Tâm điểm
Lưu Đình Long

Học Phật và chuyện "giữ giới làm thầy"

Thời gian qua có việc ồn ào liên quan đến người tu hành. Cụ thể là Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã xử lý kỷ luật đối với Thượng tọa Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Lý do theo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, "một số nội dung thuyết giảng về giáo lý nhân quả của Thượng tọa Thích Chân Quang không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội".

Là Phật tử, tôi không vui mừng khi bất cứ ai bị kỷ luật, cho dù việc xử lý là xứng đáng và cần thiết, bởi một hình phạt nào đó không phải để cho mình hả hê. Tôi cũng một lòng tin rằng những ồn ào kể trên chỉ là trường hợp cụ thể trong hàng chục ngàn tu sĩ Phật giáo vững vàng chánh pháp.

Chúng ta hiểu rằng cửa Phật vốn là nơi yên bình để con người nương tựa, nhưng sẽ không tránh được trường hợp này khác có những việc làm không đúng.

Học Phật và chuyện giữ giới làm thầy - 1

Người dân ở Cần Thơ đi lễ chùa trong ngày đầu năm (Ảnh: Bảo Kỳ)

Đức Phật dạy "lấy giới làm thầy", "y pháp bất y nhân". Hiểu một cách nôm na giới luật của Phật giáo chú trọng tu thân làm người, các tín đồ cũng như người tu hành ngưỡng vọng và noi theo tấm gương Đức Phật để hoàn thành nhân cách, làm một con người tốt. Tu thân hoàn thành mới có thể khai phá trí tuệ sáng ngời bên trong, chứng ngộ chân lý cao nhất.

Chúng ta đặt niềm tin và làm theo chánh pháp và không tin theo bất cứ ai nói hoặc làm sai chánh pháp. Cũng có nghĩa là, không nên tin và bám chấp vào một vị thầy khi người ấy cũng chỉ là phàm tăng, đang trên bước đường tu. Thực ra, không chỉ học Phật mới cần điều này, với tất cả các mối quan hệ, ứng xử hàng ngày, mỗi người đều cần học và hành, soi chiếu xem mình đã tiếp cận, đã hiểu, đã làm đúng với đạo đức chung của xã hội và pháp luật của nhà nước chưa.

Nếu thầy mình, người lãnh đạo của ta không đúng, trái đạo mà mình vì sợ hãi hoặc vì thần tượng mà bỏ qua hay cố chấp bao che, bảo vệ mù quáng thì cũng đang hại họ.

Trong mối quan hệ thầy trò, không phải lúc nào người thầy cũng đúng và học trò lúc nào cũng cứ răm rắp nghe theo, cả trong học thuật lẫn học đạo. Phải chăng khi một người thầy bị kỷ luật, đâu đó cũng có lỗi của người học vì đã mù quáng tin theo, cố chấp bảo vệ?

Từ nhỏ, tôi đã biết đến chùa và nguyện làm Phật tử. Ngôi chùa ở quê tôi nằm giữa cánh đồng có tên là "Viên Minh tự", là chốn về bình an của người dân ở một vùng quê miền Trung, đa số khó nghèo. Thủa ấu thơ, tôi và má vẫn hay đi chùa vào mùng 1 và rằm. Mỗi tháng hai lần, đều đặn, người dân và Phật tử quê vẫn hay gọi là đi sám hối.

Theo sinh hoạt thiền môn, cố định, ngày 14 và 29 hoặc 30 âm lịch sẽ là thời kinh sám hối - ngày để mỗi người soi xét lại mình nhiều hơn, nghĩ về những lỗi lầm đã tạo để có thể ăn năn, phát nguyện chừa bỏ thói tật do tham - sân - si thúc đẩy, để bước đi trên con đường sáng đẹp, chân chính.

Thú thật, ngay từ buổi ban sơ học Phật, tôi từng thích nghe nhiều vị thầy giảng, có những vị mình nghe phù hợp, nhiều vị không thấy phù hợp. Tôi học Phật bằng cách nghe để hiểu, thực hành phù hợp với căn tính, tìm về những lời dạy nguyên thủy của Đức Thế Tôn trong kinh điển chứ không thần tượng, "chết cứng" với một vị thầy, với những bài giảng đôi khi chỉ là kinh nghiệm cá nhân của giảng sư.

Trong nhà Phật có một câu rất hay, "chiếc áo không làm nên thầy tu", nên người Phật tử cũng có quyền lựa chọn minh sư (vị thầy có trí tuệ và tình thương lớn) cùng môi trường phù hợp để học hỏi, vun bồi đạo tâm, đạo lực.

Muốn vậy, phải học. Nếu không học kinh điển, một người con Phật có thể tu mù. Tất nhiên, học giỏi giáo lý mà không chỉnh sửa ý - khẩu - thân, chuyển hóa phiền não thì cũng chỉ là một trí thức Phật giáo chứ chưa phải là một hành giả đúng nghĩa.

Thực ra, chọn minh sư, học và tu nghiêm túc, ngay khi ấy người Phật tử cũng đang giúp thầy mình giữ gìn giới luật. Người Phật tử có hiểu biết chân chính cũng sẽ biết rời vị thầy mà mình thấy rằng họ có nhiều cái sai, nhất là khi cái sai ấy đã được Tăng đoàn nhất tâm cử tội, chỉ bảo.

Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!