Xin việc ở tuổi ngoài 30
Thấy một bài đăng tuyển dụng trên LinkedIn vị trí "sáng tạo nội dung" cho một công ty tại TPHCM, tôi nhắn tin hỏi kỹ hơn về công việc. Nội dung trao đổi suôn sẻ cho đến khi bạn nhân viên tuyển dụng hỏi "cho em hỏi năm nay anh bao tuổi ạ?". Khi tôi nói mình 31, bạn ngập ngừng một lúc rồi nhắn, "xin lỗi anh vị trí này bọn em chỉ tuyển người dưới 30 tuổi".
Ngoài 30 chưa được tính là trung niên tại Việt Nam, nhưng đây không phải lần đầu tôi gặp trải nghiệm như vậy. Nhiều vị trí công việc ghi rõ ràng không tuyển dụng người trên 30 tuổi, mặc dù những nội dung công việc miêu tả đều nằm trong khả năng của những người ngoài 30.
Chỉ cần trò chuyện với những người đồng nghiệp làm ngành nhân sự, tôi cũng biết lý do đằng sau giới hạn đó: "Người hơn 30 tuổi đôi khi "khó bảo" hơn, làm việc với họ "khó lắm"; hoặc là "tầm tuổi đó nhu cầu họ cao, đi làm chủ yếu vì lương, vài hôm thấy chỗ khác lương cao là lại nhảy đi ngay, đâu có giữ chân được như bọn trẻ".
Nhiều người bạn cũng nói thẳng, tuyển người lớn tuổi cái gì họ cũng "nhạy" hơn, nhiều khi không "xập xí xập ngầu" quyền lợi được, chứ người trẻ tuổi hay sinh viên mới ra trường, đôi khi chỉ cần "có cơ hội học hỏi" là đủ.
Ngoài ra, nếu tuổi đã ngoài 30 nhưng vẫn đi ứng tuyển các vị trí nhân viên, chuyên viên, đồng nghĩa với việc năng lực của ứng viên "có vấn đề" - đây cũng là một định kiến thường gặp khi nhiều công ty không tuyển dụng các vị trí chuyên viên trên 30 tuổi, đặc biệt trong các ngành cần sự trẻ trung, sáng tạo cao như ngành truyền thông, quảng cáo.
Những người ngoài 30 và được coi là lực lượng "lao động trí thức" như chúng tôi đã gặp khó khăn như vậy, thử tưởng tượng cuộc sống của các anh chị ngoài 40, 50 với các công việc phổ thông hơn sẽ khó khăn đến nhường nào. Nhiều người khi còn trẻ sẵn sàng thay đổi môi trường làm việc để trải nghiệm nhưng khi bước qua tuổi ngoài 30, xu hướng này có phần chững lại, bạn bè tôi bắt đầu cố gắng "ổn định" hơn vì hiểu rằng, thất nghiệp trong độ tuổi từ khoảng 35 - 40 tuổi dễ rơi vào cảnh "tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết".
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng người trong độ tuổi lao động thất nghiệp năm 2023 rơi vào khoảng hơn một triệu người, trong đó số lượng người lao động bị sa thải trong nhóm lao động trung niên tăng mạnh, gấp 1,6 lần so với năm 2021. Tỷ lệ người lao động trên 40 tuổi thất nghiệp ở TPHCM chiếm gần 30%.
Những định kiến với lao động cao tuổi tồn tại ở nhiều quốc gia, chủ yếu vì quan điểm người già hết khả năng làm việc. Nếu như cách đây chỉ vài thập kỷ, nhiều người vẫn sống với tư tưởng làm đến khi nghỉ hưu thì sống với lương hưu hoặc con cái nuôi thì giờ đây mọi thứ đã thay đổi. Tỷ lệ nghèo đói ở nhóm người cao tuổi tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế.
Theo số liệu vào năm 2021, chưa đến 50% người cao tuổi Việt Nam có lương hưu trong khi tỷ lệ người cao tuổi tham gia trong lực lượng lao động vẫn còn thấp. Trong khi đó tại Mỹ, cứ 4 người trong lực lượng lao động lại có một người ở độ tuổi 55 trở lên. Thời gian sống ở Mỹ, tôi gặp rất nhiều người cao tuổi trong các công việc khác nhau: Nhân viên nhà ăn trong trường học, nhân viên thu ngân siêu thị, nhân viên nhà hàng, quán đồ ăn nhanh, tiếp viên hàng không….
