Tâm điểm
Nguyễn Quốc Việt

Từ chuyện biển báo tốc độ tối đa

Tài xế ở nước ta được xem là một nghề chịu nhiều áp lực, có lẽ không chỉ vì nguy cơ tai nạn giao thông mà còn vì phải nhớ rất nhiều quy định khi lưu thông trên đường, trong đó có quy định về mức tốc độ tối đa.

Ví dụ bạn đi qua một đoạn đường có biển báo "Bắt đầu khu đông dân cư" (hình vẽ một số tòa nhà trên nền xanh) thì tốc độ tối đa là 60km/h, và dĩ nhiên bạn cũng phải quan sát xem lúc nào có biển báo "Hết khu đông dân cư" để được tăng tốc (cùng hình vẽ và có gạch chéo màu đỏ).

Theo quy định hiện hành, việc xác định tốc độ tối đa dựa trên tính chất của đoạn đường, bao gồm đoạn đường đó ở trong hay ngoài khu vực đông dân cư, đường đôi hay đường hai chiều, có một hay hai làn xe cơ giới trở lên, có phải đường cao tốc hay không. Việc đặt biển báo hạn chế tốc độ sẽ chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc thù, như áp dụng riêng cho một khoảng thời gian, một loại phương tiện, hay trường hợp khác với các mức đã quy định.

Từ chuyện biển báo tốc độ tối đa - 1

Biển báo tốc độ trên cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (Ảnh: Thái Bá).

Góp ý dự thảo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, Liên đoàn Thương mại công nghiệp VN (VCCI) dẫn phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng cách tiếp cận nêu trên gây bối rối cho người lái xe.

Cụ thể, thay vì chỉ cần theo dõi biển báo hạn chế tốc độ (màu đỏ trắng, dễ nhìn), người lái buộc phải theo dõi thêm biển báo khu đông dân cư (màu xanh trắng, khó nhận biết hơn), và theo dõi xem đó là đường một chiều, hay hai chiều, có mấy làn xe. Thêm vào đó, người lái xe buộc phải học thuộc lòng các mức tốc độ tối đa được quy định trong Thông tư này, và phải chú ý theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng khi mức tốc độ tối đa trong Thông tư này được sửa đổi.

Trong các hoàn cảnh lái xe đường dài, việc theo dõi và ghi nhớ quá nhiều thông tin như vậy, cùng với nỗi lo bị xử phạt khi nhầm lẫn, đã gây căng thẳng, mệt mỏi cho tài xế. Điều này làm giảm năng suất lao động và tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Do đó, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi cách tiếp cận về việc áp dụng tốc độ tối đa. Thay vì chỉ đặt biển báo trong các trường hợp đặc thù, cần coi việc đặt biển báo là bắt buộc đối với tất cả các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ. Như vậy, các lái xe trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chỉ cần chú ý quan sát biển báo tốc độ là có thể yên tâm giảm nguy cơ vô ý vi phạm.

Từ đề nghị của VCCI, nhìn rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau, các hướng dẫn cụ thể tại nơi công sở, công cộng của chúng ta còn quá thiếu thốn, sơ sài. Nếu như lái xe là những người ít nhất phải có những năng lực nhận thức và đánh giá thông tin ở mức trung bình khá trở lên (thì mới có thể được cấp bằng lái và lưu hành phương tiện giao thông), thì xã hội cũng còn nhiều đối tượng không thể tự lái xe, hoặc không muốn lái xe riêng mà sử dụng phương tiện công cộng, và nếu chúng ta quan sát sẽ dễ dàng thấy tình trạng thiếu vắng chỉ dẫn gây rất nhiều bối rối và phiền toái.

Chẳng hạn, các chỉ dẫn di chuyển, xếp hàng ở nơi công cộng như lên xuống cầu thang, tàu xe, hầu như không có, hoặc nếu có thì biển báo không rõ ràng. Dường như thực tế này đã góp phần khiến nhiều người Việt không có thói quen xếp hàng, thích chen lấn xô đẩy ở nơi công cộng, lừng khừng chiếm dụng, cản đường người khác khi tham gia giao thông, kể cả đi bộ, đi thang máy?

Gần đây, tôi thấy tình trạng trên được cải thiện đáng kể với hệ thống biển báo, hướng dẫn khá chi tiết ở các ga tàu điện trên cao mới đi vào vận hành, và hệ thống xe buýt điện của Vinbus.

