Lời cảm ơn cho một mùa thi vừa qua
Cũng như mọi năm, để "khoe" thành tích của con sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023, nhiều phụ huynh chọn cách khoe bảng điểm của con lên các trang mạng xã hội. Việc này cũng không quá khó hiểu vì đằng sau những cố gắng của cả phụ huynh và học sinh, đó là một niềm tự hào chính đáng của gia đình.
Tuy nhiên, tôi khá ấn tượng với cách thể hiện của một người bạn, đang công tác tại ngân hàng tỉnh khi biết được kết quả con trai đã vượt vũ môn và đỗ luôn vào đại học Ngoại thương TPHCM bằng những dòng tâm sự trải lòng trang facebook cá nhân như thế này:
"Biết ơn quý Thầy, Cô và ngôi trường Nguyễn Quang Diêu đã cho con 1.000 ngày. "Học trải nghiệm, sáng tạo, sống trách nhiệm, yêu thương" ♡ Chúc mừng con #Gia Bao Nguyen Ngo bước vào hành trình khát vọng mới ♡"
Hành động này của anh nhận được mưa lời khen từ người thân và cộng đồng mạng, trong đó có tôi. Là một người làm trong ngành giáo dục gần 19 năm, tôi cảm thấy hạnh phúc cùng với những người bạn đồng nghiệp trường chuyên Nguyễn Quang Diêu, tỉnh Đồng Tháp. Lời cảm ơn này như tiếp thêm sức mạnh cho thầy cô trước những thử thách của nghề trong giai đoạn mới.
Không những thế, hành động tag tài khoản con vào status với lời nhắn nhẹ nhàng nhưng không kém phần tinh tế để căn dặn con rằng, hãy sống trách nhiệm và yêu thương bằng những trải nghiệm, sáng tạo đã có được từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trẻ con lớn lên bằng cách chúng nhìn vào người lớn. Vậy nên, qua hành động tử tế này, tôi tin chắc một điều con anh sẽ hiểu thêm về việc cho đi và nhận lại thông qua lòng biết ơn và sống có trách nhiệm.
Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp tự bao đời nay của người Việt Nam. Song trước những biến đổi của hình thái kinh tế và lối sống như hiện nay đã có ảnh hưởng rất nhiều đến các giá trị thuộc về tinh thần. Người ta dần quên đi những lời cảm ơn và chọn cách tính sòng phẳng. Mọi thứ đều được cân đo đong đếm.
Bạn tôi, một nghiên cứu sinh chuyên ngành quản lý văn bản cổ, đến từ Trung Quốc, một quốc gia trọng Nho giáo với tư tưởng "quân - sư - phụ". Người thầy, đứng thứ hai chỉ sau vua trong suy nghĩ và tư tưởng mấy ngàn đời của họ. Nhưng anh bạn này lại cho rằng, rất nhiều người Trung Quốc ngày nay đã suy nghĩ rất khác. Giáo viên thì cũng chỉ là một cái nghề. Phụ huynh trả tiền cho giáo viên để họ có công việc, đó là đi dạy để nuôi sống bản thân và gia đình.
Vậy nên, việc dạy và học suy đi ngẫm lại thì cũng chỉ là một giao dịch trao đổi ngang bằng. Cảm ơn là điều không thật sự cần thiết nếu như học sinh và gia đình đó không muốn.
Nhớ lại thầy dạy văn cấp III của chúng tôi khi được tặng hoa nhân ngày 20/11 có lần đã nói thế này, đừng xem nghề của thầy cao quý hơn bất cứ nghề nào khác. Vì thầy cũng chỉ là một người đi làm thuê. Vậy nên tôi cũng không có gì quá bất ngờ trước những suy nghĩ của anh bạn kể trên.
Tôi bất giác lại nhớ thêm một câu chuyện khác đã xảy ra vài năm trước tại một tỉnh miền Đông Nam Bộ, cũng có liên quan đến nghề giáo. Một phụ huynh đã mắng mỏ thầy giáo bằng những lời miệt thị trước mặt con gái và học sinh khác rằng, thầy giáo còn thua chiếc quần thể dục cũ của con gái bà. Vì trước đó, thầy tưởng nhầm là rác khi ai đó đã cố tình để nó trên bàn giáo viên nên cho đem bỏ thùng rác.
Vậy nên, vì là một nghề như bao nhiêu nghề khác nên nghề giáo cũng có nhiều tình huống dở khóc, dở cười và lắm rủi ro như vậy.
Mỗi người một quan niệm, một cách nhìn. Song, tôi tin chắc một điều cũng có nhiều giáo viên không dám tự đánh giá nghề của mình là nghề cao quý nhất, trong đó có tôi. Bởi vậy tôi trân trọng bạn tôi đã chọn cách cảm ơn vì biết rằng trong 1.000 ngày con anh trải nghiệm dưới mái trường phổ thông là có một phần từ phía thầy cô mang đến. Nó cho tôi sống lại với cảm giác đã được một phụ huynh học sinh gọi điện cảm ơn trực tiếp vì con chị đạt thành tích tốt trong học kỳ.
Tôi cũng tin chắc một điều rằng, nghề nào cũng vậy sau bao nhiêu cố gắng và có trách nhiệm với việc mình đã làm, tất cả chúng ta đều cần một lời động viên, một lời cảm ơn chia sẻ. Đây là một lối sống đẹp thì tại sao chúng ta không thể làm vì điều đó. Cho đi và nhận lại yêu thương vẫn là lẽ sống tốt đẹp tự bao đời nay của cuộc đời này.
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!