Tâm điểm
Minh Tâm

Quyền tự quyết sinh con

"Nếu sau này chú có chuyện gì thì con trai anh sẽ phải vào lo cho chú chứ" - từ phòng ngủ, tôi nghe anh của chồng nói với ba tụi nhỏ trong cuộc điện thoại mở loa ngoài ở phòng khách.

Tôi năm nay 40 tuổi, có hai cô con gái hơn 10 tuổi và gần 5 tuổi. Nhà chồng tôi có ba anh em trai, đều đã lập gia đình và chúng tôi là cặp duy nhất sinh con một bề là gái. Trước cuộc điện thoại này, tôi biết người quê mình thích có con trai nối dõi tông đường, nhưng chưa từng nghĩ con gái của mình lại có ngày bị đánh giá không có vai trò như vậy với ba của chúng.

Thực ra, sau khi sinh bạn thứ nhất đầy khó khăn, chồng công tác xa nhà, điều kiện kinh tế hạn chế, tôi từng có ý định dừng lại. Nhưng rồi, thấy con gái cứ lủi thủi chơi một mình, lại rất hiểu cái cảnh con một là như thế nào nên tôi… ráng sinh tiếp. Lúc đó, tôi nhớ có nhiều bạn bè chúc mừng, khen tôi "dũng cảm", "chịu đẻ"…, riêng chị bạn lớn thân thiết lại thở dài ái ngại, nói lo tôi sẽ càng vất vả, nhất là khi kinh tế không dư dả. Chị bạn tôi, thế hệ 7X nhưng chỉ có một con gái sinh lúc đã ngoài 30 tuổi.

Quyền tự quyết sinh con - 1

Theo quy định hiện hành, mỗi cặp vợ chồng chỉ được "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định" (Ảnh minh họa: CV)

Từ trải nghiệm bản thân, tôi có thể hiểu phần nào nguyên nhân mà các chuyên gia lý giải về tỷ lệ sinh thấp ở TPHCM - nơi tôi đã sinh sống gần 20 năm nay. Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Sở Y tế, tỷ lệ sinh ở thành phố tiếp tục giảm đến mức cảnh báo và nằm trong nhóm thấp nhất cả nước. Năm 2024, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TPHCM còn 1,32 trong khi năm ngoái là 1,42.

Sinh con, nuôi con và đi làm trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng gia tăng, chưa kể có thể bị mất cơ hội thăng tiến, thậm chí phân biệt đối xử vì có con nhỏ…, quả thật luôn là bài toán khó với những người phụ nữ như chúng tôi. Bạn bè tôi, rất nhiều người chỉ sinh một đứa rồi ngừng luôn vì sợ hãi. Những đứa em thì phần đông lao vào công việc, lười lập gia đình và ngại chuyện sinh con, nuôi con.

Tuy nhiên, dù chưa sinh con, đã sinh một đứa con hay đã sinh hai đứa, điểm chung mà nhiều phụ nữ chúng tôi gặp phải là những áp lực từ xã hội, người thân. Vợ chồng tôi thống nhất, chỉ sinh hai con, dù trai hay gái nhưng không ít lần về quê, tôi thường xuyên được anh em, họ hàng hỏi: "chừng nào sinh tiếp? cố gắng có đứa con trai chứ?".

Hay như hôm tôi vừa sinh bạn thứ hai, ở bên ngoài phòng sinh, bác sĩ mổ đẻ cho tôi, chủ một phòng khám có tiếng đã hỏi chồng tôi rằng, có muốn "canh" trứng để sinh thêm đứa con trai và giá của dịch vụ này là 200 triệu đồng.

Đứa em đồng nghiệp của tôi, kể, có lần mở camera ở quê, nghe mẹ chồng thắp nhang cúng ông bà và "cầu cho con dâu sinh được đứa con trai" dù những lần nói chuyện điện thoại hay gặp mặt, mẹ cô ấy vẫn nói, sinh con gì cũng được. Chồng cô ấy là con trai một trong gia đình có hai anh chị em. "Em thật sự căng thẳng. Có thời gian, em căng thẳng đến độ không thể cấn bầu", cô tâm sự.