Trong đời sống đô thị, những chỉ dẫn và cảnh báo càng cần thiết khi có những thay đổi nào đó từ phía nhà quản lý mà các đối tượng tham gia cần phải được thông tin kịp thời. Một trường hợp cụ thể là đợt tháng 7 vừa rồi có việc đổi tuyến và gộp tuyến xe buýt công cộng ở Hà Nội, tuy nhiên tôi thấy chỉ hệ thống Vinbus có thông báo lặp đi lặp lại hàng ngày trong vòng hơn một tháng trước khi tiến hành đổi tuyến, trong khi hầu hết các tuyến xe buýt công cộng khác mặc nhiên khách hàng phải biết (thông qua việc lên mạng xem thông báo?).

Nếu có điều kiện so sánh khi tham gia các loại hình phương tiện công cộng ở một số quốc gia ngay trong khu vực, ví dụ như Singapore, chúng ta thấy ngay sự khác biệt của hệ thống các chỉ dẫn thông tin trên các phương tiện công cộng lẫn tại các bến tàu, xe. Các chỉ dẫn bằng bảng biểu, ký hiệu, lời nói rất đầy đủ, liên tục và rõ ràng.

Trong bối cảnh xã hội càng ngày càng già hóa, tỷ lệ người cao tuổi với nhận thức lẫn phản ứng hành vi chậm chạp, thì các chỉ dẫn, biển báo, hướng dẫn trực tiếp bằng lời nói lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Ví dụ khác là các chỉ dẫn công vụ và hướng dẫn của cán bộ tại nhiều công sở dành cho đối tượng chịu tác động là người dân đến liên hệ, làm việc, lấy thông tin thường hời hợt, thiếu rõ ràng cho dù đó chỉ là những thông tin ở mức cơ bản. Chẳng hạn như các bản quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các cấp chính quyền và trên website, không dễ dàng để tiếp cận và nếu có tiếp cận được thì nhiều khi đó là những thông tin mang tính "đánh đố", người dân nhìn vào không thể biết nhà mình có nằm trong quy hoạch hay không?

Từ một vài ví dụ trên, tôi muốn bàn rộng hơn là cách thức quản lý, điều chỉnh hành vi con người và tạo lập trật tự xã hội thông qua ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam.

Thông thường ở Việt Nam để điều chỉnh hành vi các chủ thể, bước đầu tiên trong quy trình là ban hành văn bản Luật, sau đó theo thời gian sẽ có rất nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn, rồi các thông báo, kết luận… dù không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại có hiệu lực chỉ đạo, điều hành. Tóm lại là rất nhiều văn bản và mỗi văn bản lại có nhiều trang chữ phức tạp không thể đếm xuể, ngay người trong bộ ngành cũng khó mà biết hết tên các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Về phía đối tượng chịu sự điều chỉnh thì mặc định là phải biết và thực hiện theo đúng tất cả các văn bản đó.

Tất nhiên chúng ta có thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhưng khó mà nói công tác này đã đáp ứng tốt yêu cầu đề ra. Trong khi đó, thể chế hay pháp luật theo nghĩa hẹp của nó, phải đi được đến hành vi của con người trong từng hoàn cảnh, thông qua các chỉ dẫn và hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng.

Rõ ràng từ những việc cụ thể như cắm biển tốc độ tối đa trên các tuyến đường, hướng dẫn hành vi nơi công cộng, công khai thông tin quy hoạch đất đai…, cho đến rộng lớn hơn là phổ biến pháp luật, thì công tác chỉ báo hướng dẫn tuân thủ cần được coi trọng hơn. Làm sao để người dân có thể nhận biết nhanh nhất, thuận tiện nhất những thông tin cần thiết với họ, để họ làm đúng, giảm nguy cơ vô ý vi phạm (các trường hợp cố ý thì tất nhiên phải xử lý theo quy định).  

Việc có những thông tin chỉ dẫn thực thi pháp luật/văn bản dưới luật một cách chi tiết, rõ ràng và cụ thể, giúp người dân bình thường, kể cả người nước ngoài đến du lịch, tham quan và làm việc tại Việt Nam có thể nắm bắt nhanh chóng, chính xác cách thức hành xử đúng pháp luật, xây dựng thói quen và tạo dựng trật tự công cộng dựa trên mong muốn của nhà làm chính sách và pháp luật.

Hơn nữa, công tác chỉ dẫn, hướng dẫn tốt hơn sẽ góp phần công khai, minh bạch quá trình thực thi pháp luật và giảm thiểu những hành vi nhũng nhiễu do tình trạng bất đối xứng thông tin, tạo thói quen hành xử đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Tác giả: TS Nguyễn Quốc Việt là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR - trực thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!