Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Thước đo chồng ngoan

Câu chuyện người chồng có mức lương hơn 40 triệu đồng phải xin vợ 200.000 đồng đi uống bia đang ầm ĩ trên mạng xã hội. Nó không còn là "buôn chuyện nhà người ta" nữa mà đã tái khởi động lại cuộc tranh cãi đã rất lâu nay rồi: Vợ giữ tiền - chồng hạnh phúc hay "Tiền ai nấy tiêu - độc lập tự do là hạnh phúc".

Quản lý tài chính trong hôn nhân luôn là câu chuyện đau đầu, nhiều lời khuyên và cả rất nhiều… đổ vỡ. Nhưng với cá nhân tôi, người vẫn đang hoạt động trong vai trò thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam thì nó lại là một ví dụ nữa cho những định kiến xã hội về giới.

Năm trước, tôi là đại sứ của chiến dịch Thanh Niên Chuẩn- Nói Không Với Định Kiến Giới, chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai. Chiến dịch chia làm 4 giai đoạn và một trong số đó là "chia sẻ trách nhiệm tài chính trong gia đình".

Thước đo chồng ngoan - 1

Sau khi nhận lương, chồng chuyển khoản các khoản tiết kiệm, tiền nhà, tiền dịch vụ, cho vợ (Ảnh: M. N)

Ở giai đoạn đó, hàng chục câu chuyện đã được chia sẻ về áp lực tài chính đè nặng lên vai trò nam giới. Những định kiến giới về việc đàn ông xây nhà - đàn bà xây tổ ấm được hiểu như trách nhiệm kiếm tiền (xây nhà) là của đàn ông. Định kiến giới ấy khiến nam giới từ khi là một cậu bé đã được người lớn chúc "học thật giỏi sau này kiếm thật nhiều tiền nuôi vợ". Rằng "đàn ông con trai mà không nuôi được vợ là vứt". Thước đo làm chồng được đo bằng số tiền nam giới kiếm được.

Cực đoan hơn, có những câu chuyện người đàn ông lui về hậu phương, lo chuyện con cái, bếp núc sẽ bị coi là làm chồng thất bại. Chưa kể trên mạng xã hội, phụ nữ đua nhau khoe tiếng "ting ting" của chồng chuyển khoản tặng vợ khiến nhiều phụ nữ lại quay ra nhìn chồng mình và… thở dài. Ám ảnh của việc đàn ông phải kiếm được nhiều tiền thì mới được phụ nữ trân trọng khiến chúng ta nghĩ lệch lạc về chính những người phụ nữ. Coi mọi phụ nữ là những kẻ hám tiền và mọi đàn ông phải trở thành "cây ATM" của vợ.

Trở lại câu chuyện tin nhắn giữa người chồng báo lương (đã được tự động chuyển vào tài khoản của vợ) và xin 200.000 đồng uống bia, người vợ vui vẻ chấp nhận và còn khen chồng ngoan.

Câu chuyện trở nên hot hơn bao giờ hết là bởi nó cũng đang là thực trạng ở nhiều gia đình Việt. Khi mà nhiều người vợ cho rằng việc nắm giữ toàn bộ tài chính của chồng là cách… giữ gìn hạnh phúc hôn nhân. Bởi cũng từ những triết lý đầy rẫy trên mạng: Đo chung thủy của người phụ nữ khi đang nghèo và đo chung thủy của người đàn ông khi anh ta có tiền. Rằng để chồng giữ tiền là người vợ mất quyền. Rằng đàn ông có tiền trong tay dễ hư hỏng hơn đàn ông đưa hết tiền cho vợ. Nên nhiều người phụ nữ ngay từ những ngày còn yêu nhau đã ham muốn thâu tóm hết tài chính của người mà họ muốn cưới làm chồng. Thậm chí nó bị biến thành điều kiện bắt buộc để tiến tới hôn nhân, hai người về chung nhà. Điều kiện của một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Nó còn được dùng để phân biệt giữa hai người đàn ông: Đàn ông tử tế và đàn ông gia trưởng. Theo đó, đàn ông tử tế, yêu vợ, thương con, biết nghĩ đến gia đình thì biết điều đưa hết tiền cho vợ đi. Còn thứ đàn ông bo bo giữ tiền, không đưa hết tiền cho vợ đều là đàn ông gia trưởng. Suy nghĩ phiến diện và cực đoan đó hiển hiện trong hầu hết các lời bình luận trên mạng. Với những người phụ nữ đang đấu tranh cho nữ quyền (một cách cực đoan) thì ai nắm tài chính, người đó có quyền. Giống như người vợ trong tin nhắn kia. Nên nhiều phụ nữ thích thú khi chia sẻ tin nhắn đó trên trang cá nhân của mình. Như một khẳng định thời của nữ quyền là phải vậy.

Nếu một cuộc hôn nhân chỉ có thể hạnh phúc bằng việc phụ nữ nắm giữ tài chính trong nhà thì cuộc hôn nhân đó cũng sẽ bất hạnh khi tài chính của người đàn ông bê bết vậy. Bởi chức năng làm chồng của anh ta được đo bằng giá trị tài chính anh ta kiếm ra. Anh ta chỉ có thể trở thành chồng ngoan khi kiếm ra nhiều tiền và biết xin phép vợ. Nó thật giống như phụ nữ thành công thế nào ngoài kia cũng là phụ nữ thất bại nếu như cô ấy để chồng ra ngoài với chiếc áo nhàu nhĩ, bếp nhà tắt ngóm hay con hư tại mẹ vậy. Những định kiến xã hội về giới tính vì thế mà thành áp lực đè nặng lên mỗi người chúng ta. Rằng đàn ông phải thế này hay phụ nữ phải thế kia. Tệ hơn, nếu đàn ông không thế này thì là… đàn bà và phụ nữ không thế nọ thì chẳng phải là phụ nữ. Chúng ta khổ vì những định kiến và làm người khác khổ vì những phán xét vậy.

Câu chuyện tin nhắn kia để lại trong bạn suy nghĩ gì? Về bình đẳng giới trong hôn nhân và về quan điểm hạnh phúc trong việc phân chia quản lý tài chính trong nhà? Tiền bạc có thể xé toạc một cuộc hôn nhân nếu như nó được coi là thước đo chồng ngoan hay dùng để khẳng định uy quyền của mỗi người. Vì xét cho cùng, hôn nhân là việc cả 2 người phải được bình đẳng và nhận được sự tôn trọng từ bạn đời chứ không thể là ai có quyền hơn ai hay ai phải chạy theo những thước đo lệch lạc nào đó.

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!