Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo hỏa tốc về xử lý cây xanh gãy, đổ sau bão Yagi

Nguyễn Hải
Cơn bão Yagi

(Dân trí) - Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để giải tỏa cây xanh bị gãy, đổ sau bão Yagi nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Chiều 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan chức năng tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để triển khai giải tỏa cây đổ, cành gãy, để đảm bảo an toàn giao thông.

Trước mắt, các cơ quan chuyên môn cần thực hiện ngay trên các tuyến đường, tuyến phố chính trên địa bàn thành phố và xong trước ngày 12/9.

Đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ, ông Thanh yêu cầu cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay hoặc di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và trồng vào các vị trí phù hợp, hoàn thành trước 15/9.

Đối với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ (dưới 25cm) bị gãy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu cần cắt cành, tán đảm bảo cân đối, phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định, hoàn thành việc trồng lại các cây xanh nêu trên trước ngày 20/9.

Các đơn vị chuyên môn thu hồi gỗ, củi đối với những cây gãy, đổ về địa điểm tập kết xong trước ngày 20/9 và thực hiện thủ tục thanh lý theo đúng quy định.

Đặc biệt, ông Thanh yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp cùng Sở Xây dựng và các đơn vị được giao quản lý, duy trì cây xanh để thống nhất vị trí đào vỉa hè trồng lại và trồng thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè do UBND các quận, huyện, thị xã quản lý để đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, cảnh quan, mỹ quan đô thị; thời gian thống nhất vị trí trồng cây trước ngày 30/9.

Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến 18h ngày 8/9, bão Yagi đã khiến 24 người chết, mất tích (21 người chết, 3 người mất tích); bị thương 229 người.

Ngoài ra, bão Yagi còn khiến 8.017 nhà ở bị hư hỏng; 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu.

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo hỏa tốc về xử lý cây xanh gãy, đổ sau bão Yagi - 1

Các lực lượng chức năng khẩn trương giải tỏa, dọn dẹp cây xanh bị gãy, đổ ở Hà Nội (Ảnh: Ngọc Lưu).

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 8.017 nhà ở bị hư hỏng; 5 đoạn đường dây 500kV, 31 đường dây 220kV, 97 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…

Đặc biệt Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng… 

Về nông nghiệp 109.382ha lúa bị ngập úng, thiệt hại tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái; 11.746ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình,...

Bên cạnh đó, bão Yagi cũng khiến hàng vạn cây xanh ở miền Bắc gãy đổ, riêng Hà Nội khoảng 17.000 cây.

Như đã thông tin ngày 2/9, bão Yagi hình thành trên vùng biển phía đông Philippines và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm.

Sau khi di chuyển vào Biển Đông gặp những điều kiện thuận lợi như vùng biển nóng, đã lâu không có bão nên chỉ sau 2 ngày bão Yagi đã tăng 8 cấp. Ngày 5/9, bão Yagi đạt cấp siêu bão (cấp 16, giật trên cấp 17) và duy trì hơn 1 ngày.

Sau khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), siêu bão Yagi chỉ giảm 2 cấp, còn cấp 14 khi tiến vào vịnh Bắc Bộ. Thời điểm đổ bộ vào vùng ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh vào 13h ngày 7/9, bão Yagi mạnh cấp 13-14, giật cấp 16.

Trong khoảng 5-6 tiếng "càn quét" Quảng Ninh - Hải Phòng, bão Yagi vẫn đạt cấp độ 12-13 nên đã tàn phá, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho khu vực này.

Đến khoảng 20h ngày 8/9, bão Yagi đổ bộ Hà Nội và nhanh chóng suy yếu.

Bão Yagi đã ghi nhận kỷ lục là cơn bão giữ cấp siêu bão (cấp 16) lâu nhất trên Biển Đông trong khoảng 30 năm trở lại đây.

Dòng sự kiện: Cơn bão Yagi