Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Đại học doanh thu ngàn tỷ và nỗi lo học phí

Báo chí dẫn số liệu từ báo cáo "Ba công khai" và đề án tuyển sinh của các trường đại học, vừa công bố những trường có doanh thu ngàn tỷ trở lên trong năm 2023. Theo đó, có 10 trường dẫn đầu về doanh thu, bao gồm 6 trường đại học công lập và 4 trường tư thục.

Trước hết, việc có nhiều trường đại học doanh thu cao là tín hiệu tích cực về sự phát triển của hệ thống đại học ở Việt Nam, nhất là những trường trong nhóm trên. Chúng ta kỳ vọng rằng doanh thu sẽ tỷ lệ thuận với chất lượng đào tạo.

Việc nhiều trường có doanh thu ngàn tỷ đồng gia tăng, trong bối cảnh học phí là nguồn thu chính (trung bình chiếm tới 80%, cao nhất lên tới 90%), và học phí đại học nói chung lại dự kiến tăng 8-15% hàng năm, cũng là vấn đề đáng suy ngẫm.

Đại học doanh thu ngàn tỷ và nỗi lo học phí - 1

Khuôn viên Trường Đại học FPT phân hiệu TPHCM (Ảnh: FPTEdu).

Ngày nay với nhiều em học sinh, đỗ đại học không khó nhưng gia đình có đủ điều kiện cho em theo học hay không thì lại là câu hỏi không dễ trả lời.

Trong danh sách các trường đại học đạt doanh thu ngàn tỷ có thể chia làm hai nhóm. Một là trường công có thứ hạng cao như các Đại học: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TPHCM, Kinh tế quốc dân, Tôn Đức Thắng, Công nghiệp TPHCM, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM (trong số này 2 trường có doanh thu hơn 2 ngàn tỷ đồng).

Nhóm một năm nay xuất hiện thêm 2 trường mới là Đại học Công nghiệp và Đại học Bách khoa TPHCM, trong khi Đại học Cần Thơ bị rớt ra ngoài vì doanh thu giảm từ gần 1.120 tỷ đồng xuống còn hơn 950 tỷ.

Hai là các trường tư thục thu hút đông sinh viên vì có chất lượng phù hợp với nhu cầu. Đó là các Đại học: FPT, Nguyễn Tất Thành, Công nghệ TPHCM (Hutech), Văn Lang.

Doanh thu của một số đại học tăng khá nhanh. Ví dụ như dẫn đầu về tổng thu trong 10 trường là Đại học FPT - gần 2.920 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2021; kế đó là Đại học Bách khoa Hà Nội với khoảng 2.140 tỷ đồng, tăng gấp đôi. Trong số các đại học quốc tế ở VN thì doanh thu dẫn đầu thuộc về trường RMIT với hơn 3.780 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, nguồn thu của các đại học ở ta bao gồm một số khoản chính là học phí; ngân sách nhà nước (có thể là cấp chi thường xuyên, chi đầu tư cho các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ…), hợp tác với doanh nghiệp, và các nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân…

Tuy nhiên, dù là công hay tư thì có thể thấy học phí vẫn đang là nguồn thu lớn nhất của các trường đại học. Số liệu đã công bố cho thấy doanh thu ngàn tỷ trở lên của các trường chủ yếu dựa vào học phí, rất hiếm có được một trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, doanh thu từ nghiên cứu khoa học và các nguồn khác tăng từ 97,4 tỷ năm 2022 lên thành 506 tỷ đồng năm 2023.

Trong bối cảnh ngân sách dành cho giáo dục đại học còn hạn chế, khi chuyển đổi thành tự chủ, các trường thường phải "bấu víu" vào nguồn thu từ học phí. Vậy, cách nào để đa dạng nguồn thu và giảm gánh nặng học phí?

Kinh nghiệm từ các nước có nền giáo dục đại học hàng đầu trên thế giới cho thấy một số hướng sau: Tăng ngân sách cấp cho các trường công, kèm yêu cầu nâng cao chất lượng đầu ra; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát minh sáng chế để có nguồn thu từ doanh nghiệp; thu hút tiền hiến tặng của cựu sinh viên và giảng viên cùng phụ huynh sinh viên thành đạt…

Mỹ là quốc gia làm rất tốt việc này. Các số liệu đã công bố cho thấy tại Mỹ, vào những năm 1970, ngân sách hoạt động của các trường đại học công có tới 75% là do Chính phủ tài trợ, ngày nay, con số này chỉ còn từ 10-15%.

Theo thống kê của Hội đồng Tiến bộ và Hỗ trợ Giáo dục (CASE), số tiền tài trợ và đóng góp tự nguyện cho các trường đại học và cao đẳng tại nước Mỹ trong năm tài khóa 2021 là 52,9 tỷ USD, tăng 6,9 % so với năm 2020. Đơn cử, năm 2018, tỷ phú Michael Bloomberg tài trợ cho Đại học Johns Hopkins 1,8 tỷ USD. Vào tháng 5/2022, tỷ phú John Doer tài trợ cho Đại học Stanford khoản tiền 1,1 tỷ USD để phục vụ cho các nghiên cứu về chống biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, trường đại học ở các nước phát triển còn nguồn thu khác mà ở ta dường như các nhà trường chưa nghĩ đến, đó là thu gián tiếp từ việc bán vé thi đấu thể thao. Vào năm 2019, Liên đoàn bóng rổ Đại học Mỹ NCAA trả cho mỗi trường vào được vòng chung kết quốc gia số tiền 611 triệu USD, chưa kể đến tài trợ từ các nhãn hàng thể thao khác. Tôi nói các nhà trường chưa nghĩ đến, là vì để thực hiện được cơ chế này thì phải thay đổi cơ bản việc tập luyện thể thao ở trường đại học nói riêng cũng như đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao nói chung, rồi việc tổ chức các giải thi đấu thể thao của hệ thống đại học…

Muốn làm được những việc trên, trước hết các đại học phải đầu tư rất mạnh vào thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng nghiên cứu khoa học và sáng tạo.

Cùng với đó, các nhà trường cũng cần đa dạng hóa hoạt động văn nghệ, thể thao, tránh việc coi đây chỉ là những hoạt động phong trào, qua đó mới có thể khuyến khích phát triển và tạo doanh thu từ tài năng đa dạng của sinh viên.

Nếu không bắt tay vào ngay từ bây giờ, thì rất có thể nhiều năm tới nguồn thu chủ yếu của các đại học hàng đầu ở ta vẫn chỉ là học phí.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!