Hướng tới xã hội tiến bộ và nhân văn
"Xã hội XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội".
Những luận điểm nêu trên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, một lần nữa khẳng định về mô hình xã hội mà Việt Nam sẽ hướng tới.
Đó là một cộng đồng đề cao các giá trị xã hội, vì con người, tôn trọng những lợi ích cá nhân chính đáng nhưng dựa trên nền tảng là lợi ích chung của toàn xã hội.
Thực hiện từ năm 1986, tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế ở nước ta đến nay đã được các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế ghi nhận là một câu chuyện điển hình về "chuyển đổi thành công". Những thành tựu không thể phủ nhận đã đưa nước ta lên một vị thế mới trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng tự hào, chúng ta cũng đang phải đối diện với nhiều vấn đề xã hội nan giải. Đáng chú ý nhất, như được chỉ ra trong các văn kiện Đại hội Đảng gần đây, là tình trạng gia tăng căng thẳng xã hội, gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bất bình đẳng về thu nhập và mức sống giữa các vùng, miền, ô nhiễm môi trường sống. Hẳn nhiên, người dân Việt Nam sẽ không thể có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc nếu các vấn đề nêu trên chưa được giảm thiểu.
Trong bài phát biểu, thêm một lần nữa, Tổng Bí thư khẳng định những tinh thần cốt lõi của tư tưởng XHCN, đó là vì con người. Đích đến cao nhất cho tiến trình lãnh đạo phát triển ở nước ta là vì cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc của mọi người dân. Để tiến đến được đích đó, con người được xác định "giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển". Mỗi người dân Việt Nam phải "có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện".
Quan điểm phát triển nêu trên không chỉ trung thành với nền tảng tư tưởng XHCN mà còn có tính phổ quát trên thế giới hiện nay. Nhận thức chung của nhân loại tiến bộ hiện nay là: một quốc gia chỉ thực sự thành công trong tiến trình phát triển nếu đem đến cuộc sống hạnh phúc cho số đông người dân. Để người dân cảm thấy hạnh phúc thì trước hết phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản và tối thiểu cho mỗi cá nhân.
Cùng với đó, một quốc gia phát triển cũng phải xây dựng được một cộng đồng xã hội hài hòa lợi ích, mối quan hệ giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội, hay giữa chính quyền với người dân dựa trên tinh thần hợp tác và cùng phát triển.
Trong xã hội tốt đẹp đó, con người chung sống hòa bình với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, khai thác các nguồn lực tự nhiên để đáp ứng nhu cầu cho thế hệ hiện tại nhưng không xâm phạm đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai.
Để hướng đến mô hình xã hội XHCN, Tổng Bí thư khẳng định lại nguyên tắc được thực hiện nhất quán trong tiến trình Đảng lãnh đạo phát triển ở Việt Nam: gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Điều đó có nghĩa, theo Tổng Bí thư, chúng ta "không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội". Chúng ta "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần". Thay vào đó, chúng ta sẽ thực hiện song hành cả hai nhiệm vụ: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Hướng đến một xã hội thịnh vượng và công bằng, như đã được chủ trương qua nhiều kỳ Đại hội, chúng ta sẽ "quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo... ".
Việt Nam cũng sẽ "xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột xã hội".
Chúng ta đã và sẽ thiết lập các nguyên tắc để "Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội".
Một trong những thông điệp cốt lõi từ bài phát biểu của Tổng Bí thư là chúng ta sẽ kiên định hướng đến mô hình xã hội XHCN. Đó là xã hội mà sự thịnh vượng được phân phối cho tất cả mọi người, đề cao sự công bằng xã hội và hài hòa lợi ích nhằm giảm thiểu căng thẳng và mâu thuẫn xã hội.
Hiểu đơn giản hơn thì xã hội XHCN mà chúng ta đang theo đuổi sẽ không để xảy ra tình trạng tranh giành lợi ích bất chấp các giới hạn đạo đức, không để cái được của người này phải trả giá bởi cái mất của người kia, không để xuất hiện tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra", không để cá nhân hay nhóm xã hội nào đó bị đặt sang bên lề hay bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển.
Xã hội XHCN mà chúng ta đang kiên định xây dựng là nơi mà mọi người đều được tham gia vào tiến trình phát triển, đóng góp vào sự phát triển, và cùng được thụ hưởng thành quả phát triển. Đó cũng là xã hội đặc biệt coi trọng sự hợp tác và đoàn kết xã hội để hướng tới sự phát triển bền vững.
Cũng có nghĩa, để xây dựng thành công xã hội XHCN, chúng ta cần những nỗ lực tập thể để từng bước loại bỏ mọi hình thức tranh đoạt của nhau bất chấp những giá trị đạo đức của con người.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!