Tâm điểm
Trình Phương Quân

Học kỳ theo quý, một xu hướng mới

Trong những năm gần đây, nền giáo dục toàn cầu đã có những thay đổi đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt và hiện đại hơn.

Một trong những xu hướng nổi bật là chuyển từ hệ thống học kỳ truyền thống với các bài đánh giá liên tục sang hệ thống học theo quý, chủ yếu dựa vào kết quả thi cuối kỳ. Cá nhân tôi đã có cơ hội trải nghiệm bốn môi trường giáo dục đại học và sau đại học khác nhau, bao gồm Việt Nam, châu Âu (Bỉ), châu Á (Singapore), Bắc Mỹ (Hoa Kỳ), và nhận thấy rõ những ưu điểm của hệ thống học theo quý so với hệ thống học kỳ truyền thống.

Những ưu điểm này bao gồm tối ưu hóa thời gian, rèn luyện kỹ năng quản lý, và tăng cơ hội tiếp cận nhiều chủ đề học thuật đa dạng hơn.

Tại Việt Nam, Quy chế 43 về đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, được thực hiện từ năm 2007, năm học được chia thành hai học kỳ chính và một học kỳ hè. Mỗi học kỳ chính kéo dài 15 tuần học và 3 tuần thi. Học kỳ hè là tùy chọn, kéo dài từ 5 đến 7 tuần, dành cho sinh viên có nhu cầu học thêm hoặc học lại các môn.

Tuy nhiên, do thời gian ngắn, học kỳ hè trở thành "học kỳ phụ", khiến việc giảng dạy và học tập khó đảm bảo đầy đủ nội dung như một học kỳ chính. Hơn nữa, nếu sinh viên rớt một môn ở học kỳ hai nhưng môn đó không được mở trong kỳ hè do thời gian hạn chế, sinh viên có thể phải trễ thêm một năm học.

Học kỳ theo quý, một xu hướng mới - 1

Học theo quý cho phép sinh viên đăng ký nhiều môn trong một năm học (Ảnh minh họa: CV)

Tại Hoa Kỳ, hai mô hình học kỳ (semester) và học theo quý (quarter) đều phổ biến ở các trường đại học và cao đẳng. Khoảng 70-75% các trường áp dụng hệ semester, đặc biệt ở các trường trong khối Ivy League (Harvard, Yale). Ngược lại, hệ quarter được sử dụng ở khoảng 25-30% trường, thường là ở bờ Tây, với các trường nổi tiếng như Stanford, Northwestern, và hệ thống Đại học California (UC). Hệ quarter cho phép sinh viên học nhiều khóa hơn trong thời gian ngắn nhưng yêu cầu cường độ học cao hơn.

Hệ thống học theo quý chia năm học thành bốn quý, mỗi quý kéo dài khoảng 10 đến 12 tuần, với kỳ nghỉ ngắn khoảng 1-2 tuần giữa các quý. Ba quý chính là Thu, Đông, Xuân, bắt đầu từ khoảng đầu tháng 9 đến cuối tháng 5, và quý hè, từ đầu tháng 6 đến tháng 9. Thay vì học kỳ truyền thống kéo dài 15-18 tuần, sinh viên theo hệ thống này học ba quý trong năm và có một quý nghỉ (thường là vào mùa hè). Điều quan trọng hơn, học theo quý không chỉ là sự thay đổi về thời gian mà còn tạo ra sự khác biệt trong phương pháp học và cách quản lý thời gian của sinh viên.

Một trong những lợi ích lớn nhất của hệ thống học theo quý mà tôi cảm nhận được là sự linh hoạt trong việc lựa chọn và theo đuổi các khóa học. Học theo quý cho phép sinh viên đăng ký nhiều môn trong một năm học, mở ra cơ hội mở rộng kiến thức và khám phá nhiều lĩnh vực mà không bị giới hạn bởi số lượng tín chỉ như hệ học kỳ. Nhờ đó, cá nhân tôi không chỉ tập trung vào chuyên ngành Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường mà còn học thêm các môn về quản lý dự án, khoa học môi trường, lập trình, hùng biện và cả xã hội nhân văn.

Việc chia nhỏ nội dung học cũng là một ưu điểm quan trọng, giúp sinh viên dễ dàng tập trung vào từng nhóm môn học nhỏ trong mỗi quý thay vì bị dồn ép với quá nhiều môn học cùng lúc hay một học kỳ dài lê thê và mọi thứ dồn đợi cảnh "nước đến chân mới nhảy" cho kì thi. Chúng ta đã quen với tình trạng nhiều sinh viên tại các đại học Việt Nam thường rất thong thả  suốt thời gian đầu của học kỳ, và học dồn ngày đêm trong 2-3 tuần cuối cho việc thi qua môn.

Vì vậy, học kỳ theo quý là một cách để giảm tải áp lực học tập, tạo điều kiện cho sinh viên có thể học tập sâu sắc và hiệu quả hơn. Trải nghiệm thực tế cho thấy mỗi quý học ngắn hạn cũng giúp chúng tôi dễ dàng theo dõi tiến độ học và nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch học tập nếu cần.

