Tâm điểm
Ngô Tiến Long

Cứu cây xanh

Đến hôm nay hơn một tuần kể từ khi Yagi đổ bộ đất liền, nhìn lại có thể thấy rằng mặc dù các cấp, các ngành, địa phương và người dân đã nỗ lực hết mình để ứng phó với cơn bão lịch sử, tuy nhiên bão và hoàn lưu bão vẫn gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.

Tính đến 15/9, đã có hơn 350 người chết và mất tích, hơn 2.000 người bị thương; 230.000 nhà ở, nhiều trụ sở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh bị tốc mái, hư hỏng; gần 70.000 nhà bị ngập; trên 190.000 ha lúa, 48.00 ha hoa màu, 31.000 ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; hơn 3.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 21.000 gia súc và trên 2,6 triệu gia cầm bị chết.

Nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Tình trạng sạt lở, ngập lụt, chia cắt giao thông cục bộ xảy ra ở hầu hết các địa phương miền Bắc.

Bão Yagi cũng khiến cây xanh gãy đổ la liệt ở những nơi nó quét qua. Riêng tại Hà Nội, theo Sở Xây dựng thì trên địa bàn thành phố có trên 40.000 cây đổ và gãy cành (7 quận, huyện chưa có báo cáo), dự kiến có khoảng 3.000 cây có thể cứu, trong đó có 100 cây quý hiếm.

Cứu cây xanh - 1

Cây cổ thụ trước tháp Hòa Phong (nút giao Đinh Lễ - Đinh Tiên Hoàng) bật gốc, đã được lực lượng chức năng tỉa cành để đảm bảo an toàn. Nhiều người dân hiếu kỳ dừng xe chụp ảnh xung quanh hồ Gươm, ngày 8/9 (Ảnh: Minh Nhân).

Trong phạm vi bài viết này tôi xin bàn về vấn đề cây xanh đô thị nhìn từ bão Yagi.

Với một thành phố có độ cây xanh bao phủ còn khá thấp so với tiêu chuẩn đô thị hiện đại như Hà Nội, việc chỉ qua một cơn bão đã mất đi số lượng cây xanh lớn như vậy, nhất là trong số đó có nhiều cây cổ thụ quý, quả là vô cùng đáng tiếc và đau xót.

Người Hà Nội có lẽ ai cũng cảm thấy buồn và thậm chí là sốc trong những ngày qua, khi phải chứng kiến những con đường quen thuộc hàng ngày nay cây xanh gãy đổ la liệt, ngổn ngang; lực lượng chức năng đang phải cưa, chặt và dọn dẹp số cây xanh gãy đổ đó.

Chủ tịch thành phố đã quan tâm kịp thời chỉ đạo công ty cây xanh công viên tập trung "cứu" cây, cụ thể là cố gắng tối đa trồng lại những cây bị đổ, bật gốc hoặc gãy cành, chứ không như trước đây là "nhanh chóng dọn sạch".

Các thành phố như Đà Nẵng và Huế đã để lại một số kinh nghiệm về việc trồng lại cây xanh sau bão, nhất là sau cơn bão mạnh hồi tháng 9/2020, mà Hà Nội có thể tham khảo.

Ngoài việc dọn dẹp đường phố và nỗ lực "cứu" cây xanh sau bão Yagi, nhà chức trách Thủ đô còn phải lo tiếp tục cắt tỉa cây xanh đường phố, nhất là những cây cổ thụ cành lá um tùm trước khi những cơn bão mới có thể vượt qua Biển Đông, đổ bộ vào đất liền.

Những việc trên đều cần thiết nhưng chỉ là giải pháp tình thế liên quan đến phần ngọn của vấn đề. Còn để giải quyết được thật căn bản, toàn diện và đầy đủ vấn đề cây xanh đường phố của Thủ đô nói riêng và các thành phố, trung tâm dân cư nói chung, tôi xin đóng góp 4 kiến nghị cụ thể dưới đây.

Thứ nhất, chúng ta không thể thay đổi được yếu tố khách quan là thời tiết, là mưa bão, nhưng hoàn toàn có thể và cần phải phân tích các nguyên nhân dẫn đến việc cây xanh gãy đổ hàng loạt vừa qua. Ngoài yếu tố khách quan thì có yếu tố chủ quan không, nếu có thì đó là những vấn đề gì, có liên quan đến việc lựa chọn loại cây trồng, việc trồng cây, việc cắt tỉa, việc chống đỡ… trước mùa mưa bão hay không?

Trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến bàn luận về các vấn đề trên, nhưng theo tôi đây là vấn đề cần ý kiến chuyên môn, cần nhận định của các chuyên gia am hiểu về cây xanh đô thị.

