Chọn sách cho học sinh, thầy cô "cân não"
Sự việc Trường quốc tế TPHCM phát sách tham khảo "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" đã tạo ra những luồng tranh luận gay gắt trong xã hội. Hệ quả là Trường thu hồi sách, Sở yêu cầu kiểm điểm giáo viên, Cục xuất bản đề nghị thẩm định lại ấn phẩm, còn phụ huynh và học sinh thì hoang mang.
Tuy nhiên, hệ quả chưa dừng lại ở đó. Sau vụ việc, rất nhiều trường lúng túng khi chọn sách cho thư viện của trường, hoặc chọn sách tham khảo cho học sinh đọc bổ trợ cho các môn học. Những trường áp dụng chương trình tú tài quốc tế IB với những môn học như Phát triển bản thân và xã hội, có thể cần chọn những cuốn sách "khó" về đề tài LGBT (tên viết tắt các chữ cái đầu của cộng đồng những người đồng tính luyến ái, song tính luyến ái và người chuyển giới), lịch sử… để phát triển tư duy phản biện, góc nhìn đa dạng.
Những cuốn sách thuộc thể loại này đều tiềm ẩn các cuộc tranh luận như trên. Nếu trường và thầy cô chọn những cuốn sách "an toàn" thì có thể chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình và nhu cầu, mong muốn đa dạng của học sinh. Còn nếu trường chọn những cuốn sách có thể gây tranh cãi thì lại đối mặt với những rủi ro không lường trước được.
Vậy làm thế nào để trường chọn đúng sách, nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và không vi phạm quy định của Luật xuất bản, Luật trẻ em, Luật giáo dục và các bộ luật liên quan đến xuất bản phẩm; đồng thời vẫn đảm bảo được sự đa dạng, độc đáo, cá nhân hóa đối với sự phát triển bản thân của từng học sinh.
Trước khi đi vào những chi tiết cụ thể của các quy định pháp lý và kinh nghiệm của nước ngoài về việc trường, thầy cô chọn sách như thế nào, theo tôi chúng ta cần thống nhất một luận điểm.
Đó là, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc các trường áp dụng các chương trình quốc tế hoặc giảng dạy những môn như công dân toàn cầu chẳng hạn, thì học sinh sẽ làm quen với những chủ đề tiềm ẩn bất đồng bởi sự khác biệt/xung đột văn hóa từ các bên (trường, xã hội, cơ quan quản lý), như: công bằng xã hội, biến đổi khí hậu, LGBT, lịch sử, chính trị… Đó là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh giáo dục toàn cầu hóa. Vì vậy, để ứng xử văn minh trước những vấn đề hiển nhiên như vậy, trước hết, chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt về quan điểm; và xem cơ sở pháp lý để giải quyết xung đột phát sinh là gì?
Theo quy định của Luật xuất bản hiện hành, chỉ cần sách không vi phạm điều cấm là được. Điều cấm gồm: sách không tuyên truyền chống Đảng, nhà nước; kích động chiến tranh, truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, phá hoại thuần phong mỹ tục…; sách xuất bản không hợp pháp; sách vi phạm bản quyền; sách bị đình chỉ, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép.
Đối với sách thiếu nhi, theo quy định của Luật trẻ em, Luật xuất bản thì phải ghi rõ đối tượng phục vụ tại bìa 4 theo các lứa tuổi.
Theo những căn cứ pháp lý như trên, cuốn "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" là ấn phẩm xuất bản hợp pháp. Và nó không thuộc thể loại sách thiếu nhi nên đương nhiên không phải dán nhãn.
Như vậy, vấn đề của cuốn "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" là gì? Căn cứ điều 3 Thông tư 21/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cuốn sách này có phù hợp với chương trình giáo dục không? Có phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi không? Có trái với thuần phong mỹ tục không?
Đây là những điều mà cô giáo, tổ/nhóm chuyên môn và thủ trưởng cơ sở giáo dục phê duyệt danh mục xuất bản phẩm tham khảo cần phải giải trình với cơ quan quản lý giáo dục địa phương.