Dù những định kiến với người cao tuổi vẫn tồn tại, các nước phương Tây cũng cởi mở và có những chính sách phù hợp để hỗ trợ họ trong câu chuyện việc làm - ví dụ như chính sách cấm giới hạn tuổi tác tại Mỹ. Nới lỏng những tiêu chuẩn về tuổi tác trong thị trường lao động cũng phần nào cũng mở ra cơ hội giáo dục cho nhiều người ngoài 30, 40 khi họ sẵn sàng trở lại trường học.
Ở Việt Nam, khi tôi đi học Thạc sĩ ở tuổi 29, không ít bạn bè băn khoăn với câu hỏi, liệu đi học trễ vậy có sợ khó tìm việc làm hay không?
Khi độ tuổi lao động ngày càng được nới rộng, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cũng cao hơn, 30 tuổi đồng nghĩa mới gia nhập thị trường lao động gần 10 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học. Tôi không hiểu tại sao lại sợ "trễ" khi ít nhất còn những 20 năm với việc đi làm? Tôi thấy đây như một "nghịch lý" trong văn hóa tuyển dụng tại Việt Nam. Nhiều nhà tuyển dụng chê ứng viên đã lớn tuổi, không chịu học hỏi nhưng nếu ứng viên dành ra khoảng vài năm cho việc đi học thêm, họ lại sợ bị chê "già" không được tuyển dụng. Điều này không hiếm; trong các nhóm tìm việc trên Facebook, tôi hay đọc được những bài đăng như, "em 30 tuổi, mới đi học thạc sĩ về, liệu giờ có già quá để xin vào vị trí ABC ở Việt Nam không ạ?".
Đánh giá lao động trung niên với những cụm từ như "cái tôi lớn, không chịu thay đổi, bảo thủ, không sẵn sàng học hỏi, hay tự ái…" cũng giống như đánh giá lao động gen Z (thế hệ sinh từ năm 1995 đến 2012) "đòi hỏi nhiều, không chịu lắng nghe, luôn cho mình là đúng, mơ mộng và thiếu thực tế, thiếu kinh nghiệm…" Rõ ràng trong cả một nhóm lao động vài triệu người, những đặc điểm chung chung như vậy không thể đại diện cho cộng đồng. Áp lực với người ở độ tuổi trung niên đi xin việc đôi khi không đến từ việc thiếu năng lực mà ngay từ đầu, họ đã không qua được những định kiến áp đặt lên tuổi tác.
Giải pháp cho vấn đề trên tất nhiên không thể gói gọn trong một bài báo, vì đây là vấn đề liên quan đến chính sách tuyển dụng, cơ cấu lao động, giải pháp việc làm trong thời buổi công nghệ phát triển nhanh chóng.
Tôi đồng ý rằng người lao động cần phải thay đổi, không ngừng phát triển và học tập để bắt kịp với thị trường, nhưng về phía cơ quan quản lý và đơn vị tuyển dụng cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tạo điều kiện để người lao động, nhất là lao động phổ thông có cơ hội được học nghề, hỗ trợ việc làm.
Cơ cấu dân số ở Việt Nam được coi là trẻ nhưng đang có xu hướng già hóa nhanh, vì vậy doanh nghiệp cần thay đổi định kiến với lao động lớn tuổi. Nhìn vào tương lai không xa, khi lực lượng lao động trẻ ít hơn so với người ở độ tuổi trung niên, tuyển dụng lao động trẻ sẽ không còn dễ dàng như bây giờ.
Nhiều quốc gia trong khu vực đang nới lỏng chính sách với lao động trung niên và người cao tuổi trước áp lực già hóa dân số. Trong năm 2020, số lượng các công ty thay đổi quy định theo hướng cho phép tuyển dụng người trên 70 tuổi ở Nhật đạt 50.000 công ty, giúp tăng số người lao động cao tuổi tại nước này.
Áp lực xin việc tuổi trung niên là một điều không thể phủ nhận, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang khó khăn. Tuy nhiên, khi xu hướng già hóa dân số là không thể đảo ngược, thì đã đến lúc chúng ta bắt tay vào việc thiết kế hành lang pháp lý cũng như chuẩn bị tâm lý xã hội phù hợp cho lao động nhiều tuổi và cao tuổi.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!