Tâm điểm
Vân Thiêng

Mong đợi sau những ồn ào về Hãng phim truyện Việt Nam

Lãnh đạo Chính phủ vừa yêu cầu cơ quan thanh tra kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) và thực hiện ý kiến chỉ đạo về các nội dung liên quan.

Kết luận thanh tra từ năm 2018 cũng như dư luận về câu chuyện cổ phần hóa ồn ào của VFS cho thấy nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Bởi, một khi đã xem văn hóa, điện ảnh là một ngành sản xuất mang tính đặc thù thì việc cổ phần hóa một đơn vị chuyên về điện ảnh cũng phải được tiến hành theo kiểu rất đặc thù.

Lao động nghệ thuật là một dạng lao động đặc biệt. Tác phẩm nghệ thuật là một sản phẩm đặc biệt; Giá trị tác phẩm điện ảnh mang lại không thể đo đếm kiểu mỗi ngày làm mấy giờ, tiêu tốn bao nhiêu điện, nước, xi măng, sắt thép, mà được định giá bằng sự yêu mến, giá trị giáo dục tư tưởng, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu gia đình, lối sống đẹp đẽ, nhân văn…những thứ mà dẫu muốn cũng không thể hoặc không dễ dàng mua được bằng tiền.  

Những vấn đề trong việc cổ phần hóa VFS có nguyên nhân từ sự đơn giản, máy móc, từng được cơ quan thanh tra chỉ ra thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm… Hãng phim này có nhiều cơ sở nhà đất tọa lạc tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TPHCM. Tất nhiên là nhiều bên muốn "nhòm ngó" khối tài sản này. Nhưng ai đó quên rằng, tài sản của VFS còn là giá trị thương hiệu về văn hóa và tên tuổi của các nghệ sĩ, từng một đời gắn bó với lịch sử phát triển đất nước.

70 năm xây dựng và phát triển, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Trong dòng chảy ấy, nhiều thế hệ nghệ sĩ của Hãng đã góp phần làm nên những bộ phim vừa mang giá trị lịch sử, nghệ thuật và thấm đẫm niềm tự hào dân tộc, vừa để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.

Mong đợi sau những ồn ào về Hãng phim truyện Việt Nam - 1

Cảnh hoang tàn, đổ nát tại Hãng phim truyện Việt Nam (Ảnh: Toàn Vũ).

Trong số hơn 300 phim truyện nhựa của hãng, có nhiều bộ phim kinh điển được khán giả nhiều thế hệ yêu mến như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng Mười, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên... Trong đó, phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh) được xem như pho chính luận bằng hình ảnh về giai đoạn đấu tranh thống nhất nước nhà, thuộc hàng các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh tiêu biểu.

Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng là bộ phim kinh điển, tạo được tiếng vang trong và ngoài nước. Kênh truyền hình CNN từng đánh giá là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại.

Nêu một vài ví dụ như vậy để thấy rằng, VFS từng là đơn vị làm phim hàng đầu cả nước, là nơi quy tụ những đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim tài năng như NSND Đặng Nhật Minh, NSND Trà Giang, NSND Hải Ninh, NSƯT Nguyễn Thị Hồng Ngát...

Những thành tích ấy, lẽ ra phải được tôn vinh, phát huy trong công cuộc phát triển văn hóa - nghệ thuật nước nhà. Thế nhưng, cái tên Hãng phim truyện Việt Nam bây giờ lại mang theo nhiều nỗi buồn lo với những người yêu điện ảnh.

Sau 7 năm cổ phần hóa hãng phim, có thể nhận thấy, những mâu thuẫn gay gắt giữa các nghệ sĩ với Ban lãnh đạo mới, với cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso về quan niệm kinh doanh, ý tưởng sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ ngã ngũ. Vì thế, những hỉ, nộ, ái, ố cứ vang lên bẽ bàng và chua chát. Bóng dáng của một nơi hội tụ và thăng hoa ý tưởng sáng tạo cho các nghệ sĩ làm nên những thước phim lịch sử dường như không còn chút dư âm.

Có lẽ thế mà Lễ kỷ niệm 70 năm Hãng phim truyện Việt Nam tháng trước, đã nhòa nước mắt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. "Cổ phần hóa hãng phim là hợp lý, nhưng cổ phần hóa như thế nào mới là điều đáng nói. Với Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso, đơn vị mua Hãng phim truyện Việt Nam, tôi chưa thể tưởng tượng họ sẽ lãnh đạo hãng thế nào. Thực lòng tôi rất đau đớn"- NSND Trà Giang đã bức xúc nói.

Bảo vệ, gìn giữ và phát triển Hãng Phim truyện Việt Nam - con chim đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng không chỉ là trách nhiệm của những nghệ sĩ mà còn là của tất cả những người yêu văn hóa nghệ thuật nước nhà. Hy vọng, sau chỉ đạo của Chính phủ, những vướng mắc, tồn tại của hãng sẽ được giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, để Hãng phim truyện Việt Nam nói riêng và nền điện ảnh nước nhà nói chung phát triển tương xứng với vị thế và tầm vóc của mình, từng bước hội nhập quốc tế, cần có vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc đầu tư nguồn lực xứng đáng cho những kịch bản tốt. Không chịu khó đầu tư (tiền bạc và nhân lực), khó mong VFS sẽ sớm tìm lại thời hoàng kim.

Hàn Quốc đã thành công khi đưa phim ảnh, âm nhạc đi chinh phục thế giới, bởi Chính phủ của họ đã định hướng phát triển ngành công nghiệp giải trí bằng một chính sách đầu tư đồng bộ từ giáo dục đến hạ tầng xã hội... Còn bởi họ có lực lượng nghệ sĩ đông đảo, tài năng, lao động chăm chỉ, làm việc có kỷ luật và đầy khát vọng.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, tại cuộc đối thoại của Thủ tướng với Thanh niên mới đây, đã nói rằng: "Một ban nhạc của Hàn Quốc đã đóng góp gấp 20 lần nhà máy Hyundai".

Với doanh thu gần 500 tỷ đồng trong dịp Tết vừa rồi, phim Nhà bà Nữ đang gợi ra nhiều điều phải suy nghĩ cho các nhà làm phim Việt, khi Trấn Thành tự bỏ tiền túi làm phim, cũng chả có cơ ngơi to lớn hay vị trí đất vàng, đất bạc nào!  

Xóa đi cái tên một đơn vị thật đơn giản. Nhưng định vị một thương hiệu, nhất là thương hiệu về văn hóa - nghệ thuật trong lòng người hâm mộ là điều không hề dễ dàng.

Để điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp giải trí Việt Nam nói chung phát triển, từng bước hội nhập quốc tế, thực sự là sức mạnh mềm của đất nước, cần phải có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn của các cơ quan quản lý và cả đội ngũ nghệ sĩ.

Không có khát vọng đổi thay, khư khư ôm lấy quá khứ vinh quang, hay chạy theo những nhu cầu trước mắt, nghệ sĩ Việt khó có thể làm được chuyện gì lớn lao. Càng khó để có thể công nghiệp hóa được một lĩnh vực cần nhiều tài năng xuất chúng như điện ảnh.

Một cuộc rà soát sau thanh tra, nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề đặt ra trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) từ 7 năm trước đã được ấn định. Thêm một lần nữa, chuyện ứng xử với ngành nghệ thuật từng vang bóng một thời chính là giải quyết những vấn đề cấp thiết để văn hóa - nghệ thuật thích ứng với cuộc sống và thời đại, trở thành nguồn lực nội sinh phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!