Vậy ở một số quốc gia như Nhật Bản và Hoa Kỳ, họ đã xây dựng tiêu chuẩn tuyển chọn sách và thiết lập cơ chế giải quyết xung đột như thế nào?
Ở Nhật, Hiệp hội thư viện trường học toàn quốc là tổ chức có tính chất dân sự (khác với hình thái tổ chức của gia đình, chính quyền và thị trường). Họ chính là tổ chức đưa ra tiêu chuẩn chọn sách cho các thầy cô, nhà trường và phụ huynh.
Ngoài ra, thủ thư trường học hoặc thủ thư thư viện công (trung ương, địa phương) có thẩm quyền/vai trò quan trọng trong việc tư vấn, chọn sách cho các thầy cô, môn học và chương trình học thông qua Tạp chí thư viện trường học.
Ở Hoa Kỳ, Hiệp hội Hội đồng trường, ví dụ như Hiệp hội Hội đồng trường học Texas sẽ đưa ra những hướng dẫn về việc chọn tài nguyên giảng dạy, học liệu và sách trong thư viện.
Trong bảng hướng dẫn này, họ thiết kế những tài liệu hỏi đáp để các bên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc chọn sách. Cụ thể: Trong trường hợp phụ huynh cảm thấy rằng tác phẩm tham khảo này không phù hợp với giá trị đạo đức hoặc niềm tin tôn giáo thì theo luật, phụ huynh có quyền cho con mình không tham gia. Hoặc các học khu (tương đương Sở giáo dục và Đào tạo), trường đều có quy trình giải quyết khiếu nại nếu phụ huynh phàn nàn hoặc cho rằng cuốn sách tham khảo nào đó chưa phù hợp.
Và quy trình được các trường và học khu thiết kế và công khai. Ví dụ, thầy cô có nghĩa vụ phải thông tin về danh mục xuất bản tham khảo cho học sinh, phụ huynh (có quy định ở khoản 3 Điều 5 Thông tư 21/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Nếu phụ huynh không đồng ý với cuốn sách tham khảo nào thì có thể khiếu nại tới trường hoặc học khu. Trường và học khu có nghĩa vụ trả lời khiếu nại của phụ huynh.
Trong trường hợp sách tham khảo có nội dung thô tục, tục tĩu, phản cảm, dâm ô thì các bên có thể tham khảo Hướng dẫn công dân trong Luật liên bang về tục tĩu.
Tuy nhiên, có điểm lưu ý, ở Hoa Kỳ, nếu phụ huynh và kể cả thầy cô, nhà trường không thích hoặc không chia sẻ quan điểm với một cuốn sách nào đó về giới… trong thư viện, thì cũng không thể tự tiện loại bỏ cuốn sách đó ra khỏi thư viện. Bởi, ở Hoa Kỳ, Hiến pháp bảo vệ quyền tự do biểu đạt của tác giả, tác phẩm; và Hiến pháp cũng bảo vệ quyền đọc của học sinh. Ví dụ, theo điều tra, ở Hoa Kỳ có khoảng 3-5% học sinh thuộc cộng đồng LGBT, và thiểu số học sinh này có quyền tiếp cận những cuốn sách về chủ đề LGBT ở trong thư viện, mặc dù có thể nhiều phụ huynh khác không thích sách về chủ đề đó xuất hiện trong thư viện.
Giáo dục trong thời kỳ toàn cầu hóa đặt ra những thách thức rất cụ thể về việc các trường và thầy cô chọn sách cho học sinh như thế nào, để vừa đảm bảo chương trình học, sự lựa chọn theo nhu cầu đa dạng của học sinh, niềm tin tôn giáo và đạo đức của phụ huynh, gia đình, cộng đồng và vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật về bản quyền, tự do xuất bản theo giá trị phổ quát của nhân loại. Vì vậy, thiết nghĩ việc tham khảo tiêu chuẩn chọn sách và cơ chế giải quyết khiếu nại từ Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ hữu ích trong bối cảnh giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!