Đô thị sông Hồng và an ninh nguồn nước
Thời gian gần đây khi bàn về quy hoạch đô thị sông Hồng, nhiều người thường chỉ đề cập đến khía cạnh phát triển đô thị, xây dựng các cây cầu, hình thành các dự án bất động sản, tạo dựng các công viên xanh… mà ít đề cập đến vấn đề dòng chảy sông Hồng và an ninh nguồn nước.
Theo tôi, việc phát triển đô thị, đặc biệt là đô thị sông Hồng - dòng sông có vị trí trọng yếu trong tổng thể tài nguyên đất nước chúng ta, mà không chú ý đúng mức đến tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh nguồn nước thì sẽ là một thiếu sót nghiêm trọng và sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài.
Những người sống lâu năm gần các bãi bồi sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội đều thấy rằng dòng chảy ngày càng bị thu hẹp. Chồng lớp các tấm bản đồ vệ tinh cũng giúp chúng ta thấy được những biến động của dòng chảy, các bãi đất bồi, màu phù sa của sông Hồng biến đổi qua mấy chục năm. Cụ thể, với hơn 72 km đoạn sông từ cầu Trung Hà về cầu Thanh Trì, dòng chảy vào tháng 12/1985 là 25,8 km2 đến tháng 12/2021 còn 14,7 km2. Sau gần 40 năm, diện tích mặt nước giảm đi 11,1 km2 để lộ ra bãi bồi có diện tích rộng gấp 2 lần quận Hoàn Kiếm.
Nhiều ý kiến cho rằng đó là quỹ đất mới hình thành đem lại nguồn lợi lớn nếu đưa vào khai thác bất động sản, tuy vậy đất bãi sông nằm trong ranh giới đê. Câu hỏi đặt ra là đây là đất đô thị hay đất lòng sông đang cạn nước dành cho nước chảy? Đất bán ngập này sẽ được khai thác như thế nào cho đúng với Luật Đê Điều, Luật Bảo vệ Tài nguyên nước?
Cũng bằng phương pháp chồng lớp bản đồ vệ tinh, phóng to khu đất bờ sông sát chân cầu Long Biên cho thấy mép nước năm 2000 đến 2023 đã lùi ra lòng sông gần 600 m. Con lạch nhỏ dẫn nước từ bãi Nhật Tân về Phức Xá đã bị bồi lấp dần từng đoạn tạo ra một bãi ven sông, riêng trong phạm vi quận Hoàn Kiếm rộng 55 ha.
Người dân sử dụng bãi bồi này để trồng trọt, chăn nuôi và đây đó dựng lên các căn lều hàng rào. Qua nhiều năm các cây trồng phát triển, các công trình tạm từng bước kiên cố hóa.
Năm 2019, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức giải tỏa khu vực trên, nhưng chỉ ít lâu sau tình trạng tái chiếm lại tiếp diễn. Giai đoạn 2020-2022, quận Hoàn Kiếm đã hỗ trợ các nghệ sĩ thực hiện dự án nghệ thuật cộng đồng ngay trên bức tường ngăn cách bảo vệ bãi bồi, chống lấn chiếm. Dự án đã góp phần phát triển không gian công cộng, hoạt động văn hóa nghệ thuật tại khu dân cư kết hợp với bảo vệ đất bãi sông, bán ngập mới hình thành.
Hiện nay quận Hoàn Kiếm tiếp tục nghiên cứu phát triển không gian công cộng, cây xanh để bảo vệ môi trường sinh thái tốt hơn cũng như bảo vệ đất công, chống lấn chiếm tự phát. Tuy nhiên, đây là một quá trình không dễ dàng, nhất là khi có thông tin về quy hoạch đô thị và đất đai tăng giá chóng mặt.
Những năm qua, dù đã có nhiều cải cách song nhìn chung hệ thống quản lý đất đai, mặt nước của chúng ta còn lạc hậu, năng lực quản trị đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, lập quy hoạch không khả thi do thiếu thông tin… Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc lấn chiếm tràn lan, xây dựng tự phát kéo dài và ngày càng phức tạp không riêng ở địa phương nào.
