"Cỗ xe tam mã" của tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, kinh tế 9 tháng năm 2024 vẫn đạt mức tăng trưởng 6,82%.
Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm, vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai.
Có thể nói trong số các động lực tăng trưởng thì "cỗ xe tam mã" đóng vai trò quan trọng, bao gồm: Xuất khẩu hàng hóa; giải ngân vốn đầu tư công, vốn FDI; tiêu dùng cuối cùng trong nước (bao gồm tiêu dùng của nhà nước và tiêu dùng của hộ dân cư).
Trong 9 tháng năm nay, hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI.
Bức tranh xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong 9 tháng ghi dấu ấn đậm nét với kim ngạch xuất khẩu bình quân những tháng sau cao hơn những tháng trước. Bình quân một tháng trong 9 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt 33,29 tỷ USD.
Nếu duy trì được mức xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước trong 3 tháng còn lại của năm, khi đó xuất khẩu hàng hóa năm 2024 có triển vọng lập mốc lịch sử khoảng 400 tỷ USD, vượt mốc 371,82 tỷ USD của năm 2022.
Về giải ngân vốn đầu tư công, theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng mới đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 cả về số tuyệt đối và số tương đối.
Việc giải ngân chậm chủ yếu vẫn do các nguyên nhân chủ quan trong công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp cơ sở, cấp tổ chức thực hiện chưa quyết liệt. Nhiều nơi xuất hiện tình trạng đùn đẩy, sự thận trọng quá mức của một bộ phận cán bộ, khiến nhiều dự án lớn tiếp tục chậm tiến độ.
Đặc biệt, vướng mắc về cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu là những nguyên nhân đã được chỉ ra trong nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp xử lý khiến tiến độ giải ngân các dự án bị chậm.
Trong bối cảnh trên, điểm sáng là sự chỉ đạo quyết liệt, xử lý những bất cập chồng chéo trong môi trường pháp lý; với tư duy đổi mới, phương pháp, cách tiếp cận khác so với cách làm trước đây của Chính phủ. Đơn cử dự án đường dây 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã rút ngắn thời gian thi công từ 3-4 năm xuống còn 7 tháng. Đây là điển hình sinh động về tập trung nguồn lực, quan tâm chỉ đạo, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, tạo sự lan tỏa và thu hút đầu tư từ các nguồn vốn của nền kinh tế.
Giải ngân vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước có dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực kinh tế quan trọng này.
Điểm mới của bức tranh kinh tế 9 tháng là việc Việt Nam sẵn sàng tâm thế đón nhận làn sóng FDI thế hệ mới. Chính phủ đã xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài thực hiện mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030.
Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, Chính phủ và các địa phương đang thực thi giải pháp nhằm đảm bảo năng lượng ổn định, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều hàm lượng giá trị gia tăng được đầu tư mới và bổ sung vốn trong 9 tháng năm nay.
Tiêu dùng cuối cùng - động lực tăng trưởng có quy mô lớn nhất, quan trọng nhất, có bước đi "chậm và ngắn". Trong 9 tháng, mặc dù đã có sự "hỗ trợ tiêu dùng" của 12,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá so sánh chỉ tăng 5,8%, thấp hơn 1,8 điểm phần trăm so với mức tăng 7,6% của cùng kỳ năm 2023.
Điều này phản ánh khó khăn của các hộ gia đình khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế; tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính còn cao; niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, người dân thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn và trì hoãn các khoản mua sắm có giá trị lớn.
Qua đánh giá thực trạng sức mạnh của "cỗ xe tam mã", cùng với sự năng động của các thực thể kinh tế trong sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, lạm phát được kiểm soát.
Tổng sản phẩm trong nước 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thực hiện xuất sắc vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ đã khởi sắc, dần lấy lại vai trò là động lực và dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhìn toàn cảnh, bức tranh kinh tế nước ta trong 9 tháng qua đã dần phục hồi nhưng chưa vững chắc, với nhiều điểm sáng, đan xen với khó khăn thách thức.
Vấn đề nhiều người quan tâm lúc này là cần làm gì để đưa cỗ xe kinh tế Việt Nam năm 2024 về đích thắng lợi?
Thứ nhất, cần khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, sớm đưa các doanh nghiệp và hộ sản xuất bị ảnh hưởng quay trở lại hoạt động.
Thứ hai, trong 3 "ngựa kéo" cỗ xe kinh tế, các nhà quản lý cần chủ động cao nhất việc điều khiển "ngựa đầu tư" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm đạt kết quả cao nhất; tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công có quy mô lớn, liên quan tới nhiều ngành, nhiều địa phương.
Vấn đề cần chú ý là linh hoạt hơn trong thu hút các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước để cùng thời điểm có thể thực hiện nhiều dự án thành phần.
Thứ ba, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ là động lực có quy mô lớn nhất, tác động mạnh nhất, quan trọng nhất trong các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng tăng lên đồng nghĩa với tháo gỡ khó khăn về tìm kiếm thị trường cho khu vực doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm bớt sự phụ thuộc vào tổng cầu thế giới.
Theo tôi, Chính phủ nên tính toán các giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội, như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động, tạo an tâm về chỗ ở, tạo việc làm ổn định đáp ứng đủ yêu cầu lao động của doanh nghiệp.
Niềm tin của người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo hiệu quả của các giải pháp kích cầu tiêu dùng, vì vậy cùng với chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định, chính sách về lãi suất ngân hàng, thị trường bất động sản, giá vàng, giá ngoại tệ ổn định..., sẽ tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu, xử lý được bài toán nhu cầu thị trường trong nước thấp đối với doanh nghiệp.
Thứ tư, phát huy tối đa động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất…
Kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, tạo nền tảng đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tác giả: TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!