Một ưu điểm khác của hệ thống học theo quý là khả năng tối ưu hóa thời gian. Khi thời gian học trong mỗi quý được rút ngắn còn 10 tuần, tôi buộc phải tiếp cận nội dung học nhanh chóng và chính xác hơn. Điều này thúc đẩy tôi phải rèn luyện khả năng tiếp thu và xử lý thông tin một cách nhanh nhẹn, đồng thời tạo động lực để hoàn thành các môn học trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Những sinh viên có ý định hoàn thành chương trình học nhanh hoặc muốn học đa dạng môn hơn sẽ thấy rõ lợi ích này.

Hệ thống học theo quý còn mang lại sự linh hoạt cho sinh viên trong việc thay đổi môn học hoặc chuyên ngành. Một trong những lo lắng thường gặp là không thích ứng hoặc không yêu thích môn học mới. Trong hệ học kỳ dài, sinh viên có thể phải theo học một môn không phù hợp trong suốt 4-5 tháng, gây cản trở. Ngược lại, với hệ quý chỉ kéo dài 3 tháng, rủi ro này giảm đi, cho phép sinh viên thử nghiệm nhiều môn học mà không bị ràng buộc quá lâu, đồng thời có thể "drop" (bỏ) môn trong 3 tuần đầu để đăng ký lớp khác. Nhờ vậy, tôi đã dám thử những môn học mới, giúp mở rộng hiểu biết toàn diện hơn về lĩnh vực của mình.

Ngoài những lợi ích đã đề cập, việc đóng học phí theo quý cũng mang lại sự linh hoạt tài chính cho sinh viên và phụ huynh. Khi học phí được chia nhỏ theo từng quý, số tiền phải đóng ở mỗi quý sẽ ít hơn so với học kỳ. Điều này giúp phụ huynh dễ dàng quản lý chi phí và không phải đối mặt với gánh nặng tài chính lớn ngay từ đầu năm học cũng như tạo điều kiện cho nhiều sinh viên có thể tiếp cận giáo dục đại học mà không gặp khó khăn về tài chính, đồng thời giúp họ lập kế hoạch tài chính hiệu quả hơn trong suốt quá trình học tập.

Tại các trường đại học Mỹ, kiểm tra thường xuyên và điểm danh là yếu tố quan trọng trong hệ thống giáo dục. Các trường thường tổ chức nhiều bài kiểm tra, bài tập nhỏ và làm việc nhóm, chiếm phần lớn điểm cuối kỳ. Điểm danh cũng được coi trọng, đặc biệt trong các lớp nhỏ, giúp giảng viên theo dõi sự tham gia của sinh viên và thúc đẩy thói quen học tập kỷ luật. Cá nhân tôi nhận thấy, đây là biện pháp thiết thực, từng là thói quen trong bậc THPT tại Việt Nam, nhưng khi lên đại học lại bị bỏ ngỏ.

Hiện nay ở các đại học Việt Nam, việc đánh giá thường tập trung vào bài thi cuối kỳ, kiểm tra giữa kỳ ít phổ biến và điểm danh nhiều khi không bắt buộc. Sinh viên có thể ít chú trọng đến việc tham gia đầy đủ các buổi học, thậm chí có người vắng mặt suốt học kỳ và chỉ xuất hiện vào ngày thi hoặc thuyết trình cuối kỳ.

Điều này rõ ràng làm giảm chất lượng dạy và học, khi sự tự giác và ý thức tự học của sinh viên không được khuyến khích đúng mức. Kết quả chỉ được đánh giá dựa vào bài thi cuối kì cũng làm cho việc đánh giá không khách quan chính xác, dễ nảy sinh hiện tượng "đoán đề", "học tủ" mà không thực sự khuyến khích sinh viên có thái độ học tập nghiêm túc và siêng năng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng học theo quý cũng đi kèm với những thách thức nhất định. Đầu tiên, áp lực học tập trong mỗi quý là rất lớn. Do thời gian học ngắn hơn, kiến thức được truyền tải nhanh chóng và yêu cầu sinh viên phải theo sát tiến độ. Điều này có thể gây căng thẳng cho những sinh viên cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa kiến thức hoặc phải cân bằng giữa học tập và các hoạt động cá nhân khác. Đặc biệt với các ngành mà kiến thức cần sự kế thừa trước sau, thực hiện đồ án, luận án và khối lượng lớn như Y khoa, Dược, Kỹ thuật, Kiến trúc… việc học theo học kỳ có phần phù hợp hơn.

Từ trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy hệ thống học theo quý  mang lại nhiều lợi ích, như tăng cường tính linh hoạt, tối ưu hóa thời gian học, và phát triển kỹ năng quản lý thời gian. Tuy nhiên, sinh viên cũng cần cân nhắc về áp lực học tập và chi phí khi lựa chọn phương thức này. Dù vậy, tôi tin rằng học theo quý vẫn là một phương pháp hiện đại, linh hoạt, đáng để các trường đại học và nhà hoạch định giáo dục tại Việt Nam xem xét và áp dụng, bên cạnh học kỳ truyền thống trong bậc đại học và sau đại học hiện nay.

Tác giả: Trình Phương Quân (Kiến trúc sư) tốt nghiệp thạc sĩ ngành kỹ thuật xây dựng và môi trường tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Trước đó, Quân theo học ngành thiết kế bền vững tại Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Kiến trúc TPHCM. Quân tham gia thiết kế kiến trúc, quy hoạch, đồng thời là tác giả cộng tác với nhiều tờ báo, tập trung vào các chủ đề về môi trường, thiết kế và văn hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!