Đề nghị cấm mua bán, sử dụng pháo hoa dịp Tết vì "không có lợi ích gì"
(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, hoạt động mua bán, đốt pháo hoa tràn lan không đóng góp gì cho phát triển kinh tế - xã hội, không đem lại lợi ích cho nhân dân, mà còn đe dọa đến công tác phòng, chống cháy nổ.
Đề nghị dừng việc cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán được đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), đưa ra trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), sáng 3/6.
Theo bà, dự luật đã luật hóa chặt chẽ các nội dung liên quan đến nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền của con người và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi chưa điều chỉnh đối với pháo hoa, pháo nổ với lý do đã có Nghị định 137 năm 2020 của Chính phủ và mới sửa đổi, bổ sung năm 2023, quy định về hoạt động chế tạo, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo nổ
Nữ đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định về hoạt động chế tạo, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo nổ vào dự luật này để luật hóa, đảm bảo tính chặt chẽ và giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến pháo hoa, pháo nổ.
Đại biểu Phúc vì thế đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xem xét và dừng lại việc cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán.
"Hoạt động mua bán, đốt pháo hoa tràn lan trong 2-3 năm gần đây không đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng không đem lại lợi ích gì cho nhân dân, mà còn đe dọa đến công tác phòng, chống cháy nổ và sức khỏe của người dân", nữ đại biểu lý giải cho đề xuất của mình.
Theo bà, hoạt động bắn pháo hoa đã được các địa phương, cơ quan chức năng tổ chức tập trung, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán và các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và các điều kiện có liên quan.
Để khắc phục bất cập, lỗ hổng trong quản lý, mua, bán, phân phối, sử dụng pháo hoa, pháo nổ đã phát sinh trong những năm qua, nhất là từ năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, việc dừng cho phép mua, bán, phân phối pháo hoa, pháo nổ là rất cần thiết.
Việc này, theo bà Phúc, cũng nhằm không để phát sinh việc nhập lậu, sử dụng sai quy định pháp luật và những hạn chế có liên quan đến nội dung này.
Góp ý về sản xuất vật liệu, hóa chất, thuốc nổ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cho phép các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có điều kiện được sản xuất pháo hoa tầm thấp hiện nay thay cho Bộ Quốc phòng độc quyền.
"Dịp Tết, nhiều người dân đã mua pháo hoa về chơi nhưng mua rất khó khăn, chỉ có Bộ Quốc phòng mới bán được. Vì thế, đề nghị nên xem xét lại việc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có điều kiện để cho người dân được thực hiện rộng rãi, cụ thể hơn", ông Hòa nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị ban soạn thảo cần phải nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn để vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhưng cũng không ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Ông nêu thực tế vừa qua đã phát hiện nhiều cá nhân mua bán hóa chất để sản xuất thuốc nổ hoặc thuốc pháo nổ có sức công phá và sát thương cao, gây nguy hiểm cho tính mạng của người dân.
Tuy nhiên, chúng ta chưa có quy định về vật liệu nổ có tính năng, tác dụng tương tự, dẫn đến không có căn cứ để xử lý hình sự đối với tội sản xuất, mua bán, tàng trữ vật liệu, vận chuyển trái phép vật liệu nổ đối với các loại thuốc nổ và thuốc pháo nổ tự chế.
Vì vậy, tại khoản 8 của Điều 3 dự thảo luật, đại biểu Gia đề nghị bổ sung quy định chi tiết về vật liệu nổ có tính năng, tác dụng tương tự theo hướng: "Vật liệu nổ có tính năng, tác dụng tương tự là vật liệu nổ được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp chưa thuộc danh mục của các cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhưng có đầy đủ tính năng, tác dụng tương tự các loại vật liệu nổ trong danh mục của cơ quan thẩm quyền đã ban hành".
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương 74 điều, giảm 2 điều so với luật hiện hành, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.