Người Pháp từng mở phiên tòa xét xử chuột và chúng... trắng án
(Dân trí) - Một phiên tòa có thật vào năm 1522 tại Pháp đã nổi tiếng thế giới và đi vào phim ảnh. Không vì án mạng nghiêm trọng hay nhân vật tai tiếng nào, mà bởi… bị cáo là những con chuột.
Phiên tòa được tổ chức tại giáo phận Autun, miền trung nước Pháp. Bị cáo là toàn bộ loài chuột trong khu vực bị buộc tội phá hoại mùa màng, trộm lúa mạch và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh.
Trong phiên tòa này, thẩm phán, nguyên đơn và luật sư bào chữa đều có mặt đầy đủ. Duy chỉ thiếu các bị cáo.
Khi chuột có quyền được bào chữa
Trớ trêu thay, người đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chuột là Barthélemy de Chasseneuz - một luật sư trẻ nhưng vô cùng am hiểu luật pháp. Và cũng từ đây, lịch sử pháp đình châu Âu chứng kiến một trong những màn biện hộ kỳ lạ nhất từng được ghi nhận.

Vụ xét xử chuột nổi tiếng diễn ra vào năm 1522 (Ảnh: Getty).
Lũ chuột không xuất hiện tại tòa. Chasseneuz lập luận rằng các cáo thị chỉ dán ở nơi con người thấy, nên chuột không thể biết được. Lập luận được chấp thuận. Tòa ra lệnh cho giáo dân đi khắp cánh đồng, ngóc ngách, nhà thờ để "triệu tập" chuột lần nữa.
Kết quả vẫn như cũ: không con chuột nào đến hầu tòa. Lần này, Chasseneuz đưa ra lý do mới: "Thân chủ tôi lo sợ tính mạng vì có quá nhiều mèo". Tòa đồng tình và yêu cầu dân làng tạm giam mèo.
Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng, phiên tòa phải tuyên bố hoãn vô thời hạn. Chuột trắng án.
Câu chuyện xét xử chuột không chỉ gây tò mò về mặt lịch sử, mà còn đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của luật sư Barthélemy de Chasseneuz. Ba năm sau vụ án, ông được bầu vào hội đồng thành phố Dijon. Năm 1532, ông trở thành Chủ tịch hội đồng thành phố Aix - một vị trí cao cấp thời đó.
Tên tuổi của ông sau này còn được đưa vào phim ảnh. Bộ phim The Hour of the Pig (1993, Mỹ) đã tái hiện lại vụ án chuột bằng một phiên tòa xét xử lợn - cũng với một luật sư trẻ tài năng cứu thân chủ khỏi giá treo cổ.
Thời Trung cổ: Khi cả động vật và đồ vật đều có thể bị xét xử
Vụ xét xử chuột ở Autun chỉ là một trong hàng trăm phiên tòa có thật nhằm vào động vật từng diễn ra tại châu Âu từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18.
Theo giáo sư Edward Payson Evans - tác giả cuốn "The Criminal Prosecution and Capital Punishment of Animals" xuất bản năm 1906, các phiên tòa như vậy phản ánh tư duy tôn giáo chi phối xã hội thời đó, nơi mọi sinh vật - kể cả vô tri - đều có thể mang tội trước luật pháp.
Một trường hợp nổi tiếng được Evans ghi lại là vào năm 1474, một con gà trống ở Thụy Sĩ bị thiêu sống vì đẻ trứng - hành vi bị cho là do quỷ Satan chiếm hữu. Trứng của nó được cho là sẽ nở ra một sinh vật quái dị phá hoại nhân loại.
Các phiên tòa phi lý này từng phổ biến ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ và Hà Lan. Một vụ án điển hình khác: năm 1379 tại Saint-Marcel-le-Jeussey (Pháp), ba con lợn bị xử tử vì giẫm chết trẻ sơ sinh. Năm 1492, một con lợn ở Abbeville bị kết án tử hình và kéo lê qua làng vì cùng tội danh.
Trong khi đó, một chiếc chuông nhà thờ ở Pháp bị buộc tội reo sai giờ và bị "giam giữ" trong nhiều năm.
Theo bài viết "Animal Trials" đăng trên The Atlantic, những vụ xét xử như vậy phản ánh niềm tin rằng: Vật thể cũng có thể bị ma quỷ thao túng, và việc xử phạt mang tính nghi lễ xua đuổi tà khí.
Tại sao những phiên tòa này lại tồn tại?
Theo GS Peter Dinzelbacher - Đại học Salzburg (Áo), những phiên tòa xử động vật là biểu hiện của nỗ lực tìm kiếm công lý trong thế giới hỗn loạn.
Trừng phạt động vật không chỉ để răn đe mà còn như một nghi thức làm dịu nỗi sợ và khẳng định lại trật tự xã hội, đặc biệt trong thời kỳ nạn đói, dịch bệnh hay chiến tranh xảy ra thường xuyên.
Ông viết trong bài phân tích đăng trên Journal of Medieval History: "Khi con người bất lực trước thiên nhiên, họ quy trách nhiệm cho động vật như cách trút giận, đồng thời khẳng định quyền lực của pháp luật và Giáo hội".