Tâm điểm
Bích Diệp

Phiếu tín nhiệm và yêu cầu "tu thân, tề gia"

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Thay thế Quy định số 262-QĐ/TW ban hành 9 năm trước cũng về lấy phiếu tín nhiệm, quy định 96 nêu rõ một trong những mục đích, yêu cầu của việc này nhằm "góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ" thay vì chỉ là "một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng" như lần trước.

Quy định 96 nêu rõ hai nhóm tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm: Một là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; hai là kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu). Trong đó, kế thừa và bổ sung tiêu chí trước đây về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy định 96 tiếp tục đưa ra tiêu chí về "sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước".

Lâu nay nhiều ý kiến cho rằng, trong công tác cán bộ, khâu đánh giá là khó nhất và rất quan trọng, vì đánh giá không chỉ liên quan trực tiếp đến bố trí, sử dụng cán bộ mà còn liên quan đến toàn bộ các khâu khác. Đồng thời, để đánh giá một cán bộ thì chúng ta thường nhắc đến hai yếu tố "đức và "tài", trong đó "đức là gốc".

Từ cách tiếp cận trên, có thể thấy rằng tín nhiệm của một cán bộ lãnh đạo được xem xét toàn diện theo các quy định đã đề ra, và một trong những yêu cầu quan trọng nhất là "sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước".

Trong thực tiễn, cán bộ lãnh đạo dù ở cấp nào nếu không gương mẫu thì một mặt rất khó giữ "bàn tay sạch", mặt khác không thể là tấm gương sáng đối với cấp dưới và vì vậy sẽ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, hay như mọi người thường nói là "không bảo được ai". Chúng ta có rất nhiều ví dụ trong những năm qua. Đơn cử khi nói lời sau cùng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nhận hối lộ và vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC (ngày 30/12/2022), cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành đã tự nhìn nhận "Đáng ra bị cáo là một tấm gương gương mẫu nhưng đã mắc phải những sai phạm, sai lầm nghiêm trọng và trở thành tấm gương xấu trong cơ quan Đảng. Đây là điều bị cáo rất hối hận, đau xót".

Tiếc rằng những lời ông Trần Đình Thành nói ra đã muộn, bởi lẽ ra ông phải ý thức được điều này trong suốt quá trình công tác trước đó, để từ chối tiền hối lộ và không đem một phần những đồng tiền đó về cho người thân của ông.

Nhân đây xin được nhắc lại, ngay từ phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng cách đây vừa tròn 10 năm trước (tháng 2/2013), trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dặn dò: "Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được".

Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây. Những kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện đó để lại nhiều bài học quý, trong đó có bài học về sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu. Ngày 2/2 vừa qua, Ban Nội chính Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phát biểu tại đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ: Cuốn sách cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm; sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ; sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh…

Trở lại với các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm, có thể thấy rằng không chỉ đến quy định 96 thì yêu cầu về "sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con…" mới được đề cập đến mà rất nhiều quy định lâu nay đã có nội dung này. Chính vì vậy, mỗi người cán bộ, đảng viên cần ý thức rằng khi nhận lãnh công việc trong hệ thống chính trị thì trước hết phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; trường hợp uy tín giảm sút thì chắc chắn là tín nhiệm thấp và không thể ở trong bộ máy để "nêu gương xấu".

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!