Pháo hoa Tết, nên "tiến hay lùi"?
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) mới đây, một nữ đại biểu đã đề xuất xem xét dừng việc cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán. Lý do là "hoạt động mua bán, đốt pháo hoa tràn lan trong 2-3 năm gần đây không đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng không đem lại lợi ích gì cho nhân dân, mà còn đe dọa đến công tác phòng, chống cháy nổ và sức khỏe của người dân".
Trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, chúng ta thử nhìn lại việc đốt pháo nổ, pháo hoa trong dịp Tết.
Đốt pháo là một truyền thống lâu đời của người dân trong dịp Tết. Cha ông chúng ta quan niệm vào thời khắc tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới, đốt pháo mang đến may mắn cũng như xua đuổi tà ác. Tuy nhiên, việc sản xuất và đốt pháo nổ trong dịp Tết đã dẫn đến nhiều tai nạn, cháy nhà, chết người đáng tiếc. Vì vậy vào năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 406 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.
Chỉ thị nêu rõ kể từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Tuy nhiên, theo tinh thần của Chỉ thị, những năm sau đó không chỉ pháo nổ mà cả pháo hoa cũng thuộc diện cấm mua bán, sử dụng đối với người dân; chỉ các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (ví dụ như UBND các tỉnh, thành) mới được phép tổ chức bắn pháo hoa.
Đến năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137 phân biệt pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa (không gây tiếng nổ), qua đó tạo hành lang pháp lý cho việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng pháo hoa, với điều kiện người dân khi sử dụng chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Ở đây cần hiểu pháo hoa không nổ chỉ phát ra ánh sáng, màu sắc, có hiệu ứng âm thanh (như tiếng xì xì), không có thuốc nổ, chứ không phải loại quả pháo hoa đốt lên trời và phát nổ.
Như vậy chúng ta phân biệt pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa. Với pháo nổ và pháo hoa nổ thì vẫn đang bị cấm và tôi hoàn toàn ủng hộ việc cấm này. Còn với pháo hoa, theo tôi các cấp có thẩm quyền cần cân nhắc kỹ.
Xin lưu ý là trước khi có Nghị định 137 thì trong các dịp quan trọng như khai trương, kỷ niệm ngày thành lập, đám cưới, sinh nhật, hoạt động nghệ thuật…, nhiều người dân đã sử dụng pháo hoa (không nổ, tầm bắn ngắn, chỉ "phụt" lên khoảng một mét trở lại) để tạo không khí vui tươi.
Ngày Tết hay những dịp lễ như nêu trên là những ngày quan trọng với người dân. Trong những dịp này, pháo hoa mang lại hình ảnh đẹp mắt và có ý nghĩa về mặt tinh thần.
Ngoài ra, cũng như bất cứ hàng hóa hợp pháp nào trong nền kinh tế, pháo hoa khi được quản lý chặt chẽ và mua bán, sử dụng theo đúng quy định cũng mang đến những lợi ích kinh tế nhất định như tạo công ăn việc làm, tạo doanh thu… Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến giá trị tinh thần hơn là giá trị kinh tế. Không phải tự nhiên mà vào dịp Tết, nhiều tỉnh, thành đã tổ chức bắn pháo hoa tập trung nhưng người dân vẫn háo hức với việc tự bắn pháo hoa ở nhà mình.
Vấn đề của nhà làm chính sách là cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro với xã hội. Bên cạnh những lợi ích như đã phân tích ở trên, việc người dân được đốt loại pháo hoa không nổ, dù mua tại cơ sở hợp pháp thì cũng có những mặt rủi ro, nhất là ở đô thị trong điều kiện ngõ phố chật hẹp, phía trên thường có dây điện, cáp viễn thông…
Theo tôi hiểu, hiện nay Quốc hội đang xem xét dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), tuy nhiên pháo hoa không nổ không thuộc đối tượng điều chỉnh của dự Luật này.
Văn bản quy định về quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo là Nghị định 137, vì vậy thẩm quyền thuộc về Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021, đến nay đã hơn 3 năm, thiết nghĩ Chính phủ có thể giao cơ quan chức năng sơ kết, đánh giá quá trình Nghị định đi vào cuộc sống, trong đó có quy định liên quan đến pháo hoa và cân nhắc các điều chỉnh cần thiết.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!