Một đứa em khác tôi quen thì mới sinh con gái chưa được một năm, nhưng đã tính tới việc làm sao để sinh con thứ hai là trai vì chồng là con trai một, trưởng họ. Từ miền Tây ra làm dâu miền Bắc, em ấy nói, bố mẹ chồng cưng cháu nhưng can thiệp nhiều thứ, từ chuyện cho con bú sữa mẹ thế nào đến chuyện cháu cần ăn dặm ra sao, nhiều khi bỏ qua ý kiến của con dâu - một người học chuyên ngành điều dưỡng, khiến em mệt mỏi và căng thẳng.

Một người bạn của tôi, ở tuổi 40, vừa sinh con thứ ba, đứa bé mà mẹ chồng của cô ấy gọi là "đứa con của quyết tâm và hy vọng". Ngày sinh bé, cô gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đe dọa cả tính mạng, may mắn là qua khỏi. Trước đó, cô từng tâm sự chỉ muốn dừng ở hai cô con gái vì sức khỏe, kinh tế gia đình không cho phép nhưng chồng cô, trưởng tộc, con trai trưởng trong gia đình ba anh em trai, các em đều có con trai, muốn cô cố gắng thêm lần nữa.

Theo Bộ Y tế, bên cạnh việc tỉ lệ sinh giảm, Việt Nam còn đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính. Từ 2012 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái và tình trạng này nếu tiếp tục, đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng 2,3-4,3 triệu nam thanh niên khó có cơ hội lấy vợ trong nước, gây hệ lụy nghiêm trọng. Bộ này còn đề xuất, xử phạt những trường hợp ứng dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, vốn đang rất phổ biến những năm vừa qua.

Vì vậy, để duy trì mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng và cá nhân có quyền tự quyết định việc sinh con, thời gian sinh, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con. Đây là thay đổi so với quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định" trong Pháp lệnh Dân số hiện hành.

Nhưng với những gì đã trải nghiệm và chứng kiến, tôi tin rằng, chỉ khi người phụ nữ có tiếng nói bình đẳng trong gia đình về việc sinh con, nuôi con, từ chuyện sinh khi nào, sinh bao nhiêu con, khoảng cách giữa các lần sinh… đến chọn phương pháp nuôi con… thay vì chịu những sức ép từ kỳ vọng, mong muốn của bố mẹ, của chồng, định kiến của xã hội thì mới có thể giải quyết tận gốc được chuyện tỷ lệ sinh cũng như lựa chọn giới tính thai nhi.

Bởi lẽ, sẽ không có động lực thúc đẩy người phụ nữ sinh con nào hơn là tự thân người đó cảm thấy muốn làm và cần làm. Điều đó cũng sẽ giúp mỗi người phụ nữ cảm nhận được hạnh phúc diệu kỳ khi thực hiện thiên chức làm mẹ, giúp họ có thêm động lực vượt qua những vất vả, nhọc nhằn của những đêm thức trắng bế con khóc, chăm con sốt vì mọc răng. Và sau tất cả, đó là quyền bảo vệ sức khỏe, thân thể, quyền tự do cá nhân của chính người phụ nữ.

Và để đạt được điều này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, hướng tới sự tiến bộ của nữ giới, thực thi quyền bình đẳng giới, chống bạo lực tinh thần và thể chất trong gia đình…, chứ không đơn giản là những bước sau sinh như hỗ trợ tiền, suất mua nhà cho gia đình sinh hai con gái hay hỗ trợ học phí, tìm trường mầm non cho trẻ.

Tác giả: Minh Tâm tốt nghiệp ngành báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và có 15 năm viết báo kinh tế. 

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!