"Nhà hát không diễn viên, diễn viên không nhà hát"
Vào công tác TPHCM, tôi được mời đi xem show diễn "À ố" ở Nhà hát Lớn thành phố. Tôi hồi hộp vì lâu lắm mới đi xem diễn, cộng với tò mò vì giá vé lên tới 1.150.000 đồng, tương đương 50 USD, khá đắt với mức thu nhập trung bình.
Hơn một tiếng đồng hồ, show diễn rất hấp dẫn với các nghệ sĩ xiếc tài năng và khéo léo, gắn với cây tre, rổ giá, những câu vọng cổ đặc sắc nông thôn Nam Bộ. Khán phòng chật kín, chủ yếu là khách Tây, không thấy ai về trước.
Đây là một hướng tiếp cận công chúng quá hay, lối biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong một nhà hát hiện đại, với hiệu ứng ánh sáng, diễn viên tung hoành cả trên sân khấu lẫn đi lên từ phía hàng ghế khán giả. Show diễn này đã hút khách suốt từ năm 2015 và định kết thúc vào năm 2020 nhưng đến nay, sau 8 năm vẫn kín khách. Chị bạn đi cùng đoàn nhẩm tính, doanh thu buổi diễn đạt trên 300 triệu đồng, tức là khoảng 15.000 USD. "Phải 500 suất diễn của "À ố" mới bằng một buổi diễn của Blackpink trên sân vận động Mỹ Đình"!
Nhìn rộng ra mục tiêu đến năm 2030, tổng doanh thu biểu diễn nghệ thuật cả nước đạt 31 triệu USD (theo quyết định 1755 ban hành năm 2016), cũng chỉ bằng 4 đêm diễn của Blackpink, thì việc suốt 8 năm qua mỗi show "À ố" đạt doanh thu đều đặn bằng 1/500 đêm nhạc của Blackpink xứng đáng là một hiện tượng.
Nhưng, bên cạnh ấn tượng của "À ố" thì hoạt động nghệ thuật biểu diễn nói riêng và văn hóa nói chung cũng còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Ngay Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật, đơn vị quản lý đến sáu địa điểm đất vàng, đất kim cương của thành phố cũng chỉ vận hành được một nơi là Nhà hát Lớn. Năm địa điểm còn lại thì có chỗ cho các đơn vị mượn làm trụ sở làm việc, còn phần lớn để hoang, lay lắt, tốn thêm tiền thuê bảo vệ.
Lãnh đạo trung tâm chia sẻ, đang xin ngân sách sửa chữa, nâng cấp Nhà hát Lớn, nhưng thực tâm lại không muốn vì đây là "nồi cơm" duy nhất của hơn 40 con người, nghỉ ngày nào là mất tiền ngày đó.
Một cán bộ Văn hóa cho biết tính tổng các lĩnh vực, thành phố còn gần 500 đề án về liên kết, khai thác, sử dụng công sản đang xếp hàng chờ xem xét, trong khi mới duyệt được… 2. Hỏi vì sao khó thế, trả lời thì vẫn là chuyện xác định giá đất, rồi giá trị thương hiệu, phức tạp lắm, mà cán bộ bị kỷ luật vì đất đai không ít, nên không ai dám vội.
Quả thực, nếu có khẩn trương, tích cực đến đâu thì với quy trình qua sở Tài chính thẩm định, rồi tùy loại trình lên UBND hoặc HĐND thành phố, chắc phải rất lâu nữa, thành phố mới giải quyết được hết số đề án này. Trong thời gian ấy, tình hình đã thay đổi, còn bao nhiêu vấn đề phát sinh, nhu cầu xã hội cũng đã khác. Cứ kéo dài như thế, biết khi nào các cơ quan quản lý mới thoát ra khỏi sự vụ, dành thời gian cho những việc căn cốt, lâu dài?
Ở một huyện trên địa bàn thành phố, 44 đề án sử dụng đất công vào kinh doanh vẫn chưa được duyệt. Thiết chế văn hóa công đoàn nằm cách xa khu dân cư, xa cả khu công nghiệp lẫn nhà trọ công nhân, cũng không có nhân viên cơ hữu nào, tất cả là cán bộ liên đoàn lao động huyện kiêm nhiệm.
Ở cấp thành phố, Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật "quản" 6 địa điểm trong đó có Nhà hát Lớn nhưng không có biên chế diễn viên nào. Ngược lại, Trung tâm Văn hóa thành phố với chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở, tổ chức các liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng… thì không có chỗ biểu diễn. Nhiều đoàn nghệ thuật chỉ có trụ sở làm việc, tập luyện chứ không có nhà hát biểu diễn đúng chuẩn. Tình trạng diễn viên không có nhà hát, nhà hát không có diễn viên là thực tế. Cơ quan quản lý muốn gỡ thì vướng luật, vướng nghị định, vướng về cán bộ và tài chính… nên cứ cập kênh mãi thế.
Cũng có nhà hát "sân khấu nhỏ" tuần nào cũng đỏ đèn 3-4 suất diễn với mấy trăm khán giả mê kịch nói. Thế nhưng, sân khấu tít trên tầng 4, khán giả phải đi thang bộ. Mái sân khấu lợp tôn cơi nới thêm nên khi trời mưa diễn viên vừa diễn vừa hét mới đủ chọi lại tiếng ồn. Ngôi nhà xây từ mấy chục năm nay tận dụng trần nhà thành sàn diễn thì liệu có chịu được sức nặng của mấy trăm khán giả, trong không khí sôi động khi diễn viên diễn xuất hết mình? Cứ "xã hội hóa" bằng cách tự bơi thế này nếu rủi ro, ai chịu?
Nghị quyết 98 Quốc hội vừa thông qua đã cho phép thành phố áp dụng cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa. Liều thuốc ấy liệu đã đủ để bứt khỏi chiếc áo cơ chế quá chật cho văn hóa cất cánh? Nhiều đơn vị chúng tôi đến khảo sát đều đề nghị cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa. Chẳng hạn, thiết chế văn hóa cấp huyện thì nên giao cho huyện phê duyệt vì chẳng ai sát sao với cơ sở hơn cấp cơ sở.
Rồi mấy nhà hát bỏ hoang, xuống cấp, nếu thành phố có cơ chế hợp tác đầu tư, cải tạo, giao cho các đoàn nghệ thuật cả công lẫn tư của thành phố quản lý, phát huy hiệu quả sử dụng thì tốt biết mấy…
Thành phố đã rất chủ động đón nhận và triển khai Nghị quyết 98, nhưng có lẽ cần dành sự quan tâm ưu tiên nhiều hơn nữa cho văn hóa. Nếu không mạnh mẽ thay đổi, cứ để tình trạng "nhà hát không diễn viên, diễn viên không nhà hát" tiếp diễn thì đừng nói đến những chuyện cao siêu của công nghiệp văn hóa, ngay mục tiêu khiêm tốn là năm 2030, tổng doanh thu biểu diễn nghệ thuật cả nước đạt 31 triệu USD, bằng bốn đêm diễn của Blackpink cũng là chuyện xa vời!
Tác giả: Ông Đỗ Chí Nghĩa là PGS.TS chuyên ngành báo chí; từng có nhiều năm công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh nghề giáo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cũng từng giữ chức Tổng biên tập Thời báo Doanh nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân. Hiện PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!