Hệ lụy từ việc người dân đi khám, chữa bệnh vượt tuyến
Trong những khó khăn, tồn tại của ngành y tế, có một vấn đề nhức nhối lâu nay là quá tải bệnh viện, nhất là các bệnh viện lớn, đầu ngành cả ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, Huế...
Hệ lụy của tình trạng này nhìn từ góc độ y tế là rất rõ ràng, trong khi các bệnh viện tuyến trên luôn quá tải thì các cơ sở y tế tuyến dưới lại vắng bệnh nhân, nhưng còn những hệ lụy khác về mặt xã hội ít khi được đề cập. Tôi xin nêu một thực tế nhìn từ địa phương.
Giữa tháng 2 vừa qua đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc giữa xe khách và xe container ở Quảng Ngãi khiến 10 người tử vong. Đa số nạn nhân trên xe khách gặp nạn là người ốm và người nhà từ tỉnh Quảng Ngãi ra Đà Nẵng để khám chữa bệnh.
Nguyên nhân vụ tai nạn đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên từ việc xe chở người ốm đi khám chữa bệnh gặp nạn, đặt ra câu hỏi vì sao nhiều người dân hàng ngày phải ra TP Đà Nẵng để khám chữa bệnh trong khi hệ thống y tế tỉnh Quảng Ngãi có đủ cơ sở và ở ngay gần nhà mình?
Theo tìm hiểu của người viết bài này, lâu nay bắt đầu từ 2-3h sáng hàng ngày, xe khách (chủ yếu là xe 16 chỗ) đi một vòng ở các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi đón các bệnh nhân, người dân có nhu cầu khám chữa bệnh (đã đặt chỗ trước), sau đó di chuyển ra Đà Nẵng trên tuyến đường Võ Chí Công để "né" 2 trạm thu phí.
Đến trưa chiều, sau khi bệnh nhân khám bệnh xong, các xe khách lại đi một vòng các cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện C17 đón bệnh nhân trở lại Quảng Ngãi.
Vì sao đi khám chữa bệnh tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc như thế nhưng người dân vẫn phải khổ cực di chuyển? Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều tự trả lời được câu hỏi này. Nếu người dân hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào hệ thống y tế địa phương thì chắc là không đến nỗi mỗi ngày đều có cả chục chuyến xe đưa đón người ở Quảng Ngãi đi khám bệnh ở Đà Nẵng và Huế.
Nói như vậy không có nghĩa là không ghi nhận những nỗ lực của hệ thống y tế Quảng Ngãi. Thời gian qua, hệ thống y tế cả tư lẫn công tại địa phương này đã cải thiện rất nhiều, có nhiều bước phát triển đáng kể. Thế nhưng tâm lý của một bộ phận người dân vẫn muốn đi khám, chữa bệnh vượt tuyến. Tôi đã nghe nhiều người dân Quảng Ngãi chia sẻ rằng thà ra Đà Nẵng chữa bệnh tốn nhiều tiền một chút chứ nhất quyết không vào hệ thống cơ sở y tế công địa phương.
Còn nhớ vào tháng 11/2020, tại cuộc gặp mặt truyền thống Câu lạc bộ Nhà giáo Quảng Ngãi tại thành phố Đà Nẵng, một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi phát biểu và thừa nhận lĩnh vực y tế của tỉnh còn nhiều hạn chế, dẫn đến người dân 2-3h sáng phải đón xe ra Đà Nẵng, Huế để thăm khám, chữa bệnh.
"Có nghĩa là lãnh đạo tỉnh đã biết việc này và hứa sẽ cố gắng cải thiện trong thời gian tới", người chia sẻ thông tin từ cuộc gặp mặt nói. Thế nhưng đến nay vẫn có rất nhiều người bệnh ở Quảng Ngãi thức giấc từ 3-4h sáng để ra Đà Nẵng khám chữa bệnh, trong đó có những bệnh thông thường.
Thực tế nêu trên chắc hẳn không phải là vấn đề riêng của Quảng Ngãi. Đó cũng là chuyện ở nhiều địa phương khác. Chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối như chúng ta đã biết. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế, có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.
Giải pháp nhiều người thường nghĩ đến cho vấn đề trên là tăng cường đầu tư hệ thống y tế tuyến dưới và tuyến cơ sở, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc cải thiện chất lượng hệ thống y tế trên địa bàn. Đây là cách tiếp cận đúng nhưng chưa đủ. Để giải bài toán quá tải bệnh viện, tạo niềm tin, thói quen của người dân trong việc thăm khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến dưới phù hợp với bệnh trạng của mình, chắc chắn là cần đến những giải pháp đồng bộ hơn.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, đại biểu Quốc hội - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu khi phân tích các vấn đề của y tế cơ sở đã cho rằng "các bất cập vòng vèo, luẩn quẩn với nhau mà không có lối ra nếu chúng ta cứ cố chắp vá và sửa chữa một cách nhỏ lẻ". Tăng lương, xây trụ sở đẹp, mua máy móc… không giải quyết được gốc rễ của vấn đề; và chúng ta lại bị rơi vào vòng luẩn quẩn. Lương không thể tăng mãi, cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân, máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng… cuối cùng là lãng phí rất lớn.
Làm cách nào để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị? Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nêu câu hỏi, và đưa ra đề xuất thử nghiệm một mô hình mới. Coi các trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế quận, huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau, cả người bệnh và nhân viên y tế.
Các bác sĩ trung tâm y tế quận huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở xã phường, đặc biệt là các bệnh mạn tính, không lây nhiễm như huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm thần… Đồng thời cũng sẽ có các buổi khám về Ngoại khoa, Sản khoa, Nhi khoa… để tư vấn cho những người bệnh đi chữa đúng địa chỉ, thăm khám sau khi đã chữa tại các cơ sở y tế tuyến trên hay những vấn đề đơn giản có thể xử lý luôn ở trạm y tế xã, phường.
Bác sĩ Hiếu cũng đề xuất đẩy mạnh chuyển đổi số ngành y tế, bao gồm cả khám chữa bệnh từ xa (telehealth) và đây được cho là chìa khóa thành công cho các đổi mới mô hình hoạt động của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, ngành y tế cần kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục giải quyết các bất hợp lý về danh mục thuốc bảo hiểm y tế; đẩy mạnh việc triển khai Đề án "cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới"; thực hiện toàn diện các giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, phát triển hiệu quả mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới…, qua đó giúp các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện được nhiều hơn kỹ thuật cao trong điều trị.
Khi các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải, đây không chỉ là sự quá tải về y tế mà cả về giao thông, xã hội dẫn đến nhiều hệ lụy với người dân.
Tác giả: Nhà báo Công Bính tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Anh là phóng viên báo Dân trí từ năm 2010, hiện thường trú tại tỉnh Quảng Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!