Dưới 18 tuổi và chỉ được chơi game không quá 180 phút mỗi ngày
Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được ban hành cuối tuần qua dài hơn 115 trang, có nhiều nội dung và một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là câu chuyện quản lý con trẻ dưới 18 tuổi chơi game mỗi ngày.
Nghị định ghi rõ: Trẻ em dưới 18 tuổi chỉ được chơi game không quá 60 phút mỗi game và không quá 180 phút/ngày khi chơi nhiều game. Nghị định nêu khá chi tiết với 11 điều kiện bắt buộc dành cho các nhà phát hành game, nhà sản xuất game như kỹ thuật, tài chính, nhân sự, kết nối… Đồng thời, đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn so với trước đây trong việc xác thực tài khoản qua số điện thoại di động, căn cước công dân. Trẻ em dưới 18 tuổi sử dụng căn cước công dân hoặc số điện thoại của cha mẹ thì cha mẹ phải có trách nhiệm giám sát, quản lý con.
Nghị định cũng quy định chi tiết về phân loại game theo các cấp độ - hình thức của game, phân loại theo độ tuổi với nội dung game. Tất cả đều chi tiết và rõ ràng, rất chặt chẽ.
Đây có thể nói là một văn bản mà đông đảo các bậc phụ huynh chờ đợi và hoan nghênh, dư luận xã hội đồng tình. Khỏi phải nói tình trạng nghiện game, "cắm đầu" vào game triền miên cả ngày và đêm ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến bọn trẻ và làm cha mẹ đau đầu ra sao. Vấn đề này đã được mổ xẻ nhiều năm nay. Nghị định 147 đưa ra các giải pháp cần thiết và sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng nêu trên.
Tuy nhiên, để nghị định đi vào cuộc sống, theo tôi cơ quan quản lý cần có những hướng dẫn chi tiết hơn ở các thông tư liên quan. Cụ thể, quy định trẻ em dưới 18 tuổi không được chơi quá 60 phút/game, không quá 180 phút khi chơi nhiều game trong 1 ngày là cần thiết, nhưng cơ chế quản lý như thế nào? Nhà phát hành game, đơn vị chủ quản của game ư? Với những thông báo 30 phút/lần ở vị trí dễ thấy nhất trong game như nghị định yêu cầu, hay nên áp dụng việc ngắt kết nối, ngừng cung cấp dịch vụ, khiến game thủ dưới 18 tuổi bị vô hiệu hóa trò chơi?
Câu hỏi nhiều người đang đặt ra là mỗi doanh nghiệp sẽ chỉ quản một số tựa game, trong khi người chơi có thể chơi hàng chục game của hàng chục doanh nghiệp, vì vậy một doanh nghiệp có thể sẽ không xác định được chính xác tổng thời gian chơi game của trẻ trong ngày. Đó là chưa kể game offline, tải về qua mạng, không có tương tác giữa người chơi với nhau, giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp thì biện pháp quản lý ra sao? Chưa kể trên các chợ ứng dụng của điện thoại thông minh, vô vàn những game đặt máy chủ ở nước ngoài, thu tiền thông qua quảng cáo trong game, không thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Một vấn đề mà cơ quan quản lý cũng cần tính đến khi kiểm tra thực tế, đó là có thể sẽ phát sinh những chợ mua bán tài khoản game nhằm "giúp" những đứa trẻ dưới 18 tuổi mê game có thể chơi thoải mái. Có cung ắt có cầu. Ngay cả khi các doanh nghiệp phát hành game tuân thủ nghị định 147, góp tay cùng các phụ huynh bảo vệ trẻ em thì chúng ta cũng chẳng thể đòi hỏi họ đi xác minh hết được hàng trăm nghìn tài khoản game được lập ra mỗi ngày. Và cả những tựa game không phải của các doanh nghiệp Việt, những trò "game 18+" nhan nhản trên mạng.
Vấn đề được đặt ra sau nghị định 147 trước hết là sự tuân thủ của các doanh nghiệp phát hành game, còn về phía các bậc phụ huynh không nên chủ quan, nghĩ rằng đã có quy định rồi thì gia đình không còn phải lo lắng, quan tâm vấn đề này nữa. Trong thực tế, câu chuyện mà những người làm cha làm mẹ phải đối diện hiện nay không chỉ là câu chuyện chơi game quá 180 phút mỗi ngày hay không quá 60 phút/game, mà còn là thời gian con trẻ dưới 18 tuổi sử dụng điện thoại, máy tính, lên mạng.
Chúng ta đều biết rằng thời đại 4.0, mạng 5G… đang là xu hướng không thể quay ngược lại được nữa rồi. Những đứa trẻ thế hệ Alpha (sinh từ 2011 trở đi) được gọi là công dân kỷ nguyên chuyển đổi số, và chuyện các con tiếp cận điện thoại thông minh, công nghệ, mạng Internet đã trở thành chuyện tất nhiên, không thể cấm cản hoàn toàn.
Nghị định 147 sẽ góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa việc chơi game quá sức so với thể chất của trẻ dưới 18 tuổi. Nhưng không có văn bản nào có thể giúp các cha mẹ quản lý được con mình, một khi đứa trẻ không có kỷ luật và không bị yêu cầu giữ kỷ luật trong việc sử dụng thiết bị điện thoại thông minh, máy tính, mạng Internet. Và quy định sẽ chỉ trên giấy một khi chính các cha mẹ không quản lý con mình, vẫn để con tùy ý ôm điện thoại, máy tính, không biết con đang chơi game gì, không có thời gian để chơi cùng con.
Và một câu hỏi muôn thuở lại được đặt ra: Cha mẹ có thể nghĩ ra game nào hấp dẫn con hơn game trên điện thoại? Cha mẹ có trò chuyện cùng con vui hơn khi con trò chuyện với ai đó trên mạng? Và cha mẹ có buông điện thoại xuống, chơi cùng con không? Chừng nào cha mẹ làm được vậy thì may ra…
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!