Thực tế trên đặt trong bối cảnh an ninh nguồn nước liên quan đến dòng chảy sông Hồng - dòng sông có diện tích lưu vực và ảnh hưởng dân sinh lớn nhất Việt Nam, cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trong số hơn 550 km sông Hồng chảy trong lãnh thổ nước ta, đoạn qua địa phận Hà Nội 128 km đang phải đối mặt nặng nề nhất với các thách thức tự nhiên cũng như xã hội, và tôi cho rằng quy hoạch đô thị vừa là cơ hội nhưng cũng chính là thách thức lớn nhất. Làm sao để chúng ta phát triển đô thị sông Hồng mà vẫn đảm bảo dòng chảy, không làm suy giảm số lượng và chất lượng nguồn nước?
Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt ngày 27/12/2022. Trước đó 8 tháng (ngày 5/4/2022) thành phố Hà Nội đã công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Như vậy quy hoạch đô thị sông Hồng được nghiên cứu và công bố trước quy hoạch tài nguyên nước. Xin được nhắc lại, Luật Tài nguyên nước 2012 đã quy định "Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phải gắn với khả năng nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước; bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông,..." (khoản 8 điều 3); và "Quy hoạch về thủy lợi, thủy điện, cấp nước, giao thông đường thủy nội địa và các quy hoạch khác có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước do bộ, ngành, địa phương lập phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước" (khoản 2 điều 16. Các quy định này cho thấy: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cần cập nhật và tuân thủ Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt.
Cần lưu ý rằng do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết cực đoan dẫn đến vấn nạn lũ lụt, úng ngập đi cùng với khô hạn, suy giảm chất lượng nước (ô nhiễm nước và xâm nhiễm mặn) ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc, và các địa phương dọc lưu vực sông Hồng trong đó có Hà Nội không phải là ngoại lệ. Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều lần mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn 1,4 -1,5m, thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc trong hơn 100 năm.
Quy hoạch tài nguyên nước cho biết nguy cơ chênh lệch nguồn nước giữa 2 mùa lũ/cạn, đặc biệt một số dòng sông thiếu nước tới 6 tháng/năm và tập trung vào tháng 4 làm thiếu nước tới cả lưu vực. Việc khô hạn kéo theo nguy cơ xâm nhập mặn từ ngoài biển vào sâu trong đất liền theo chiều ngang cũng như tầng nước ngầm; dùng phương pháp chồng lớp bản đồ nhiễm mặn cho thấy hàng nghìn km2 của Hà Nội cũng đối mặt với nguy cơ này.
Ngoài ra, việc quản lý khai thác, xả thải nước, rác đô thị và khu công nghiệp yếu kém đã làm ô nhiễm hầu hết các sông Nhuệ, Đáy, Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải… Dự báo thời gian thiếu nước ngày càng nhiều, trong khi nhu cầu dùng nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt của Hà Nội ngày càng lớn.
Vì sự phát triển bền vững của Thủ đô thì Hà Nội cần ưu tiên vấn đề an ninh nguồn nước trong phát triển đô thị sông Hồng. Chính quyền cần tăng cường hiệu lực quản lý các bãi bồi, xác định rõ đây là đất dòng sông đang cạn nước chứ không phải đất đô thị; đồng thời cần khẩn trương số hóa hồ sơ quản lý đất đai, địa chính với sự hỗ trợ của công nghệ bản đồ vệ tinh, bản đồ ảnh do thiết bị bay giám sát…
Trong khi các cơ quan quản lý đất đai, đô thị còn loay hoay với mô hình cũ thì các doanh nghiệp công nghệ đã cung cấp thông tin quản lý đất đai, quy hoạch số hóa, truy cập trên điện thoại thông minh. Phải chăng đây chính là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của các cấp quản lý Hà Nội trong năm mới 2023?
Tác giả: Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, là nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc và quy hoạch, xây dựng đô thị.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!