Cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên: Các tỉnh "đau đầu" tìm giải pháp
(Dân trí) - Thiếu giáo viên trở thành vấn đề nóng tại nhiều tỉnh thành hiện nay. Các địa phương cho biết đang nỗ lực xây dựng giải pháp để khắc phục trong năm học mới.
Nhiều tỉnh kêu thiếu giáo viên nghiêm trọng
Đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, chủ yếu là giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và giáo viên mầm non ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên môn Tin học và Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc từ năm lớp 3, nhưng hai bộ môn này thiếu giáo viên trầm trọng.
Riêng môn Ngoại ngữ, để thực hiện dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho lớp 3 năm học 2022 - 2023, theo Bộ GD&ĐT, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho hai năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061 giáo viên. Tương tự, để đủ cho cả 3 năm, cả nước sẽ cần thêm 9.589 giáo viên, việc thiếu cục bộ xảy ra ở nhiều tỉnh.
Với môn Tin học, theo Bộ GD&ĐT, để đủ giáo viên (tính tối thiểu 1 giáo viên/trường) cả nước cần bổ sung thêm 3.684.
Theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên là việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh. Việc bố trí, điều động, phân công giáo viên cũng chưa phù hợp. Một phần khác do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn.
Nhiều địa phương trên cả nước cho biết đang thiếu giáo viên nghiêm trọng. Có tỉnh thiếu tới hàng nghìn, thậm chí chục nghìn giáo viên trong năm học mới, nhất là đối với Chương trình GDPT 2018.
Tại Bình Dương, thông tin trong Hội nghị tổng kết năm học 2021- 2022, triển khai nhiệm vụ năm học mới vừa được tổ chức hồi giữa tháng 8, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết, các cấp học, đặc biệt là mầm non và tiểu học vẫn còn thiếu giáo viên so với quy định.
Thời gian gần đây, giáo viên trên địa bàn tỉnh nghỉ việc nhiều. Thống kê từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 cho thấy, toàn ngành giáo dục Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc, một trong những lý do là lương chưa đảm bảo trang trải cuộc sống.
Hiện Bình Dương có 20.044 công chức, viên chức. Dự kiến với số học sinh tăng trong 2022-2023, tình này sẽ thiếu trên 3.000 giáo viên.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục Bình Dương đã tham mưu để tuyển dụng theo phân cấp quản lý. UBND tỉnh cũng thống nhất chủ trương tuyển giáo viên hợp đồng, phân công giáo viên dạy thêm giờ.
Tại Thanh Hóa, theo đại diện Sở GD&ĐT, trong năm học trước, tỉnh thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022 - 2023, Thanh Hóa sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỷ lệ thiếu 19% theo quy định của Bộ GD&ĐT).
Tại Quảng Bình, theo thống kê của ngành giáo dục tỉnh, năm học 2022-2023, Quảng Bình đang thiếu hơn 1.800 biên chế so với quy định của Bộ GD&ĐT. Nguyên nhân là do cắt giảm biên chế theo lộ trình của Chính phủ và thực tế tăng số lớp, nhóm lớp tại tỉnh này năm học 2022-2023.
Trước thực trạng thiếu giáo viên, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã có thông báo chỉ đạo các sở, ban, ngành với quan điểm "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp".
Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, tham mưu chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn thực hiện hợp đồng giáo viên, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Tại Nghệ An, trao đổi với PV Dân trí cuối tháng 8/2022, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết, vừa qua, trung ương bổ sung cho Nghệ An hơn 2.800/8.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên đang thiếu.
Với số chỉ tiêu này, ngành giáo dục đã phân bổ cho các huyện để tuyển dụng kịp thời trước năm học mới. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh còn thiếu 5.200 giáo viên.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021- 2022, triển khai nhiệm vụ năm học mới, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An nhấn mạnh với việc thiếu hàng nghìn giáo viên, để đảm bảo Chương trình GDPT 2018 sẽ rất khó khăn. Do đó, tỉnh Nghệ An đề xuất Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các Bộ ngành liên quan ban hành các chính sách giúp đảm bảo về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên.
Tại TP Hà Nội, theo tờ trình mới nhất của UBND TP, năm học 2022- 2023, Hà Nội thiếu tổng cộng 10.265 biên chế viên chức, trong đó số giáo viên tiểu học thiếu 3.436 người, THCS 3.135 và THPT 1.311 người.
Đến chiều 12/9, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã thống nhất bổ sung 2.361 biên chế viên chức giáo viên phổ thông công lập vào tổng biên chế sự nghiệp thành phố.
Tại TP.HCM, lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin, địa phương đang thiếu giáo viên dạy môn tiếng Anh và Tin học, diễn ra nhiều ở khu vực ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Việc thiếu giáo viên tạo ra những khó khăn nhất định trong triển khai chương trình năm học 2022-2023.
Tại Bạc Liêu, thống kê của Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh cho thấy, cấp THCS đang thiếu 137 giáo viên, cấp THPT thiếu 145 giáo viên. Với cấp Tiểu học, nhiều trường thiếu giáo viên dạy các môn tiếng Anh, Tin học. Theo quy định, giáo viên tiểu học cần đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, nhưng tỉnh hiện nay chỉ đạt tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp.
Bộ GD&ĐT thừa nhận tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng yêu cầu
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021- 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân hiện chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Cụ thể, thiếu giáo viên môn tiếng Anh, Tin học đối với cấp tiểu học; thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật với cấp THPT khi áp dụng chương trình mới. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở những địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn,…
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, chủ trương chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là phải đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học môn tiếng Anh và môn Tin học, không để bất kỳ cơ sở giáo dục tiểu học nào vì thiếu giáo viên mà không triển khai dạy học đủ các môn học bắt buộc theo Chương trình GDPT mới.
Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng một số địa phương vẫn khó khăn khi chuẩn bị đội ngũ thực hiện các môn học mới ở cấp tiểu học.
Bộ GD&ĐT đánh giá, có nhiều nguyên nhân gây khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên. Cụ thể, không có biên chế tuyển dụng hoặc có biên chế nhưng không tuyển được vì giáo viên không đủ điều kiện trình độ đào tạo.
Một số địa phương đề xuất tuyển giáo viên hợp đồng, nhưng công tác xã hội hóa để có nguồn kinh phí trả lương cho giáo viên còn khó khăn. Đặc biệt, ở một số địa bàn miền núi, các trường có nhiều điểm trường lẻ cách nhau khá xa, gây khó khăn trong việc bố trí giáo viên.
Đơn cử như Hà Nội, năm học 2022- 2023, do thành lập trường mới, tăng lớp, tăng học sinh, địa phương này thiếu tổng cộng 10.265 biên chế viên chức.
Trao đổi với PV Dân trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, địa phương này vừa được duyệt biên chế hơn 2.000 giáo viên nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Vì thế, trước hết yêu cầu các nhà trường chủ động sắp xếp giờ dạy cho giáo viên sao cho phù hợp, không quá tải.
"Một số đơn vị đề xuất tuyển giáo viên hợp đồng, điều này cũng hợp lý trong bối cảnh nhiều nhà trường đang thiếu giáo viên nhưng tuyển bao nhiêu, cơ sở giáo dục có đủ kinh phí để trả lương hay không mới quan trọng", Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói.
Để giải quyết thực trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT cho biết đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành giáo dục. Đồng thời, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Bộ GD&ĐT cũng thông tin đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026. Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026 .
Việc tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học mới của Bộ GD&ĐT.