Thứ hai, để không lặp lại các nguyên nhân chủ quan, chính quyền thành phố cần sớm đưa ra một bộ Quy chuẩn quy định cụ thể các nguyên tắc xử lý cây giống cùng cách thức trồng và chăm sóc cây xanh đường phố thật khoa học và phù hợp với thực tế đô thị hóa rất đặc thù Việt Nam hiện nay.

Như nhiều chuyên gia đã chỉ ra, dù tình hình đường phố của ta hiện nay đã khác xưa rất nhiều, đặc biệt là vỉa hè phần lớn rất chật hẹp mà bên dưới lại chằng chịt các ống dây điện lực, thông tin, truyền hình…, cách trồng cây xanh đường phố của ta dường như vẫn như cả trăm năm trước, trong đó cơ bản vẫn là: (i) chỉ đào 1 lỗ vừa đủ cho gốc cây xuống lấp kín là xong, không cần biết rộng hẹp, nông sâu như thế nào…; (ii) cây trồng xong bị người thi công hoặc người sử dụng vỉa hè xây gạch hoặc đổ bê tông quanh gốc cùng hệ thống đường ống viễn thông, điện lực…, thì rễ cây làm sao có đủ điều kiện phát triển sâu rộng để có thể giữ chắc được cho thân cây, nhất là khi có mưa to gió lớn.

Bản Quy chuẩn cũng cần hướng dẫn đầy đủ độ tuổi tốt nhất của từng loại cây giống, cách xử lý cây giống trước khi trồng… để đảm bảo khi được trồng đúng kỹ thuật sẽ phát triển tốt, bộ rễ có đủ khả năng ăn sâu, lan rộng giữ chắc cho cây. 

Thực tế là trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp/cơ quan đã quá lạm dụng khả năng tài chính và công dụng của các loại thuốc kích thích mọc rễ, nên đã mang về phố rất nhiều cây to hàng chục năm tuổi nhưng đã bị chặt gần trụi bộ rễ từng có. Những cây trồng theo kiểu "mì ăn liền" đó sau khi được trồng trong phố, dù trông có vẻ xanh tốt, nhưng bộ rễ không thể cắm sâu, lan rộng để giữ chắc cho cây. Vì thế cách làm này cần được hạn chế tối đa. 

Thứ ba, để giải quyết được căn bản và bền vững vấn đề cây xanh đường phố, thay vì dựa vào cách làm truyền thống, mỗi địa phương rất cần có một kế hoạch riêng được tính toán thật sự khoa học, vừa rút kinh nghiệm từ thực tế trong nước, vừa học tập kinh nghiệm của các nước, nhất là những nước có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự nước ta…

Bản kế hoạch này trước hết phải xác định được loại cây xanh đường phố nào đáp ứng được nhiều nhất yêu cầu (i) làm xanh môi trường và tạo nhiều bóng mát; (ii) tạo vẻ đẹp đặc thù cho địa phương; (iii) phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, đặc biệt là khả năng chống chọi cao trước gió bão, cuồng phong trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Trên cơ sở đó, từng địa phương sẽ quyết định loại bỏ những loại cây nào trong số cây đang có sẵn và sẽ thay thế bằng những loại mới nào.

Thứ tư, việc thực hiện các đề xuất trên đòi hỏi một nguồn ngân sách nhất định, và nhân lực có kiến thức chuyên sâu nhiều hơn nhiều so với hiện nay. Thành phố cần có kế hoạch phân bổ ngân sách hợp lý, đồng thời tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ và hợp tác công-tư để đảm bảo đủ nguồn lực cho công tác quản lý cây xanh đô thị, trong đó đầu tư thích đáng vào công tác đào tạo nhân lực chuyên môn cũng là những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý cây xanh đường phố.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nhanh chóng áp dụng những phương pháp tiên tiến và công nghệ cao trong việc trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh của các nước phát triển trên thế giới vào Việt Nam.

Trồng được một cây xanh cho đến khi những cây đó phát huy được đầy đủ tác dụng mong muốn là một công việc đòi hỏi công phu, khoa học và mất nhiều (chục) năm. Thế nên sẽ là rất tiếc và phải thấy đau xót khi để những cây như thế dễ dàng bị gió bão quật đổ hoặc vô tình bị bức tử do sự tắc trách của con người. Những kiến nghị nêu trên có thể là chưa đủ để giải quyết hoàn toàn vấn đề, nhưng cũng là rất cơ bản để, nếu được đồng thời thực hiện đầy đủ, tôi tin chắc là sẽ từng bước cải thiện được cơ bản tình hình. 

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!