có rất nhiều đoàn thiện nguyện cũng đã đến để hỗ trợ bà con nơi đây

Tuy nhiên căn nhà chống lũ kiêm tạp hóa của vợ chồng anh thực sự phát huy hiệu quả trong trận lũ năm 2011. Xuất phát từ căn nhà của anh Lực, nhiều người dân tại Tân Hóa cũng đã làm nhà phao, tùy theo khả năng và nhu cầu của các gia đình để không còn phải chạy lũ. Thế nhưng những nhà phao tự phát này vẫn chưa có các yếu tố để đảm bảo an toàn.

Trước nhu cầu bức thiết, vào năm 2014, dự án Nhà chống lũ Việt Nam đã bắt tay vào thiết kế nhà chống lũ cho người dân. Những thiết kế này đều đặt tiêu chí dễ làm và an toàn nhất.

Từ đó đến nay, các nhà phao chống lũ của người dân Tân Hóa đều được thống nhất thực hiện theo mô hình thiết kế chung của dự án Nhà chống lũ Việt Nam và ngày càng hoàn thiện hơn.

“Phủ kín” nhà phao cho người dân vùng rốn lũ - 7

Ở Tân Hóa, hiện còn khoảng 50 hộ dân vùng ngập sâu vẫn chưa có nhà phao chống lũ.

Nhà phao có diện tích khoảng 20m2, với 20 thùng phuy dưới đáy nhà, có thể ở được 8 người. Mái nhà và vách tường được thiết kế bằng tôn lạnh, nhà có cửa sổ để thoát hiểm, cột định hướng cao từ 6-8m được cố định với mặt đất. Khi lũ lên, nhà phao sẽ nổi lên theo cột định hướng, khi lũ rút, nhà sẽ trở về vị trí ban đầu.

Từ hiệu quả của nhà phao đang được triển khai tại xã Tân Hoá, mô hình này cũng đang được nhiều địa phương khác nghiên cứu làm theo.

Với vùng “rốn lũ” Tân Hóa, nhà chống lũ được xem là phao cứu sinh, người dân có thể an tâm sinh sống, chủ động ứng phó khi có lũ về; nhưng vẫn còn đó nhiều hộ dân vì điều kiện khó khăn chưa thể làm nhà phao để thoát khỏi nỗi lo âu, thấp thỏm khi có mùa lũ về.