Những chuyện buồn ở Đà Lạt
Đà Lạt với tôi như "người thân", mỗi năm đều lên thăm vài lần để được nơi đây ấp ôm, giúp mình hóa giải những khúc mắc, đôi khi được chữa lành nhờ phong cảnh và khí hậu ở mảnh đất này.
Bao nhiêu lần, khi xe qua khỏi đèo Bảo Lộc, cảm nhận không khí mát lạnh xung quanh mình thì lòng tôi đã thấy phần nào dịu đi.
Giữa thời đại công nghiệp, con người làm việc, sống nhanh hơn, gấp gáp hơn, làm cho chất lượng sống bị giảm sút dù vật chất tăng lên. Vậy nên tôi đến với Đà Lạt không phải để khám phá điều gì mới, để tận hưởng tiện nghi hiện đại mà là thong dong về với thiên nhiên, đặt xuống hết những bon chen, những tất bật của cuộc sống nơi đô thị và ngơi nghỉ, làm cho thân được thư giãn, tâm được thư thái.
Tìm hiểu về Đà Lạt, chúng ta biết rằng thành phố ngàn hoa đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử nhưng luôn giữ được nét riêng khiến ai đến cũng yêu mến, rồi nhung nhớ ít nhiều.
Yêu Đà Lạt, tôi biết rằng thành phố đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong nhiều năm qua. Nhưng cũng vì yêu Đà Lạt, tôi và có lẽ là bất cứ du khách nào cũng nhận thấy Đà Lạt đang bị bê tông hóa, đang bị nhà kính hóa và nguy cơ không còn là thành phố sương mù dịu dàng chúng ta từng yêu.
Vì sao như vậy? Khoan nói đến hình ảnh nhức nhối của các công trình trái phép trong sân golf Đồi Cù mà báo chí phản ánh những ngày gần đây. Tôi xin bắt đầu bằng những chuyện cụ thể khác với góc nhìn một du khách. Đà Lạt, từ thành phố không cần đèn xanh, đèn đỏ điều tiết giao thông, nay các tuyến đường ở khu vực trung tâm đã kẹt cứng thường xuyên.
Sự đông đúc phần nào là tín hiệu vui vì du khách đã tìm đến Đà Lạt nhiều hơn. Nhưng điều này đi kèm những đòi hỏi về trật tự, mỹ quan thành phố. Thêm người thêm rác, tôi nhìn thấy rất nhiều lần rác thải ở các địa điểm du lịch không được thu gom kịp thời, để lại trải nghiệm không tốt với du khách.
Tôi nhìn thấy những nhà kính, nhà lưới, những mảng bê tông dần lấn át màu xanh của Đà Lạt.
Tôi nhìn thấy sự xô bồ và vấn nạn chặt chém trong cách làm du lịch của một bộ phận đơn vị tổ chức tour cũng như điểm đến. Đến Đà Lạt giờ đây du khách không còn được tận hưởng sự thong dong, bởi vấn nạn chèo kéo, ô nhiễm tiếng ồn… diễn ra khắp nơi.
Trở lại với câu chuyện Đồi Cù, cũng như bao người yêu Đà Lạt khác, tôi từng thấy nhức mắt khi người ta san bạt ngọn đồi để dựng lên những công trình bê tông. Nhưng tôi không thể tưởng tượng được rằng trên đó có các hạng mục xây dựng không phép, sai phép. Bao lâu nay cơ quan quản lý ở đâu?
Đã đành chính quyền địa phương từng lưu ý chủ đầu tư "không làm thay đổi tính chất và địa hình tự nhiên cùng cảnh quan khu vực sân golf hiện tại, bảo vệ cảnh quan danh thắng hồ Xuân Hương…", nhưng không lẽ việc của cơ quan quản lý chỉ là ra văn bản mà không kiểm tra, giám sát thường xuyên?
Mười năm trước, ngày 23/10/2014, tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định số 2221 về quản lý theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Quyết định trên nêu rõ các công viên thành phố và công viên rừng cảnh quan (Đồi Cù, công viên văn hóa - thể dục thể thao tại đường Cao Bá Quát, vườn hoa thành phố) là không gian bảo tồn cảnh quan sinh thái của đô thị, không gian lễ hội, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho cộng đồng và khách du lịch; có tỉ lệ mật độ xây dựng tối đa là 5%, tầng cao tối đa từ 1 - 2 tầng.
Căn cứ vào quyết định trên và nhìn vào thực tế xây dựng trên Đồi Cù, chúng ta thấy quyết định đã được chấp hành như thế nào?
Không thể chấp nhận được khi ở một trong những nơi là biểu tượng của Đà Lạt, bên trên Đồi Cù, lại có hai khối công trình lớn trái phép, chắn hoàn toàn tầm nhìn từ hồ Xuân Hương tới đỉnh núi Langbiang.
Chúng ta không thể im lặng trước sự "vô pháp vô thiên", "con voi chui lọt lỗ kim" này. Công luận thông qua báo chí đã lên tiếng. Vừa qua thành phố Đà Lạt cũng đã có quyết định xử phạt đơn vị vi phạm và yêu cầu tháo dỡ các hạng mục sai phép, trái phép.
Mong rằng đây chỉ là một câu chuyện buồn và sẽ sớm được khắc phục để giữ lại "Đồi Cù không bị băm nát" cho Đà Lạt.
Mong rằng sẽ có những cá nhân, tổ chức phải đứng ra chịu trách nhiệm với chế tài nghiêm khắc, mang tính răn đe. Và Đà Lạt sẽ dần giải quyết được những vấn đề của mình, không riêng chuyện Đồi Cù, để du khách vẫn yêu và vẫn đến với thành phố mộng mơ.
Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!